Multimedia Đọc Báo in

Việt Nam - huyền thoại của chiến tranh

14:49, 09/04/2010

Kim Jin Sun bây giờ là Đại tướng dự bị quân đội Hàn Quốc. Hơn 40 năm trước, Kim sang miền Nam Việt Nam chiến đấu trong đội quân đánh thuê cho Mỹ. Về nước, nỗi day dứt về những cuộc bắn giết người Việt Nam không nguôi trong tâm trí Kim. Sau năm 1975, trở lại Việt Nam, thực tế thu lượm được ở mảnh đất nhiều kỷ niệm này đã làm chất liệu để Kim Jin Sun viết nên tập Ký ức chiến tranh. Trong đó, hình ảnh người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam được Kim Jin Sun khắc họa như những người anh hùng đấu tranh cho độc lập tự do của Tổ quốc. Xin giới thiệu với bạn đọc một số đoạn trong tác phẩm của Kim Jin Sun.

Tôi đã chiến đấu trên chiến trường Việt Nam với các cấp bậc đại đội trưởng. Trong khu vực đó, tôi có thể quyết định và ra những mệnh lệnh theo suy nghĩ của mình. Tôi đã chiến đấu hết sức mình trong khu vực được cấp trên giao mà chẳng cần biết mục đích.
Còn bây giờ, tôi muốn tỏ lòng kính trọng đối với những người đã chiến đấu vì độc lập và tự do của Việt Nam. Tôi cũng muốn nói lời sám hối đối với những linh hồn đã chết vì bất cứ nguyên nhân gì trong những trận đánh với tôi. Tôi cũng mong những người Việt Nam hiện nay, những người đã được hưởng độc lập tự do nhờ sự hy sinh của cha ông, sẽ xây dựng được một nước Việt Nam hạnh phúc và giàu đẹp.
Chúng tôi sang Việt Nam với ý nghĩa chiến đấu vì người Việt Nam, nhưng những người Việt Nam mà tôi gặp trên đường dường như không hề nghĩ chúng tôi là ân nhân của họ. Ánh mắt của họ nhìn chúng tôi không có một chút thiện cảm.
Tôi cũng rất phân vân không hiểu vì sao những người lính giải phóng được trang bị đơn sơ như vậy lại có thể chiến đấu và chiến thắng với siêu cường quân sự số một thế giới – nước Mỹ. Quân giải phóng thường xuyên lấy rừng núi làm địa bàn hoạt động. Họ không có đủ vũ khí và trang bị để tác chiến ban ngày, ở những khu vực bằng phẳng. Nhưng họ luôn có một tinh thần mà không có một quân đội hùng mạnh nào có được. Căn cứ của họ thường được đặt trong rừng sâu, nơi không hề có những điều kiện tối thiểu cho sinh hoạt đời thường của một con người. Họ đã kiên trì và bền bỉ khắc phục những khó khăn đó. Họ cũng rất dũng cảm trong chiến đấu.
Thời đó, tôi không hề quan tâm đến việc dân tộc Việt Nam đã từng chống ách thống trị của người nước ngoài trong suốt mấy ngàn năm, trong đó có trên một trăm năm chống ách thống trị của người da trắng. Tôi cũng không biết rằng họ đã chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do cho dân tộc. Tôi đã không biết rằng họ đang tiến hành một cuộc đấu tranh chính nghĩa chống lại các thế lực đế quốc tàn bạo. Tôi chỉ cảm thấy mình hơn hẳn họ khi nhìn vào những trang bị thô sơ của họ. Nếu thời đó, tôi hiểu được lịch sử và mục đích chiến đấu của những người lính giải phóng, có lẽ tôi sẽ cùng binh lính của mình nhận tiền và lương thực của quân đội Mỹ, sau đó giết thời gian bằng những trò chơi và trò thể thao trong căn cứ. Chúng tôi sẽ giữ thái độ trung lập. Và có lẽ trong thâm tâm, chúng tôi sẽ đồng tình với người Việt Nam.
Việt Nam, một đất nước đã từng bao lần chiến thắng giặc ngoại xâm, đất nước duy nhất trên thế giới đã chiến thắng quân Nguyên Mông, đất nước có tinh thần đấu tranh dân tộc bền bỉ được tôi luyện qua hàng ngàn năm chiến đấu, đất nước có chiến thuật chiến tranh du kích đúc rút từ thời cha ông dựng nước và giữ nước, trong thế kỷ XX lại làm nên một kỳ tích: thắng Pháp và Mỹ. Câu chuyện thần thoại của họ đã không dừng lại ở quá khứ mà một lần nữa nó lại được tái hiện khi họ đánh bại quân đội hùng mạnh nhất thế giới trong thế kỷ XX. Lịch sử mà dân tộc Việt Nam đã sáng tạo ra là một bài học vô cùng bổ ích đối với mọi quốc gia dù lớn dù nhỏ.

Đền Bến Dược tại mảnh đất huyền thoại Củ Chi (TP. HCM), nơi tưởng niệm những người con bất khuất đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ Quốc
Đền Bến Dược tại mảnh đất huyền thoại Củ Chi (TP. HCM), nơi tưởng niệm những người con bất khuất đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ Quốc (Ảnh: T.L)
Trước khi gây chiến với Việt Nam, Mỹ là nước đã giành thắng lợi trong tất cả các cuộc chiến tranh, là nước đầu tiên trên thế giới tạo ra bom nguyên tử và đã chứng tỏ cho thế giới biết sức mạnh của mình khi ném hai quả xuống Nhật Bản. Mỹ tự hào là quốc gia đứng đầu thế giới. Mỹ đã giành thắng lợi ở Đức, Nhật,… là nhờ sức mạnh của không quân. Vì thế, họ cũng tin rằng trước sức mạnh của không quân và các vũ khí tối tân khác của mình, Việt Nam sẽ nhanh chóng khuất phục. Sự ngạo mạn của quốc gia hàng đầu thế giới cũng có trong Quốc hội Mỹ. Năm 1964, sau “sự kiện vịnh Bắc Bộ”, Quốc hội Mỹ đã thông qua với 100% số phiếu dự luật cho phép Tổng thống quyền hạn đặc biệt trong chiến tranh Việt Nam. Khi Quốc hội đã đồng ý, Tổng thống Giôn-sơn đã định đưa vào Việt Nam một lực lượng quân sự hùng mạnh để giải quyết vấn đề trong năm 1996. Mỹ bắt đầu ném bom miền Bắc và đưa bộ binh vào miền Nam Việt Nam.
Nhưng không phải do ngẫu nhiên mà tất cả các nhà lãnh đạo Mỹ có liên quan đến chiến tranh Việt Nam đều phải chịu những bất hạnh như nhau. Tổng thống Ken-nơ-đi đã rơi vào hoàn cảnh khó xử khi Ngô Đình Diệm – người được Mỹ dựng lên phải chịu sự phản đối của toàn dân vì những chính sách tàn bạo, tệ tham nhũng thối nát của chính quyền. Cuối cùng, Ngô Đình Diệm đã bị giết hại dưới sự đạo diễn của CIA. Nhưng thật trùng hợp, chỉ 3 ngày sau khi Diệm chết, Tổng thống Mỹ cũng bị ám sát.
Sau khi quyết định mở rộng chiến tranh ở Việt Nam, Tổng thống Giôn-sơn ngày càng chìm sâu vào vũng lầy. Thiệt hại của quân Mỹ ngày càng cao. Mặc dù nhiều đơn vị, thêm nhiều vũ
khí hiện đại đã được đưa vào Việt Nam, nhưng tình hình vẫn không thay đổi. Thêm vào đó, những cuộc biểu tình phản chiến và dư luận chống chiến tranh ngày càng cao trong nước, Giôn-sơn đành phải rút lui khỏi cuộc bầu cử nhiệm kỳ 2.
Những quyết định sai lầm và những kết cục chính trị bất hạnh cho các tổng thống Mỹ liên quan đến Việt Nam liệu có phải là ý trời? Tổng thống Pắc Chung Hy – người đã phái quân sang Việt Nam cũng đã bị ám sát. Tại sao tổng thống của hai nước liên quan đến chiến tranh Việt Nam lại đều phải chịu chung số phận như vậy?
Khi tôi còn tham chiến ở Việt Nam, một sĩ quan Việt Nam cộng hòa đã nói với tôi rằng: “Tôi không thích chủ nghĩa cộng sản nhưng tôi kính trọng Hồ Chí Minh”. Hồ Chí Minh là lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Mặc dù đất nước bị chia cắt, Hồ Chí Minh vẫn được rất nhiều người dân miền Nam yêu quý và ủng hộ. Hồ Chí Minh là một người rất khiêm tốn giản dị và nhất mực yêu thương nhân dân.
Ông không bao giờ tỏ ra tự mãn.
Ông không bao giờ tỏ ra độc đoán.
Ông không hề nói dối.
Ông không hề thích được sùng bái.
Ông không tỏ ra mình là người đứng trên nhân dân.
Ông không khoa trương.
Ông không bao giờ cho rằng mình sinh ra đã hơn người khác.
Ông là một người khiêm tốn.
Ông chỉ biết nghĩ đến nhân dân, chỉ biết phụng sự và hy sinh vì nhân dân.
Nước Mỹ đã lao vào Việt Nam mà không hiểu về những khát vọng của dân tộc này, cũng như mục đích của Hồ Chí Minh.
Việt Cộng hay Việt Minh mỗi khi gặp người phụ nữ đứng tuổi đều gọi họ bằng mẹ, gọi người đàn ông đứng tuổi là Bác. Điều này đã tạo cảm giác thân thiện giữa hai bên.
Tướng Giáp đã nói rằng: Vấn đề đấu tranh giành độc lập và thống nhất Tổ quốc là đem lại ruộng đất cho nông dân, bảo đảm quyền lợi cho nhân dân. Ông gọi cuộc chiến tranh lúc đó là cuộc chiến tranh toàn dân vì quyền lợi của nhân dân. Ông đã coi đây là cuộc chiến tranh chính trị Ông cũng tuyên bố rõ ràng về khái niệm địch với những lực lượng đang đấu tranh chống lại Mỹ và chính quyền Sài Gòn.
Tướng Giáp đã huấn luyện cho quân đội của ông những nguyên tắc trong đối xử với dân: Phải tôn trọng nhân dân; phải giúp đỡ nhân dân; phải bảo vệ nhân dân. Để thực hiện những điều này, tướng Giáp đã đưa ra những điều cấm đối với binh sĩ của mình: Cấm không được có những hành vi gây phương hại đến đồng ruộng hoa màu cũng như xâm hại đến nhà cửa, tài sản của nhân dân; không được mua hoặc thuê nếu nhân dân không muốn bán hoặc cho thuê; không được mang gà mái còn sống vào nhà đồng bào miền núi; không được thất hứa; không được coi thường tín ngưỡng và tập tục của nhân dân; không được phép có những hành động có thể làm cho nhân dân hiểu lầm là không tôn trọng nhân dân.
Dân tộc Việt Nam đã tiến hành một cuộc chiến tranh chính trị dựa trên chiến tranh du kích. Còn Mỹ đã tiến hành một cuộc chiến tranh quân sự dựa chủ yếu vào sức mạnh của vũ khí. Cuối cùng, phần thắng đã thuộc về bên tiến hành chiến tranh chính trị. Một nguyên tắc bất di bất dịch có tính triết học mà dân tộc Việt Nam duy trì là nguyên tắc giành thắng lợi bằng chính sức mình, dù tình hình có khó khăn đến đâu.
Chiến tranh Việt Nam cũng là sự cảnh cáo đối với thói ngạo mạn của các đại cường quốc, nó cũng cho thấy kết cục của những lực lượng không có chính nghĩa. Nó cũng là một lời nhắn cho các dân tộc bị xâm hại quyền lợi chính đáng: Hãy đấu tranh bền bỉ tới cùng thì nhất định giành chiến thắng.
Trong thời gian tham chiến ở Việt Nam, với cấp bậc đại đội trưởng, tôi đã từng có những hành vi chẳng khác nào một con thú dữ trong bầu không khí cuồng loạn của chiến tranh. Trong quá trình đó, tôi đã đánh mất nhiều điều và cũng được chứng kiến nhiều điều. Sau khi phải trả giá cho chiến tranh, tôi đã trở nên hiểu rõ bản thân hơn. Tôi hiểu rằng ở sâu thẳm trong lòng mình có một tính cách rất xấu xa. Nếu được sinh ra vào thời cổ đại hoặc trung đại thì có lẽ tôi đã trở thành một kẻ đi chinh phục, một kẻ thích tàn sát. Thật may mắn là tôi đã hiểu ra rằng tính cách xấu xa đó, cái được bao bọc chắc chắn bằng lý trí trong những lúc bình thường, nó có thể bứt tung những gì ràng buộc nó và xuất hiện dưới hình hài của quỉ sứ chỉ trong một khoảnh khắc. Chiến tranh Việt Nam đã cho tôi hiểu ra bản thân mình.

Theo Văn hóa Quân sự

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.