Multimedia Đọc Báo in

Đưa Dak Lak phát triển nhanh và bền vững, trở thành tỉnh giàu mạnh; xây dựng Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên (*)

16:13, 02/10/2010
(Bài phát biểu của đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2010-2015)
7.jpg
Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu chỉ đạo Đại hội
Thưa Đoàn chủ tịch Đại hội
Thưa các đồng chí lão thành cách mạng, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Thưa các đồng chí Đại biểu và toàn thể Đại hội
Hôm nay, trong không khí cả nước tưng bừng, phấn khởi đón chào đại lễ  kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Dak Lak lần thứ XV, nhiệm kỳ 2010-2015 chính thức khai mạc. Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, tôi nhiệt liệt chào mừng các đồng chí đại biểu Đại hội, chào mừng các đồng chí đại diện các Bộ, ban, ngành Trung ương, các đồng chí lão thành cách mạng, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động, các đồng chí nguyên là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh qua các thời kỳ; xin chúc các đồng chí và qua các đồng chí xin gởi đến các đồng chí thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng và toàn thể cán bộ, đảng viên, quân và dân các dân tộc tỉnh Dak Lak lời chúc mừng tốt đẹp nhất, chúc Đại hội thành công tốt đẹp.
Thưa các đồng chí
Đại hội Đảng các cấp là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng và có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Kết quả Đại hội Đảng các cấp là tiền đề bảo đảm thành công của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Tôi vui mừng nhận thấy Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Dak Lak đã được chuẩn bị chu đáo, bảo đảm yêu cầu của Chỉ thị 37 của Bộ Chính trị và các văn bản hướng dẫn của Trung ương.
Thưa các đồng chí
Dak Lak là tỉnh miền núi, biên giới, nhiều dân tộc anh em cùng chung sống, có tiềm năng đất đai rộng lớn, hệ thống giao thông tương đối thuận lợi kết nối với các vùng kinh tế trọng điểm, các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, là tỉnh không chỉ có vị trí chiến lược rất quan trọng về quốc phòng-an ninh mà còn có vai trò rất to lớn trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của vùng Tây Nguyên nói riêng, cả nước nói chung. Qua Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh trình Đại hội, cũng như qua theo dõi tình hình, tôi vui mừng nhận thấy nhiệm kỳ 5 năm qua, trong bối cảnh có rất nhiều khó khăn do thiên tai, bão lũ, tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng Đảng bộ, quân và dân các dân tộc trong tỉnh đã nỗ lực phấn đấu thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XIV của Đảng bộ với tinh thần quyết tâm cao và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm hơn 12%. Quy mô kinh tế năm 2010 gấp 1,7 lần 2005; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đều có bước phát triển. Giá trị sản xuất nông lâm nghiệp tăng bình quân hàng năm 6,17%, chuyển dịch theo hướng sản xuất tập trung, chuyên canh, quy mô lớn, tăng nhanh cả về diện tích, năng suất và sản lượng cây trồng; chăn nuôi phát triển khá, tăng bình quân 5 năm gần 29%/năm; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng bình quân hàng năm 19,64%; thương mại – dịch vụ tăng bình quân 27,31%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng gần gấp 2 lần chỉ tiêu đề ra, đạt gần 2,93 tỷ USD; thu hút đầu tư có nhiều tiến bộ; huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt 31,8% GDP; hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, điện nước được tập trung đầu tư; các thành phần kinh tế phát triển cả về quy mô và chất lượng; thu nhập bình quân đầu người đạt tương đương 14,2 triệu đồng (tương đương 963USD).
Lĩnh vực văn hoá – xã hội có tiến bộ, an sinh xã hội từng bước được bảo đảm; công tác xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm được quan tâm và thực hiện có kết quả. Sự nghiệp y tế, giáo dục – đào tạo tiếp tục phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, tỷ lệ trẻ đi mẫu giáo và học sinh tiểu học đi học đúng độ tuổi ngày càng tăng; hầu hết các huyện, thị xã, thành phố đều có trường dân tộc nội trú; hệ thống trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp được nâng cấp, mở rộng quy mô và ngành nghề đào tạo; mạng lưới y tế từ tỉnh đến cơ sở được quan tâm củng cố, chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân được nâng lên. Việc xây dựng đời sống văn hoá, giữ gìn và phát huy bản sắc các dân tộc được chú trọng. Chính sách dân tộc, tôn giáo tiếp tục được quán triệt và thực hiện có kết quả tích cực. Các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng thường xuyên được quan tâm; đặc biệt đã cơ bản hoàn thành các Chương trình 132, 134, giải quyết cơ bản về nhà ở, đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại được tăng cường; công tác quản lý bảo vệ biên giới có kết quả tốt. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. quan hệ hữu nghị, hợp tác với địa phương nước bạn đạt được kết quả tích cực.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có chuyển biến tích cực. Công tác giáo dục chính trị được đổi mới, chất lượng, hiệu quả được nâng lên. Thực hiện có kết quả bước đầu Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khoá X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm”. Công tác xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng đảng viên, phát triển đảng được tăng cường, đã xoá được địa bàn thôn, buôn, tổ dân phố “trắng” đảng viên.Công tác cán bộ có đổi mới, trình độ đội ngũ cán bộ được nâng lên. Chất lượng hoạt động của các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể có chuyển biến tích cực.
Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tôi nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh nhà về những thành tựu quan trọng đã đạt được trong nhiệm kỳ qua, những kết quả đó góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng, và thành tựu chung của cả nước
Thưa các đồng chíPhấn khởi, tự hào về những thành tựu đã đạt được trong nhiệm kỳ qua để tăng thêm niềm tự hào, niềm tin vào sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo; đồng thời cũng phải nghiêm túc nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng tình hình, nhận rõ những hạn chế, yếu kém để quyết tâm khắc phục trong nhiệm kỳ tới như Báo cáo chính trị đã trình ra Đại hội. Đó là kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh; chất lượng hiệu quả chưa cao, chưa bền vững; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm. Công nghiệp còn chiếm tỷ trọng thấp trong GDP. Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch còn bất cập. Quản lý tài nguyên, đất đai, rừng và đất rừng còn lỏng lẻo, hiệu quả sử dụng thấp; rừng còn bị tàn phá nặng, môi trường chưa được bảo vệ tốt; kết cấu hạ tầng còn yếu và chưa đồng bộ; thu hút đầu tư còn hạn chế, chưa có nhiều nhà đầu tư có tiềm lực mạnh đầu tư vào các dự án lớn, như xây dựng các khu công nghiệp, đô thị… Các lợi thế về xuất khẩu nông sản chưa được khai thác, phát huy tốt
Chất lượng giáo dục đào tạo, chăm sóc y tế và các hoạt động văn hoá, thể thao, khoa học công nghệ và việc thực hiện xã hội hoá trên các lĩnh vực này có mặt còn hạn chế; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo và khả năng tái nghèo còn cao. An ninh chính trị chưa thật sự vững chắc, còn tiềm ẩn nhân tố gây mất ổn định, trật tự xã hội còn diễn biến phức tạp; tai nạn giao thông còn cao. Một số vấn đề bức xúc của xã hội chưa được giải quyết căn bản. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” hiệu quả còn hạn chế, chưa tạo chuyển biến mạnh mẽ trong “làm theo” của cán bộ, đảng viên. Chất lượng sinh hoạt và sức chiến đấu của chi bộ nhiều nơi còn thấp, số tổ chức cơ sở đảng đạt tiêu chuẩn trong sạch vững mạnh, đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt tỷ lệ khá cao nhưng công tác nắm tình hình, nắm dân chưa chắc, chưa đủ sức giải quyết tốt những vấn đề phức tạp nảy sinh từ cơ sở. Đây là những vấn đề Đại hội cần tập trung thảo luận để có biện pháp khắc phục một cách kiên quyết, không để lặp lại các hạn chế, khuyết điểm đó trong nhiệm kỳ tới.
Thưa các đồng chíSau 25 năm đổi mới, 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Ngày nay đất nước đang bước vào một giai đoạn phát triển mới với những thời cơ, thuận lợi lớn và những khó khăn, thách thức gay gắt đan xen. Đại hội XI của Đảng có ý nghĩa hết sức quan trọng, Đại hội sẽ đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước ta trong thời gian tới, trong đó có nhiệm vụ 5 năm tới với các mục tiêu cơ bản là “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Đối với Dak Lak, 5 năm tới cũng là giai đoạn có ý nghĩa hết sức quan trọng, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh phải nỗ lực phấn đấu, phát huy tinh thần cách mạng tiến công, làm cho Dak Lak phát triển nhanh và bền vững, trở thành tỉnh giàu mạnh, xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.
Tôi cơ bản tán thành phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng bộ trong nhiệm kỳ 5 năm tới được nêu trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh trình Đại hội. Sau đây, tôi chỉ nêu và nhấn mạnh thêm một số vấn đề, đề nghị các đồng chí cùng thảo luận.
 Thứ nhất, Dak Lak là tỉnh có diện tích tự nhiên khá rộng, là trung tâm của vùng Tây Nguyên, có hệ thống giao thông thuận lợi kết nối với các vùng kinh tế trọng điểm, các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, Nam bộ và cả nước; có tiềm năng lớn về tài nguyên đất bazan cho phát triển các loại cây công nghiệp có giá trị cao như: cà phê, cao su, phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi đại gia súc, trồng rừng, gắn với công nghiệp chế biến nông lâm sản… Vì vậy, trong phương hướng, mục tiêu nhiệm vụ phát triển nông nghiệp thời gian tới, dak Lak cần hết sức quan tâm công tác quy hoạch, nâng cao chất lượng quy hoạch, cả quy hoạch chung về phát triển kinh tế - xã hội đến quy hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng; quy hoạch phát triển các ngành, các vùng; quy hoạch sử dụng đất đai; quy hoạch xây dựng các khu đô thị, các cụm dân cư… Công tác quy hoạch của tỉnh phải gắn với quy hoạch của cả nước và vùng Tây Nguyên theo hướng mở rộng không gian kinh tế của tỉnh. Phải có quy hoạch, kế hoạch, biện pháp sử dụng thật hiệu quả quỹ đất nông nghiệp, lâm nghiệp; phát triển vùng chuyên canh, sản xuất hàng hoá có quy mô ngày càng lớn các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, có sức cạnh tranh, sản phẩm xuất khẩu có lợi thế như cà phê, cao su, điều, ca cao, hồ tiêu. Phát triển mạnh chăn nuôi đại gia súc; tích cực khai thác các hồ đập để nuôi trồng thủy sản. Đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào các lĩnh vực sản xuất. Quan tâm phát triển vốn rừng, bảo vệ môi trường sinh thái. Đây là cơ sở để Dak Lak phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu và hội nhập kinh tế quốc tế.
 Thứ hai, phát huy thế mạnh về khoáng sản, thuỷ điện, vùng nguyên liệu phong phú cho các loại công nghiệp chế biến, tỉnh cần tập trung đầu tư hoàn thành các khu, cụm công nghiệp để phát triển mạnh hơn về công nghiệp; đồng thời đẩy nhanh phát triển thương mại, dịch vụ, bưu chính viễn thông, du lịch, tài chính, ngân hàng, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Chăm lo xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là giao thông, thủy lợi. Đầu tư xây dựng Thành phố Buôn Ma Thuột phát triển lên quy mô cấp vùng trên một số lĩnh vực công nghiệp, khoa học kỹ thuật, giáo dục đào tạo, y tế, thể dục thể thao, tín dụng ngân hàng… để Buôn Ma Thuột trở thành trung tâm đô thị vùng Tây Nguyên, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển chung của đất nước.
 Thứ ba, để thực hiện được các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, những năm tới cần phải có một nguồn vốn đầu tư rất lớn. Do đó, tỉnh cần phải làm tốt công tác huy động, thu hút các nguồn vốn đầu tư; cải thiện mạnh hơn môi trường đầu tư, có chính sách khuyến khích nhằm huy động tối đa các nguồn lực trong dân, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, vốn đầu tư nước ngoài đi liền với không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động, sử dụng công nghệ tiên tiến. Phát triển mạnh mẽ các thành phần kinh tế, quan tâm giải quyết đất đai cho đồng bào dân tộc tại chỗ phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Tăng cường biện pháp quản lý chặt chẽ, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước.
 Thứ tư, phải gắn kết nhiệm vụ phát triển kinh tế với phát triển văn hoá, bảo đảm an sinh xã hội, xoá đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện các cấp học, ngành học từ mầm non tới trung học, cao đẳng; quan tâm hơn nữa lĩnh vực đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là lao động kỹ thuật nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong những năm tới, tạo cơ sở để chuyển dịch một bộ phần lao động nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ. Đây là vấn đề có ý nghĩa xã hội rất lớn mang tính quyết định đối với các tỉnh nông nghiệp trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Tiếp tục xây dựng, nâng cấp hệ thống các cơ sở y tế, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Quan tâm xây dựng các thiết chế văn hoá, tổ chức đời sống văn hoá, môi trường văn hoá lành mạnh, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc. Tăng cường công tác quốc phòng an ninh, đặc biệt là an ninh chính trị, nắm chắc tình hình, chủ động phòng ngừa, xử lý tốt các vấn đề nảy sinh ngay từ cơ sở. Bảo đảm giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống; thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống tội phạm, tham nhũng và tệ nạn xã hội. Phấn đấu xây dựng nông thôn mới đạt mục tiêu Đảng và Nhà nước đã đề ra.
 Thứ năm, cần quan tâm làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Công tác xây dựng Đảng phải thực hiện đồng bộ và có chất lượng trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức. Tăng cường và nâng cao chất lượng công tác tư tưởng, kiên quyết làm thất bại mọi âm mưu “diễn biến hoà bình”, ngăn ngừa và đấu tranh chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ Đảng và hệ thống chính trị; tiếp tục thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” có kết quả cụ thể, thiết thực. Tập trung củng cố, nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng và sức chiến đấu của các tổ chức đảng, nhất là tổ chức đảng ở cơ sở. Đổi mới công tác cán bộ; tăng cường công tác quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, công tác kiểm tra, giám sát để nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, phát huy dân chủ đi liền với giữ vững kỷ cương, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, thường xuyên tự phê bình và phê bình trong khuôn khổ những nguyên tắc của Đảng, luôn xem đây là quy luật phát triển của Đảng và vũ khí sắc bén trong công tác xây dựng Đảng, luôn quan tâm xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh để làm tốt vai trò lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ trong nhiệm kỳ tới. Không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân trong tỉnh.
 Thứ sáu, phải hết sức quan tâm tới khâu tổ chức thực hiện. Các mục tiêu, nhiệm vụ lớn đều cần phải được cụ thể hoá thành các chương trình, kế hoạch, các dự án trọng điểm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; phân công rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành để dễ kiểm tra, đôn đốc và xác định trách nhiệm; tổ chức phát động các phong trào thi đua rộng khắp, sôi nổi, có chiều sâu; tuyên truyền, cổ vũ, nhân rộng các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, để thi đua thật sự là động lực mạnh mẽ trong việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của Đảng bộ.
Thưa các đồng chíMột trong những nhiệm vụ quan trọng của Đại hội là bầu ra BCH Đảng bộ tỉnh khoá XV, nhiệm kỳ 2010-2015 thật sự đoàn kết, tiêu biểu cho trí tuệ, năng lực và phẩm chất của Đảng bộ, có khả năng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, là hạt nhân lãnh đạo toàn diện của Đảng bộ. Tôi đề nghị các đồng chí đại biểu Đại hội nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, công tâm, khách quan, giữ vững nguyên tắc xây dựng Đảng, giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng, phải nắm vững các tiêu chuẩn của cấp ủy theo quy định của Trung ương, nhất là các tiêu chuẩn được nhấn mạnh trong giai đoạn hiện nay. Trên cơ sở tiêu chuẩn là chính, cần phải có cái nhìn toàn diện giữa tiêu chuẩn và cơ cấu hợp lý, để bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp ủy trên các lĩnh vực quan trọng; chú ý cấp ủy viên là cán bộ nữ, cán bộ trẻ, các bộ người dân tộc thiểu số, cán bộ khoa học theo định hướng của Bộ Chính trị. Đồng thời, Đại hội cần xem xét, lựa chọn những đồng chí xứng đáng, đủ tiêu chuẩn để bầu vào đoàn đại biểu đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.
Thưa các đồng chíThành tựu mà Đảng bộ Dak Lak đạt được trong nhiệm kỳ qua rất đáng trân trọng, mặc dù còn nhiều khó khăn, thử thách, nhưng triển vọng phát triển của tỉnh Dak Lak trong những năm tới là rất to lớn, Trung ương Đảng tin tưởng Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh nhà luôn phát huy truyền thống đoàn kết và anh hùng trong những năm tháng đấu tranh cực kỳ gian khổ chống giặc ngoại xâm, giành độc lập tự do cho Tổ quốc, sẽ mãi mãi phát huy mạnh mẽ trong giai đoạn  xây dựng và bảo vệ đất nước, công nghiệp hoá, hiện đại hoá hiện nay, góp phần tích cực xây dựng thành công Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đem lại ấm no, hạnh phúc cho đồng bào, sánh vai cùng các nước trong khu vực và trên thế giới. Với niềm tin mãnh liệt đó, một lần nữa, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, tôi xin gửi tới các đồng chí Đại biểu và toàn thể Đại hội và qua Đại hội, gởi đến toàn thể cán bộ, đảng viên, chiến sĩ các lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh nhà lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và tiến bộ. Chúc Đại hội lần thứ XV thành công tốt đẹp.
Xin trân trọng cảm ơn.
(*) Tiêu đề do Báo Dak Lak đặt

Ý kiến bạn đọc