Multimedia Đọc Báo in

Mùa xuân nhớ lời Bác Hồ dạy thanh niên

17:59, 20/02/2011

Trong Thư gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc nhân dịp Tết Nguyên đán năm 1946, Bác Hồ viết:

" Một năm khởi đầu từ mùa xuân
   Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ
   Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội"

Câu nói đó của Bác đã khẳng định vai trò, sức sống của thanh niên và niềm tin vào thế hệ trẻ trong sự nghiệp xây dựng tương lai của đất nước, đồng thời toát lên một chân lý lịch sử về vai trò của các thế hệ trẻ qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm, chăm lo bồi dưỡng và giáo dục thế hệ trẻ. Ngay từ những ngày đầu gian khó nhất của cách mạng Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tin tưởng vào lớp trẻ, lựa chọn, tập hợp, bồi dưỡng những thanh niên ưu tú chuẩn bị lực lượng và  thành lập tổ chức cách mạng đầu tiên với tên gọi “Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội” vào tháng 6 - 1925 - tổ chức tiền thân của Đảng ta ngày nay, xuất bản tờ báo Thanh Niên. Người đã sáng lập ra các tổ chức yêu nước, bao gồm phần lớn là thanh niên, như: “Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa”, “Nhóm người Việt Nam yêu nước ở Pháp”,...và chính Người tham gia hoạt động rất tích cực trong phong trào thanh niên quốc tế. Năm 1926-1927, Người trực tiếp mở nhiều lớp huấn luyện, đào tạo hơn 200 thanh niên Việt Nam yêu nước, trở thành những cán bộ xuất sắc của Đảng ta, rồi đưa trở về nước xây dựng phát triển phong trào cách mạng. Người đã lựa chọn giới thiệu nhiều thanh niên ưu tú đến học tại Trường Đại học Phương Đông, trong số đó nhiều người sau này đã trở thành những cán bộ lãnh đạo xuất sắc của Đảng ta.

Bác Hồ với học sinh trường nữ Trưng Vương (Hà Nội 1956). (Ảnh: T.L)
Bác Hồ với học sinh trường nữ Trưng Vương (Hà Nội 1956). (Ảnh: T.L)


Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do cho đất nước, Bác Hồ dạy: “Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”. Nói về nhiệm vụ xây dựng lại đất nước sau chiến tranh, Bác nói: “Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong, chờ đợi ở các cháu rất nhiều” và tương lai đất nước sẽ phát triển ra sao, “Việt Nam có được vẻ vang sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không chính là nhờ một phần rất lớn ở công học tập của các cháu”.

Người vừa khẳng định vai trò lịch sử của thanh niên, vừa đặt niềm tin mạnh mẽ vào khả năng cách mạng của thanh niên, lập nên những kỳ tích anh hùng, góp phần xứng đáng vào cuộc cách mạng vĩ đại của dân tộc ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong việc học tập vươn tới những bậc thang trí tuệ.
Để làm tròn sứ mệnh cao cả và vẻ vang ấy, thanh niên phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, trước hết phải tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng. Người xác định mục đích của việc giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho thanh niên là để giúp họ phấn đấu trở thành những lớp người vừa có đức, vừa có tài, kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp vẻ vang của Đảng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Thanh niên phải thấm nhuần đạo đức cách mạng tức là khiêm tốn, đoàn kết thực hành chủ nghĩa tập thể… ra sức cần kiệm xây dựng nước nhà”. Người khuyên thanh niên: “Các sự khó nhọc thì mình làm trước người ta, còn sự sung sướng thanh nhàn thì mình nhường người ta hưởng trước. Các việc đáng làm thì khó mấy cũng cố chịu quyết làm cho kỳ được. Ham làm những việc ích quốc lợi dân, không ham địa vị và công danh phú quý. Đem lòng chí công vô tư mà đối với người, với việc. Quyết tâm làm gương về mặt: siêng năng, tiết kiệm, trong sạch, chớ kiêu ngạo tự mãn”. Bác nhìn nhận thanh niên là lớp người “xung phong trong công cuộc phát triển kinh tế, văn hóa, trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội; thanh niên là lực lượng cơ bản trong bộ đội, công an và dân quân tự vệ đang hăng hái giữ gìn trật tự, trị an, bảo vệ Tổ quốc” và “trong mọi việc thanh niên thi đua thực hiện khẩu hiệu: đâu cần thanh niên có, việc gì khó thanh niên làm”. Người nhấn mạnh: “Thanh niên phải xung phong đến những nơi khó khăn gian khổ nhất, nơi nào người khác làm ít kết quả, thanh niên phải xung phong đến làm cho tốt, phải xung phong đến những nơi khó khăn để xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Bác đánh giá đúng đắn khả năng cách mạng và vai trò của thanh niên và tin tưởng: “…Bác rất tự hào, sung sướng và thấy hình như mình trẻ lại, thấy tương lai của dân tộc ta vô cùng vững chắc và vẻ vang…”. Đó là nhận định của Bác đối với sứ mệnh lịch sử vẻ vang mà các thế hệ thanh niên nước ta đã và đang đảm nhiệm.

Quán triệt tư tưởng của Người, Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 4 khóa VII chỉ rõ: “Thanh niên là lực lương xung kích trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sự nghiệp đổi mới có thành công hay không, đất nước bước vào thế kỷ 21 có vị trí xứng đáng trong cộng đồng thế giới hay không, cách mạng Việt Nam có vững bước theo con đường xã hội chủ nghĩa hay không phần lớn tùy thuộc vào lực lượng thanh niên, vào việc bồi dưỡng, rèn luyện thế hệ thanh niên...”; Nghị quyết 25 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X cũng khẳng định: “Công tác thanh niên là vấn đề sống còn của dân tộc...”.

Tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ VIII, sau khi nói về đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã nhấn mạnh: “…công việc đó là của toàn xã hội nhưng trước hết là của thanh niên, vì thanh niên có vị trí đặc biệt đối với sự nghiệp cách mạng và tương lai của dân tộc…”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá thanh niên với tất cả những ưu điểm vốn có của thanh niên, coi thanh niên là “bộ phận quan trọng của dân tộc”, “người chủ tương lai của nước nhà”. Song, Người luôn chỉ ra những nhược điểm, hạn chế của một bộ phận thanh niên, đó là: thiếu từng trải, thiếu kinh nghiệm trong cuộc sống, chưa chịu khó học tập, mắc bệnh hình thức, cá nhân, tự cao, tự đại,... Người cũng phê phán mạnh mẽ những thanh niên chỉ bo bo nghĩ đến lợi ích riêng mình, tự tư, tự lợi, tham lam vật chất, ham sung sướng, tránh khó nhọc, lười biếng, coi thường lao động, xa xỉ, kiêu ngạo,… Thanh niên bao giờ cũng có nhiều ham muốn nhưng nếu ham muốn chỉ hướng vào những dục vọng tầm thường thì sẽ làm cho thanh niên sống không có mục đích đúng đắn. Người yêu cầu thanh niên phải luôn trau dồi đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, chống lười biếng lãng phí, tham lam.

Có thể nói, hơn 80 năm qua, Đảng ta luôn dành sự quan tâm, chăm lo đặc biệt tới thế hệ trẻ, thanh niên Việt Nam. Đảng luôn đánh giá cao vị trí, vai trò và sự đóng góp to lớn của thanh niên nói chung, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh nói riêng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tin vào lớp trẻ, tin vào các thế hệ thanh niên Việt Nam là điều đã được khẳng định trong suốt chiều dài lịch sử cách mạng của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thực tế cũng đòi hỏi ở thanh niên nỗ lực phấn đấu cao hơn nữa, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp cách mạng của đất nước, của dân tộc. Xã hội ghi nhận, tôn vinh những thanh niên đã xả thân, chấp nhận sự hy sinh về mình vì sự bình yên của Tổ quốc, vì cuộc sống của nhân dân. Xã hội cũng ghi nhận và vinh danh không ít thanh niên đã nỗ lực, cố gắng vượt qua nhiều khó khăn, vất vả vươn lên làm giàu cho chính bản thân mình, cho gia đình mình và đóng góp xứng đáng cho sự phát triển chung của xã hội.  Tuy nhiên, hiện vẫn còn một bộ phận thanh niên lười lao động, ngại học tập, phấn đấu, ham hưởng thụ, chạy theo lối sống thực dụng, thậm chí xa rời mục tiêu lý tưởng phấn đấu, vi phạm pháp luật, tha hóa về đạo đức lối sống…

Năm 2011 được chọn là Năm thanh niên và đây là dịp để tuổi trẻ cả nước tích cực, chủ động triển khai các hoạt động của Năm Thanh niên Việt Nam, chào mừng Đại hội XI của Đảng thành công tốt đẹp và các sự kiện lịch sử trọng đại năm 2011, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016... thể hiện rõ trách nhiệm và tài trí của mình phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, lập nhiều thành tích xuất sắc, khẳng định vai trò xung kích của mình  trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, xứng đáng là đội dự bị tin cậy của Đảng.

 

Nguyễn Thanh Hoàng

 


Ý kiến bạn đọc