Multimedia Đọc Báo in

Tiến tới bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII

10 nữ đại biểu Quốc hội khóa I (1946 - 1960)

09:22, 22/02/2011

Nhớ về những nữ đại biểu đầu tiên của Quốc hội khóa I là nhớ về kỷ niệm của những ngày đầu “dựng nước, giữ nước”. Khi ấy, đất nước ta đang phải trải qua những khó khăn vô cùng lớn lao: Thù trong, giặc ngoài, vận mệnh dân tộc ngàn cân treo sợi tóc, nhưng dưới sự lãnh đạo của Bác Hồ, của Đảng, toàn dân ta đã đoàn kết, Quốc hội ta đã vững vàng động viên khí phách của dân tộc đứng lên chống kẻ thù xâm lược và đưa đất nước trải qua các chặng đường thắng lợi của cách mạng, làm cho non sông ta vững mạnh như ngày nay.

10 nữ đại biểu Quốc hội khóa I năm 1946 là các chị: Nguyễn Thị Thục Viên (đại biểu Hà Nội), Vũ Thị Khôi (đại biểu Bắc Ninh), Trương Thị Mỹ (đại biểu Hà Đông), Lê Phương (đại biểu Hải Dương), Cao Thị Khương (đại biểu Hưng Yên), Tôn Thị Quế (đại biểu Nghệ An), Lê Thị Xuyến (đại biểu Quảng Nam), Trịnh Thị Miếng (đại biểu Gia Định), Nguyễn Thị Thập (đại biểu Mỹ Tho), Ngô Thị Huệ (đại biểu Bạc Liêu). Các chị đã được Quốc hội cử giữ những trọng trách ngay từ phiên họp đầu tiên. Chị Lê Thị Xuyến tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I đã được bầu làm Ủy viên Thường trực Quốc hội, đến kỳ họp thứ 2 của khóa I, chị Lê Thị Xuyến lại được bầu tiếp làm Ủy viên Thường trực Quốc hội và chị Nguyễn Thị Thục Viên là Ủy viên dự khuyết Ủy ban Thường trực Quốc hội. Trong kháng chiến có chị đã là Thứ trưởng như chị Lê Phương. Chị Trương Thị Mỹ đã từng là Phó chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam. Chị Nguyễn Thị Thập là Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam nhiều khóa… Các chị đều là những cán bộ gương mẫu, tận tụy, có bề dày thành tích, nhiều chị đã trải qua các nhà tù của đế quốc vẫn giữ vững khí tiết cách mạng như chị Trương Thị Mỹ; có chị phải hy sinh một phần hạnh phúc của gia đình để tham gia kháng chiến. Chị Nguyễn Thị Thục Viên là một trí thức của Thủ đô, đại biểu duy nhất là nữ trong đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội. Chị Trịnh Thị Miếng, Ngô Thị Huệ đã lặn lội tại bưng biền Nam Bộ, hoạt động liên tục trong 2 cuộc kháng chiến. Chị Ngô Thị Huệ là phu nhân của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Trong những ngày đầu dựng nước khi Cách mạng Tháng Tám mới thành công, giặc Pháp và quân Anh xâm chiếm Nam Bộ từ ngày 23-9-1945, chị Huệ đã được đoàn thể cử ra Bắc để được gặp Trung ương và Bác Hồ xin chỉ thị. Chị Vũ Thị Khôi là nữ đại biểu Quốc hội của tỉnh Bắc Ninh. Có một điều đặc biệt là chồng chị, đồng chí Nguyễn Duy Thân cũng là Đại biểu Quốc hội của Bắc Ninh.

Các chị đã để lại cho các thế hệ sau này những tấm gương sáng về lòng trung thành với cách mạng, tận tụy với công việc, liêm khiết, trong sáng trong đời sống. Sau hơn nửa thế kỷ, Quốc hội ta đã ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt là số chị em nữ tham gia vào Quốc hội ngày càng nhiều. Nếu như khóa I chỉ có 10 chị trên tổng số 333 đại biểu thì khóa II (1960 – 1964) đã có 49 nữ, khóa III (1964-1971) đã lên tới 61 nữ, khóa V là khóa thống nhất đất nước (1976-1981) đã có đến 132 nữ đại biểu trong tổng số 492 đại biểu Quốc hội.

Hồng An (st)

 


Ý kiến bạn đọc