Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII: Cần có những giải pháp cụ thể để xử lý các vấn đề “nóng”
Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012 và kế hoạch 2011-2015 của Chính phủ đã đánh giá đúng những hạn chế tồn tại trong nền kinh tế hiện nay và đề xuất được các mục tiêu đúng hướng, nhưng lại thiếu các giải pháp cụ thể đi kèm để hiện thực hóa những mục tiêu này. Đây là ý kiến chung của hầu hết các đại biểu Quốc hội (QH) trong phiên thảo luận tại tổ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 và kế hoạch 5 năm 2011-2015.
Đánh giá về các chỉ tiêu chung về kinh tế như nợ công, lạm phát, bội chi, nhập siêu mà Chính phủ đề ra cho năm 2012 và giai đoạn 2011-2015, các đại biểu đều cho rằng các chỉ tiêu này là khả thi và bám sát đặc điểm cụ thể của nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, từng chỉ tiêu cụ thể lại vẫn tồn tại những vấn đề cần giải quyết. Về nợ công, có ý kiến cho rằng, nợ công năm 2011 chỉ bằng 54,6% GDP, trong khi nợ công 2015 được Chính phủ điều chỉnh bằng 60-65% GDP là khá cao nên báo cáo cần có sự giải trình cụ thể hơn nữa. Bên cạnh đó, do Việt Nam chưa xây dựng được ngưỡng cụ thể về nợ công an toàn nên QH càng cần phải xem xét kỹ lưỡng hơn chỉ tiêu này, bởi với các nước đang phát triển hiện nay, nợ công an toàn thường ở ngưỡng 40% GDP.
Về ba đột phá chiến lược và tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng mà Chính phủ đề xuất, theo một số đại biểu, Chính phủ cần tái cấu trúc lại nền kinh tế theo hướng tập trung vào 3 đột phá gồm: thể chế, chất lượng nguồn lực, hệ thống hạ tầng với mô hình tăng trưởng là chọn chiều sâu và hiệu quả hơn là tốc độ và chiều rộng. Đi kèm theo đó là cần có chương trình hành động, chính sách, luật lệ cho những biện pháp đã được thực thi, ban hành.
Góp ý về các giải pháp giảm gánh nặng đầu tư công, một số đại biểu nhất trí nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển là bức thiết nhưng chủ trương đề ra vẫn cần phải cắt giảm đầu tư công. Vì vậy, để đa dạng hóa các kênh huy động vốn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân mở rộng sản xuất kinh doanh đồng thời san sẻ bớt gánh nặng cho ngân hàng, Chính phủ cần đề ra các giải pháp tạo sức sống và sức thu hút của thị trường chứng khoán.
Bàn về các giải pháp kiềm chế lạm phát mà Chính phủ đưa ra, có đại biểu khẳng định Việt Nam vẫn đang đối mặt với thách thức về lạm phát cao và kéo dài. Việc chẩn đoán bệnh đã trúng nhưng lại chưa có giải pháp cụ thể, hữu hiệu. Hệ thống phân phối từ người nông dân đến tay người tiêu dùng vẫn bị khâu trung gian lũng đoạn, đẩy giá tăng vô lý; tình trạng bán hàng không hóa đơn phổ biến đến 90% khiến cơ quan chức năng không kiểm soát được giá cả, thất thu thuế. Đặc biệt, Việt Nam đã hướng về xuất khẩu hàng chục năm, nhưng năm nào cũng nhập siêu, dẫn tới độ mở của nền kinh tế năm 2011 lên tới 164% GDP. Với độ mở này, nếu kinh tế thế giới có khủng hoảng, Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng rất mạnh.
Đảm bảo các vấn đề xã hội là nền móng ổn định để phát triển kinh tế. Do đó, nhiều đại biểu cho rằng cần chú trọng đến các vấn đề thiết thực, liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân như giáo dục, y tế, nhà ở, việc làm. Về vấn đề việc làm cho người lao động, có ý kiến cho hay việc tăng lương hiện nay mới gắn với việc bù trượt giá, mà chưa gắn với năng lực của người lao động. Hiện nay, trong các cơ quan nhà nước, chỉ có 1/3 lao động là làm việc thực sự, gây lãng phí ngân sách. Vì vậy, trong đường lối phát triển 5 năm tới đây, Chính phủ nên xây dựng lộ trình giảm biên chế đi kèm với các giải pháp quyết liệt để nâng cao chất lượng, hiệu quả đôi ngũ công chức, viên chức nhà nước.
Về nâng cao hiệu quả điều hành, có đại biểu nhấn mạnh các Ủy ban thuộc QH cần nâng cao hơn nữa tính phản biện với các báo cáo của Chính phủ. Nhất trí với những thành tựu mà Chính phủ đã đạt được, nhưng có đại biểu cho rằng các yếu kém cũng cần được chỉ rõ xem còn hạn chế ở khâu nào, nhất là về vai trò quản lý nhà nước. Có tìm ra bất cập trong nội tại của bộ máy quản lý nhà nước thì mới đưa ra được giải pháp đúng đắn. Về cải cách hành chính và chống tham nhũng, theo một số đại biểu, cần nhìn nhận xem bộ máy đã tương xứng chưa vì sau 10 năm thực hiện cải cách đã chỉ ra được hàng trăm căn bệnh trầm kha của hành chính, nhưng giải pháp chữa trị vẫn chưa đủ mạnh. Cụ thể, đã có Luật về công chức, viên chức nhưng lại chưa có quy định xác nhận trách nhiệm cá nhân nên khi vào việc cụ thể như khen thưởng, phê bình, kỷ luật... rất chung chung.
Điều quan trọng được nhiều đại biểu tán thành là để kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội được triển khai thực hiện thành công thì phải tạo được sự đồng thuận và lòng tin của toàn xã hội.
Ý kiến bạn đọc