Bảo tàng Hồ Chí Minh - công trình mang đậm dấu ấn tình hữu nghị Việt Nam - Liên Xô
Nằm ở vị trí trung tâm của Hà Nội, có một công trình mang đậm dấu ấn phong cách, tình cảm của người Nga đối với Hồ Chí Minh nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung mà mỗi du khách khi tới Hà Nội đều mong muốn được ghé thăm. Ấy là công trình Bảo tàng Hồ Chí Minh. Bảo tàng Hồ Chí Minh khởi công xây dựng từ năm 1983 tới năm 1990 – đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh được khánh thành. Công trình là một trong những thành tựu tiêu biểu đánh dấu kết quả lao động của cán bộ khoa học, kỹ thuật, mỹ thuật nhiều ngành, kết quả sự hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam và Liên Xô, là biểu tượng cao đẹp của tình hữu nghị Việt Nam - Liên Xô – nước Nga ngày nay.
Công trình Bảo tàng Hồ Chí Minh do kiến trúc sư trưởng người Nga Garôn Ixacôvích thiết kế và được xây dựng với sự giúp đỡ chí tình của nhân dân Liên Xô. Tòa nhà bảo tàng là khối hình vuông vát góc, 3 tầng cao gần 20m, mỗi chiều dài 70m mang biểu tượng một bông sen trắng thanh tao, gợi nhớ tới Làng Sen, quê hương của Người. Bảo tàng trung ương V.I. Lênin ở Mátxcơva là cố vấn và cũng là đơn vị cộng tác của Bảo tàng Hồ Chí Minh về khoa học và phương pháp trưng bày bảo tàng; phương pháp hướng dẫn tham quan... Hằng năm, Bảo tàng Hồ Chí Minh đón vài triệu lượt khách tham quan, phục vụ học tập, nghiên cứu... Theo đánh giá của các nhà chuyên môn thì tới nay, Bảo tàng Hồ Chí Minh vẫn là một trong những bảo tàng hiện đại trong khu vực Đông Nam Á.
Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ảnh: T.L |
Vào những ngày tháng 10 lịch sử của nước Nga, phóng viên có dịp được gặp gỡ với bà Nguyễn Thúy Đức – Phó giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh – người đã gắn bó với Bảo tàng từ năm 1986 để nghe bà kể về những ngày tháng đầy ý nghĩa đó. Bà tâm sự rằng, mỗi khi nói tới nước Nga, nghe những thông tin về những người bạn Nga thì những tầng lớp ký ức về nước Nga, con người nơi ấy lại ùa về. Từ công việc phiên dịch tới làm người hướng dẫn tham quan tại bảo tàng thời điểm chuẩn bị khánh thành đi vào hoạt động của Bảo tàng, bà Đức cùng các đồng nghiệp của mình đã được sống, làm việc với sự nhiệt tình hướng dẫn của các chuyên gia, đồng nghiệp từ Nga trực tiếp hướng dẫn tại Bảo tàng trung ương V.I. Lênin cũng như tại Việt Nam. Bà kể: Song song với hoạt động xây dựng tòa nhà Bảo tàng cùng công tác thiết kế trưng bày thì công tác hướng dẫn khách tham quan sau khi Bảo tàng khánh thành (19-5-1990) và đi vào hoạt động cũng được các chuyên gia bảo tàng của Nga quan tâm. Mỗi thành viên trong phòng Giáo dục tuyên truyền lúc bấy giờ ngoài việc tự nghiên cứu bổ sung những kiến thức, hiểu biết về cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc cách mạng giải phóng của dân tộc; tìm hiểu về đai trưng bày và các biểu tượng nghệ thuật, những phương tiện được sử dụng để thể hiện nội dung trưng bày còn được tham gia các khóa huấn luyện ngắn ngày tại Nga. Hầu hết các cán bộ làm công tác hướng dẫn tham quan đều được đưa sang học tập kinh nghiệm thuyết minh tại Bảo tàng Trung ương V.I.Lênin ở Liên Xô theo trong khoảng 15 – 20 ngày, có những cán bộ được cử đi 2 – 3 lần. Và đã có hàng trăm đoàn cán bộ tham gia các khóa tập huấn ngắn ngày như vậy.
Vào giai đoạn huy động tổng lực cho ngày khánh thành Bảo tàng, từ năm 1989, nhiều cán bộ lâu năm, có kinh nghiệm của Bảo tàng Trung ương V.I.Lênin, họa sĩ thiết kết, chuyên gia kỹ thuật âm thanh, ánh sáng… được cử sang Việt Nam làm việc. Cùng với việc trực tiếp thi công, hiện thực hóa ý tưởng thiết kế trưng bày của các chuyên gia kỹ thuật, họa sĩ… thì các hướng dẫn tham quan cũng được thực hành công việc của mình ngay trên đai trưng bày của Bảo tàng trong khi công trình vẫn còn ngổn ngang ở giai đoạn hoàn thiện. Thế hệ hướng dẫn viên ấy nhớ mãi hình ảnh chị Onga Kitasova, một cán bộ năng nổ, nhiệt tình của Bảo tàng Trung ương V.I.Lênin sang Việt Nam trực tiếp hướng dẫn. Dù lúc học tập, thực hành ở Nga hay ở Việt Nam, chị đều nhiệt tình truyền đạt những kinh nghiệm tổ chức và tiến hành hướng dẫn một đoàn khách tham quan, biết nắm bắt những yêu cầu và tâm lý của khách tham quan, tiếp cận và thổi hồn vào mỗi tài liệu hiện vật sao cho sống động hấp dẫn người nghe… Không những vậy, chị kiên nhẫn lắng nghe và sửa cho từng người cách lựa chọn tài liệu chính, biểu tượng nghệ thuật tiêu biểu để chuyển tải ý tưởng cơ bản của sự kiện, câu chuyện lịch sử. Chị luôn sẵn sàng trao đổi, thảo luận với đồng nghiệp Việt Nam khi có vấn đề khúc mắc, khó khăn trong chuyên môn. Chị đã góp thêm lửa nhiệt tình say mê công việc cho mỗi người chúng tôi.
Nửa cuối năm 1989 – đầu năm 1990, không chỉ các cán bộ, chuyên gia về nội dung mà tất cả các bộ phận vào thời điểm này đều phải huy động tổng lực nhằm bảo đảm tiến độ công trình để tổ chức lễ khánh thành đúng dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Còn nhớ, có những lần các thiết bị kỹ thuật từ Nga sang đến sân bay Nội Bài vào lúc 1-2 giờ sáng, các chuyên gia Nga gần như thức trắng đêm cùng cán bộ Việt Nam nhận hàng để nhanh chóng chuyển về chân công trình. Sau chuyến bay dài, vượt qua sự chênh lệch múi giờ rồi lại thức suốt đêm chuyển hàng nhưng sáng sớm hôm sau họ đã có mặt trong từng vị trí của công trình. Các hoạ sĩ, các nhà thiết kế mỹ thuật của Nga cũng bộn bề công việc, quên cả ăn để cùng cán bộ, chuyên gia Việt Nam tìm ra những giải pháp tối ưu, những hình tượng nghệ thuật thật đắt để thể hiện rõ nét, sinh động ý tưởng nội dung trưng bày…
Nói đến những đóng góp, giúp đỡ của người Nga đối với Việt Nam không thể kể hết. Và càng xúc động, trân trọng tình hữu nghị Việt Nam - Liên Xô trước những tâm sự bộc bạch chân thành của các bạn Nga khi nói về công việc xây dựng, thiết kế, trưng bày Bảo tàng rằng “Tự hào và vinh dự khi được tham gia vào công trình đặc biệt này: Bảo tàng Hồ Chí Minh - Bảo tàng của vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam, người bạn lớn của nhân dân Nga”.
Ý kiến bạn đọc