Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII: Công tác quản lý rừng và đất trồng rừng còn lạc hậu

09:27, 02/11/2011

*Kiên quyết giữ 3,8 triệu ha đất trồng lúa

Sáng qua (1-11), các đại biểu Quốc hội (QH) thảo luận ở tổ về kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2011-2015 và quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020; việc thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng toàn quốc.

Theo báo cáo của Chính phủ, sau 13 năm thực hiện, dự án trồng mới 5 triệu ha rừng cơ bản hoàn thành. Độ che phủ rừng tăng từ 32% năm 1998 lên 39,5% năm 2010. Đến nay, trữ lượng gỗ cả nước là 935,3 triệu m³, tăng 24,4% so với 1998. Chính phủ cũng đề nghị QH phê duyệt, tổ chức thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011- 2020 với mục tiêu: đưa độ che phủ của rừng lên 42% - 43% vào năm 2015 và 44% - 45% vào năm 2020.

Nhiều băn khoăn, ý kiến đã được các đại biểu QH nêu ra trong phiên thảo luận đối với các vấn đề liên quan tới việc trồng và bảo vệ rừng, quy hoạch và sử dụng đất hiện nay. Trước thực tế trồng rừng mới không theo kịp so với nạn phá rừng đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng, hầu hết các đại biểu đều tỏ ra băn khoăn về tính chính xác của số liệu thống kê hiện nay về diện tích rừng và độ che phủ rừng. Có đại biểu thẳng thắn chỉ rõ, hiện nay việc bảo vệ rừng rất kém, khoán trắng cho kiểm lâm, rất nhiều nơi xảy ra móc nối, chính quyền buông lỏng quản lý. Việc di dân tự do cũng tác động không nhỏ, phải cấp đất rừng, tập quán đốt nương làm rẫy vẫn còn, dẫn đến phá hủy môi trường… Rừng nghèo, rừng phục hồi, rừng hỗn giao chiếm diện tích lớn (75%); còn rừng giàu, rừng trung bình chỉ chiếm 25%.

Ý kiến nhiều đại biểu thống nhất với việc chuyển Chương trình mục tiêu dự án trồng mới 5 triệu ha rừng sang thành chương trình thường xuyên. Đồng thời, các đại biểu đề nghị cần có chính sách đặc thù đối với cá nhân, tập thể giữ đất trồng rừng. Vốn cho phát triển rừng khuyến khích theo hướng xã hội hóa. Ngân sách chỉ nên đầu tư cho cơ sở hạ tầng, xây dựng rừng phòng hộ, xung yếu… Hiện tại chính sách với người trồng rừng quá thấp, rừng phòng hộ khoán 100.000 đồng/ha/năm, giai đoạn tới nâng lên 200.000 đồng/ha/năm.

Các đại biểu cũng dành nhiều tâm huyết đối với vấn đề quy hoạch và sử dụng đất. Nhiều ý kiến cho rằng việc sử dụng đất hiện nay vẫn còn nhiều lãng phí, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Một số đại biểu đề nghị phải tiến hành kiểm tra, rà soát lại việc quy hoạch sử dụng đất, kiên quyết giữ 3,8 triệu ha đất trồng lúa, thậm chí phải nhiều hơn nữa, để đảm bảo an ninh lương thực bền vững, nhất là trong điều kiện dân số tiếp tục tăng và thế mạnh của chúng ta là nông nghiệp. QH nên có Nghị quyết về bảo vệ, phát triển đất trồng lúa và rừng trong vòng 10 năm tới. Đất lúa là nguồn tài nguyên quý,  nếu không bảo vệ, nguy cơ ngày càng bị thu hẹp.

Đất công nghiệp trong 10 năm tới có thể tăng lên 200.000ha. Tuy nhiên, hiện các khu công nghiệp mới “lấp đầy” khoảng 46% diện tích đã giao. Do vậy, nhu cầu đến đâu sẽ phát triển đến đó, tránh lãng phí. Chính phủ cần rà soát nghiêm túc trong điều hành việc sử dụng những dự án này. Trong quy hoạch đất công nghiệp, có đại biểu cho rằng trước mắt cần phải lấp kín các khu công nghiệp và cần tính toán kỹ tỷ trọng phát triển công nghiệp trong nền kinh tế để chỉ tiêu đề ra hợp lý, tránh lãng phí. Bên cạnh đó, cần xem xét kỹ đất quy hoạch dành cho giáo dục, y tế và giao thông, đây là những vấn đề quan trọng và mang tính cấp bách.

Q.A (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc