Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII: Nên quy định rõ trách nhiệm của tổ chức bảo hiểm tiền gửi
Cơ quan thanh tra bảo hiểm tiền gửi nên độc lập với Ngân hàng Nhà nước thì mới giám sát chính xác, đánh giá khách quan hoạt động bảo hiểm tiền gửi của nhân dân gửi vào các ngân hàng, tổ chức tín dụng. Đó là vấn đề trọng tâm được nhiều đại biểu Quốc hội (QH) tập trung thảo luận tại tổ sáng qua (3-11) đối với dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi.
Nhiều đại biểu cơ bản thống nhất về sự cần thiết ban hành Luật Bảo hiểm tiền gửi nhằm góp phần hoàn thiện khung pháp lý về hoạt động bảo hiểm tiền gửi, khắc phục những bất cập hiện nay và bảo đảm sự đồng bộ với hệ thống pháp luật chung cũng như tiệm cận với thông lệ quốc tế về bảo hiểm tiền gửi. Các đại biểu QH cho rằng việc ban hành Luật Bảo hiểm tiền gửi sẽ góp phần duy trì và nâng cao niềm tin của người gửi tiền, giám sát hiệu quả hoạt động của các tổ chức tham gia nhận tiền gửi, tạo cơ chế xử lý minh bạch và theo nguyên tắc thị trường; đồng thời tạo môi trường hoạt động bình đẳng, khách quan, lành mạnh cho hệ thống ngân hàng, bảo đảm thực hiện tốt chính sách tiền tệ, phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Có đại biểu cho rằng: Nếu để cho cơ quan giám sát bảo hiểm tiền gửi là Ngân hàng Nhà nước quản lý, vừa là cơ quan công bố số liệu doanh thu và hạn mức bảo hiểm tiền gửi hàng năm thì sẽ dẫn đến hiện tượng họ tự kê khai không đúng với thực tế. Vì vậy, cần phải có cơ quan thanh tra bảo hiểm tiền gửi là các cơ quan kinh tế trực thuộc Nhà nước hoặc Kiểm toán Nhà nước. Cơ quan thanh tra, giám sát bảo hiểm tiền gửi phải là cơ quan thanh tra trực thuộc Nhà nước. Bởi vì nếu như để cho Ngân hàng Nhà nước thanh tra hoạt động bảo hiểm tiền gửi thì có thể dẫn đến hiện tượng, các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng có sự thỏa thuận ngầm với Ngân hàng Nhà nước về hạn mức đóng phí bảo hiểm.
Cơ quan quản lý bảo hiểm tiền gửi phải phân định rõ bảo hiểm tiền gửi của dân và bảo hiểm tiền gửi của các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân. Có đại biểu đưa ra quan điểm như vậy và cho rằng, cơ quan thanh tra, quản lý bảo hiểm tiền gửi phải có trách nhiệm bảo vệ tài sản là tiền của nhân dân tránh để xảy ra thất thoát. Nếu phát hiện những tiêu cực trong hoạt động bảo hiểm tiền gửi cần quy định rõ trách nhiệm, hình thức xử lý cụ thể và người đứng đầu cơ quan bảo hiểm tiền gửi cũng phải bị xử phạt nếu để xảy ra thất thoát tiền hay những vụ lạm dụng bảo hiểm tiền gửi của người dân để sử dụng sai mục đích vào những công việc kinh doanh khác.
Chính sách bảo hiểm tiền gửi nên hướng tới bảo vệ số đông người gửi tiền nhỏ lẻ. Vì vậy, cơ quan thanh tra bảo hiểm tiền gửi nên giao cho cơ quan Kiểm toán Nhà nước có trách nhiệm quản lý, báo cáo thu, chi hàng năm của các tổ chức tín dụng, ngân hàng. Trường hợp nếu xảy ra rủi ro, gặp sự cố nào liên quan đến bảo hiểm tiền gửi thì cơ quan Kiểm toán Nhà nước phải báo cáo ngay cho Chính phủ và các bộ, ngành liên quan để có hướng giải quyết kịp thời.
Tổ chức bảo hiểm tiền gửi phải có một vị thế độc lập tương đối, có đủ thẩm quyền và năng lực tài chính để thực hiện chính sách bảo hiểm tiền gửi hiệu quả, minh bạch, khách quan, phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đồng thời,một số đại biểu đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của các tổ chức bảo hiểm tiền gửi; trách nhiệm khi xảy ra đổ vỡ quỹ bảo hiểm tiền gửi.
Nhiều ý kiến tán thành quy định tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi bằng đồng Việt Nam của cá nhân, không bảo hiểm đối với tiền gửi bằng ngoại tệ và các loại tiền gửi khác nhằm thực hiện thống nhất chủ trương, chính sách quản lý ngoại hối của Việt Nam; không khuyến khích người dân tích trữ ngoại tệ mà nên bán lại cho ngân hàng; mặt khác, cũng phù hợp với thông lệ quốc tế.
Ý kiến bạn đọc