Multimedia Đọc Báo in

Từ những nguyên tắc xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh nghĩ về Cuộc vận động củng cố, xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay

09:19, 01/02/2012

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm tới công tác xây dựng Đảng.

Ngay từ ngày chuẩn bị về tư tưởng và tổ chức để tiến tới thành lập Đảng, năm 1927, trong cuốn “Đường cách mệnh” Người đã chỉ rõ “Tư cách một người cách mệnh”: “Cần kiệm,… cả quyết sửa lỗi mình” đến khi trước lúc đi xa, Người để lại “Di chúc” căn dặn Đảng ta: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.

Làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác xây dựng Đảng, trong hơn 80 năm qua Đảng ta đã nhiều lần tổ chức vận động, củng cố, xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đây là công việc thường xuyên, là nhiệm vụ chiến lược tất yếu chứ không phải là giải pháp tình thế, biện pháp nhất thời.

Nhớ lại, ngay sau khi Đảng ta ra đời, cách mạng nước ta gặp nhiều khó khăn, trước sự khủng bố trắng của kẻ thù, một số cán bộ, đảng viên có nhận thức lệch lạc về bản chất giai cấp của Đảng, về Chủ nghĩa Mác-Lênin và có biểu hiện “tả” hoặc “hữu” khuynh. Vì vậy, Trung ương đã có chỉ thị uốn nắn chủ trương của một vài địa phương “thanh đảng”, “thanh hội”, đưa hết những người không phải thành phần công nông ra khỏi Đảng và nông hội với khẩu hiệu “trí, phú, địa, hào, đào tận gốc, trốc tận rễ!”.

Thời kỳ mặt trận dân chủ (1936-1939), Đảng ta mở cuộc vận động tự phê bình và phê bình để chấn chỉnh những quan điểm lệch lạc về giai cấp sau thất bại của Mặt trận dân chủ trong cuộc tranh cử Hội đồng quản hạt Nam kỳ tháng 4 năm 1939.

Ngày nay, đọc lại tác phẩm “Tự chỉ trích” của đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Tổng Bí thư Đảng ta lúc bấy giờ (tác phẩm phát hành ngày 20-7-1939), chúng ta thấy nhiều nội dung vẫn giữ nguyên giá trị thời sự: “… Phải phân tích xác thực hoàn cảnh, không bi quan, hoảng hốt mà cũng không đắc chí, tự mãn để tìm ra những nguyên nhân thất bại và nghiên cứu phương pháp sửa lỗi và tiến thủ” (tr.158, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 1, chương trình cao cấp, NXB Sự thật, H1986).

Năm 1951, khi cuộc kháng chiến chống Pháp đang ở giai đoạn gay go, quyết liệt, Đảng ta lại mở cuộc vận động xây dựng Đảng, trong đó đặc biệt chú trọng tinh thần tự phê bình và phê bình để khắc phục các bệnh: “Chủ quan, quan liêu, mệnh lệnh, hẹp hòi và công thần”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc diễn văn khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng 5-9-1960.                                                           Ảnh: T.L
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc diễn văn khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng 5-9-1960. (Ảnh: T.L)

Mùa Xuân 1961, Đảng ta tiến hành cuộc chỉnh huấn mùa xuân: “là một cuộc vận động lớn về tư tưởng trong Đảng và trong nhân dân lao động nhằm xây dựng những con người của chủ nghĩa xã hội, có tư tưởng và tác phong xã hội chủ nghĩa” (Hồ Chí Minh – về Đảng cầm quyền – NXB Sự thật – Hà Nội 1986, tr.114).

Với tinh thần tự phê bình nghiêm túc, nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, Đại hội VI của Đảng đã khởi xướng sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, đồng thời chỉ rõ những khuyết điểm của Đảng (còn nóng vội, chủ quan, có biểu hiện duy ý chí, quan liêu, xa rời thực tiễn khách quan…) trong việc hoạch định chủ trương, chính sách xã hội. Đảng ta chủ trương đổi mới tư duy, đổi mới tổ chức, đổi mới cán bộ, đổi mới phong cách công tác để tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trên mọi lĩnh vực.
Đặc biệt, tại Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII, Đảng ta đã chủ trương: toàn Đảng tiến hành cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần thực hiện “Di chúc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc vận động này bắt đầu từ ngày 19-5-1999 và sau đó trở thành nền nếp thường xuyên xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo những nguyên tắc của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Thực tiễn chỉ ra rằng: cứ sau mỗi lần chỉnh đốn, xây dựng Đảng thì vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng càng được củng cố, uy tín và sức mạnh của Đảng càng tăng lên. Vì vậy, cách mạng nước ta ngày càng giành được nhiều thắng lợi.

Là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra các nguyên tắc cơ bản để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Đó là các nguyên tắc: tập trung dân chủ (nguyên tắc cơ bản, rường cột); tự phê bình và phê bình (là nguyên tắc và cũng là quy luật phát triển Đảng); kỷ luật nghiêm minh và tự giác (bảo đảm cho Đảng trở thành khối đoàn kết thống nhất về tổ chức, tư tưởng và hành động).
Về nguyên tắc tập trung dân chủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: tập trung dân chủ trong Đảng có nghĩa là thiểu số phải phục tùng đa số, cấp dưới phải phục tùng cấp trên, tất cả đảng viên phải chấp hành vô điều kiện nghị quyết của Đảng.

Trong quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh “tập trung” và “dân chủ” không tách rời nhau, đối lập nhau mà là sự thống nhất biện chứng giữa “tập thể lãnh đạo” và “cá nhân phụ trách”. Lãnh đạo không tập thể thì sẽ đi đến cái tệ bao biện, độc đoán, chủ quan. Kết quả là hỏng việc. Đó là một vế, vế khác là cá nhân phụ trách. Bởi vì việc gì đã được đông người bàn bạc kỹ lưỡng rồi, kế hoạch định rõ ràng rồi thì cần phải giao cho một người hoặc nhóm ít người phụ trách theo kế hoạch đó mà thi hành, như thế mới có chuyên trách, công việc mới chạy.

Hiện nay, phải chăng, vấn đề cần làm ngay trong thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ là ở vế “cá nhân phụ trách”? Những chuyện “lình xình” xảy ra do không thực hiện đúng nguyên tắc ở vế này…
Trong công tác cán bộ, Đảng ta luôn có quy hoạch, có bồi dưỡng. Những người được đề bạt, cất nhắc, thời gian đầu thường tuân theo “tập thể lãnh đạo”. Sau này, khi quen việc, xác lập được vị trí, họ “phụ trách” đưa ra những quyết định xuất phát từ ý thích cá nhân không dựa trên nghị quyết của tập thể đã bàn, xa rời lợi ích của quần chúng. Đúng ra, thẩm quyền quyết định chỉ là kết quả của quá trình tìm giải pháp hợp lý nhằm giúp xã hội, đời sống nhân dân tốt hơn. Sự lệch lạc về thang giá trị của cán bộ bắt đầu từ đây và cũng là bắt đầu quá trình tha hóa. Vì vậy, sự kiểm tra, kiểm soát thường xuyên của “tập thể lãnh đạo” trước những vấn đề “cá nhân phụ trách” là điều quyết định để nghị quyết của Đảng đi vào thực tế đời sống và cũng là ngăn ngừa sai lầm của cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Về phê bình và tự phê bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đòi hỏi mỗi đảng viên, trước hết là mỗi cán bộ, phải thật thà tự phê bình, tự sửa chữa những khuyết điểm của mình. Đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết. Kiên quyết chống bệnh tự mãn tự túc, tự tư tự lợi, kiêu ngạo, ba hoa” (Hồ Chí Minh – về Đảng cầm quyền – NXB Sự thật, Hà Nội 1986, tr.31). Người đã chỉ rõ: “Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, cần phải có tính Đảng mới làm được việc. Kém tính Đảng, thì việc gì cũng không làm nên.

Tính Đảng là gì?
Một là: phải đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết.
Hai là: việc gì cũng phải điều tra rõ ràng, cẩn thận và phải làm đến nơi đến chốn”. (sđd, tr.29).
Qua quá trình lãnh đạo cách mạng, giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết, vạch rõ 12 “bệnh” thường gặp của cán bộ, đảng viên do kém tính Đảng. Đó là các bệnh sau:
“Bệnh ba hoa,
Bệnh địa phương,
Bệnh ham danh vị,
Bệnh thiếu kỷ luật,
Bệnh cẩu thả (gặp sao hay vậy),
Bệnh xa quần chúng,
Bệnh chủ quan,
Bệnh hình thức,
Bệnh ích kỷ,
Bệnh hủ hóa,
Bệnh thiếu ngăn nắp,
Bệnh lười biếng.

Mắc phải một trong 12 bệnh đó tức là hỏng việc. Vì vậy, chúng ta phải ráo riết dùng phê bình và tự phê bình để giúp nhau chữa cho hết những bệnh ấy. Có như thế Đảng mới chóng phát triển”. (sđd, tr.30).
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ cách thức phê bình và tự phê bình để vừa đạt được yêu cầu về tính Đảng, vừa tôn trọng nhân phẩm, danh dự, uy tín của cán bộ, đảng viên:
“Phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của đồng chí mình.
Tự phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của mình.
Tự phê bình và phê bình phải đi đôi với nhau. Mục đích là cho mọi người học lẫn ưu điểm của nhau và giúp nhau chữa những khuyết điểm.
Nơi nào sai lầm, ai sai lầm, thì lập tức sửa chữa. Kiên quyết chống thói nể nang và che giấu, chống thói “trước mặt thì nể, kể lể sau lưng”. Phê bình thì phải rõ ràng, thiết thực, ngay thẳng thành thật. Mục đích là cốt sửa chữa, chứ không phải để công kích, cốt giúp nhau tiến bộ, chứ không phải làm cho đồng chí khó chịu, nản lòng”. (sđd, tr.31). Trong tác phẩm “Di chúc” để lại trước lúc đi xa, Người còn chỉ rõ khi phê bình “phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.

Hiện nay, phê bình và tự phê bình trong Đảng còn có hiện tượng “trước mặt thì nể, kể lể sau lưng”, che dấu khuyết điểm, chưa thật thà tự phê bình, tự sửa chữa khuyết điểm, chưa “đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết” và nặng nề hơn là chưa “thực hành dân chủ rộng rãi” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt ra yêu cầu cần đạt được trong “Sửa đổi lối làm việc” (tháng 10-1947) và “Di chúc” (1969).
Yêu cầu mở rộng dân chủ trong phê bình và tự phê bình hiện nay là cấp thiết vì nếu không thật sự thực hành dân chủ thì cấp dưới sợ cấp trên trù úm, có muốn phê bình cũng không dám nói ra dẫn đến “trước mặt thì nể, kể lể sau lưng”, làm mất uy tín của Đảng, rạn nứt khối đoàn kết thống nhất trong Đảng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Kinh nghiệm là: cơ quan nào trong lúc khai hội, cấp trên để cho mọi người có gì nói hết, cái đúng thì nghe, cái không đúng thì giải thích, sửa chữa, ở những cơ quan đó mọi người đều hoạt bát mà bệnh “thì thầm thì thào” cũng hết” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5 NXB CTQG, H.1995, tr.243 – Dẫn lại, tạp chí “Tuyên giáo” số 12-2011, tr.30).

Kỷ luật nghiêm minh và tự giác trong nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên là kết quả sau một quá trình nhận sự giáo dục nhận thức của tổ chức Đảng (sinh hoạt, học tập trong Đảng) và tự tu dưỡng, rèn luyện bản thân. Kỷ luật nghiêm minh và tự giác được thể hiện từ việc bình thường như tham gia sinh hoạt chi bộ đầy đủ, nghiêm túc đến  hình thành bản lĩnh, khí tiết người Cộng sản trong thực hiện nghị quyết của Đảng và trước những cám dỗ danh lợi tầm thường.

Kết quả thực hiện các nguyên tắc xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh theo tư tưởng Hồ Chí Minh nêu trên, không những nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng mà còn giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên tự hoàn thiện bản thân mình. Bởi lẽ, các nguyên tắc xây dựng Đảng mà Bác Hồ nêu ra trong phê bình và tự phê bình, trong tự giáo dục, tự dưỡng, rèn luyện không chỉ mang ý nghĩa chính trị mà còn chứa đựng những giá trị nhân văn sâu sắc.

Trương Tử Kỳ


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.