Multimedia Đọc Báo in

Khảo sát công tác thông tin đối ngoại tại các xã biên giới

08:12, 14/03/2012

Triển khai chương trình phối hợp trong công tác thông tin, truyền thông và thông tin đối ngoại tại khu vực biên giới tỉnh giai đoạn 2011-2020,  vừa qua,  Ban Chỉ đạo Chương trình phối hợp hoạt động giữa Sở Thông tin - Truyền thông và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã đến khảo sát công tác thông tin truyền thông và thông tin đối ngoại tại các xã và đồn biên phòng: Ya Lốp, Ia R’vê, Ea Bung (thuộc huyện Ea Súp) và xã Krông Na (thuộc huyện Buôn Đôn).

Đồng chí Lê Hữu Thịnh - Giám đốc Sở TT-TT, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình phối hợp hoạt động phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo xã Krông Na (Buôn Đôn).

Báo cáo với đoàn khảo sát, đại diện cấp ủy, chính quyền các xã cho biết: thời gian qua, mặc dù gặp không ít khó khăn và thiếu thốn nhưng được sự quan tâm hỗ trợ, đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị của cấp trên cùng với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự phối hợp tạo điều kiện của cán bộ, chiến sĩ các đồn biên phòng đóng chân trên địa bàn, công tác thông tin truyền thông nói chung và thông tin đối ngoại nói riêng ở các xã biên giới đã đạt được một số kết quả nhất định trong việc tuyên truyền, chuyển tải các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương đến với các hộ gia đình, các thôn buôn trên địa bàn, qua đó đã góp phần nâng cao hiểu biết, nhận thức của người dân về mọi vấn đề của đời sống xã hội, đặc biệt trong việc bảo vệ giữ gìn chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, đẩy mạnh chăm lo phát triển kinh tế, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, cải thiện và không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống, động viên nhân dân ở khu vực biên giới đoàn kết thống nhất, phát huy tinh thần dân tộc, vượt qua khó khăn gian khổ để xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Tuy nhiên theo phản ánh của các địa phương, hiện tại hoạt động của hệ thống thông tin cơ sở, đặc biệt đối với công tác thông tin đối ngoại đang gặp không ít khó khăn, thiếu thốn như: hệ thống trạm thu phát, các cụm loa truyền thanh đã hư hỏng, xuống cấp trầm trọng, trang thiết bị phục vụ cho công tác thông tin tuyên truyền hầu như chưa có gì, việc phủ sóng truyền hình đến các địa bàn dân cư xa trung tâm chưa thực hiện được, chưa có hệ thống cáp quang để người dân kết nối Internet, hoạt động của các điểm Bưu điện văn hóa xã (BĐVH) còn thiếu và đơn điệu, ít phát huy tác dụng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ làm công tác truyền thanh ở các xã còn hạn chế, chế độ phụ cấp còn thấp và có nhiều bất cập…

Đoàn khảo sát đã ghi nhận những ý kiến đề xuất, kiến nghị chính đáng của các địa phương và cho biết trong thời gian sớm nhất sẽ cử cán bộ chuyên môn phối hợp với chính quyền các địa phương tiến hành khảo sát chất lượng của các cụm loa truyền thanh để có hướng chỉ đạo khắc phục, xử lý, sẽ đề nghị các doanh nghiệp trong ngành thông tin và truyền thông, các đơn vị liên quan nghiên cứu tạo điều kiện giúp đỡ các xã biên giới nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các điểm BĐVH xã, sớm nghiên cứu triển khai hệ thống cáp quang đến các khu dân cư để người dân có cơ hội kết nối Internet, xây dựng và hỗ trợ sách báo cho các tủ sách và thư viện văn hóa xã.  Đồng thời trên cơ sở đề xuất của các địa phương, sẽ tiến hành xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí trang bị vật tư, phương tiện ở các xã biên giới trình UBND tỉnh phê duyệt nhằm phục vụ cho công tác thông tin truyền thông, thông tin đối ngoại có hiệu quả hơn nữa, góp phần vào việc bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, vun đắp tình đoàn kết hữu nghị giữa chính quyền và nhân dân 2 tỉnh Dak Lak và Mondulkiri nói riêng và 2 nước Việt Nam – Campuchia nói chung.

Trần Ngọc Bổng


Ý kiến bạn đọc