Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII: Bảo đảm tính độc lập và phản biện khi thẩm tra dự án
Hôm qua (4-6), Quốc hội (QH) họp phiên toàn thể, thảo luận tại hội trường về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH. Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu QH tại tổ về Đa số ý kiến tán thành chủ trương, sự cần thiết, phạm vi và nhiều nội dung được nêu trong Đề án và dự thảo Nghị quyết về vấn đề này.
Khi thảo luận tại hội trường, một số đại biểu cho rằng: Cơ quan thẩm tra các dự án luật và pháp lệnh phải đồng hành ngay từ đầu với cơ quan soạn thảo là rất đúng, nhưng phải có quy trình cụ thể thế nào để đảm bảo tính độc lập, phản biện. Đặc biệt, đại biểu QH chuyên trách cần phải phát huy hơn nữa vai trò của mình. Tiếp xúc cử tri thì không nên chỉ tiếp xúc với cử tri ở khu vực bầu cử ra mình, mà với cử tri toàn tỉnh. Cần đi sâu phân tích vì sao quy định về bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn đã có hơn 10 năm qua, song việc bỏ phiếu chưa một lần được thực hiện trên thực tế. Từ đó, ĐB yêu cầu phải quy định rõ dựa vào những tiêu chí nào để kiến nghị bỏ phiếu; sửa đổi quy định phải có 20% số đại biểu QH đề nghị mới tiến hành bỏ phiếu (vì điều này không khả thi).
Một số đại biểu đề nghị, nên có hai hình thức bỏ phiếu tín nhiệm: định kỳ và bất thường khi xảy ra vấn đề (thực chất là bỏ phiếu bất tín nhiệm). Chỉ nên áp dụng việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh từ bộ trưởng và tương đương trở lên; đồng thời chỉ bắt đầu bỏ phiếu từ cuối năm thứ 2 của nhiệm kỳ, nhất là đối với những người từ lĩnh vực khác sang nắm cương vị mới.
Về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, một số ý kiến đề nghị Đề án cần bổ sung một số nội dung cụ thể như: tại phiên chất vấn, cần có giải trình của người bị chất vấn về các vấn đề bức xúc do đại biểu QH nêu lên. Sau hoạt động chất vấn, QH cần tăng cường, giám sát và đánh giá việc thực hiện lời hứa của người trả lời chất vấn. Sau mỗi kỳ họp, QH cần ban hành Nghị quyết về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn; khi chất vấn nảy sinh vấn đề lớn, phức tạp, QH cần lập ra một Ủy ban lâm thời để điều tra.
Nhiều ý kiến đại biểu QH tán thành với những đề xuất đổi mới trong việc lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, nhất là việc thẩm tra kỹ các đề nghị, kiến nghị về luật, pháp lệnh trước khi đưa vào Chương trình. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị cần xây dựng bộ tiêu chí đánh giá tính cấp thiết của dự án luật để đưa vào chương trình; một số ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể hơn về việc thực hiện quyền trình sáng kiến pháp luật của đại biểu QH và quy định cụ thể nhiệm vụ của bộ máy giúp việc trong hỗ trợ đại biểu Quốc hội thực hiện quyền này. Một số ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo phải thực hiện nghiêm quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong việc gửi tài liệu đúng thời hạn; trình dự thảo luật kèm theo các văn bản hướng dẫn thi hành; quá trình soạn thảo phải có sự tham vấn ý kiến công chúng, điều tra xã hội học; tham gia có trách nhiệm vào quá trình nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đại biểu QH để chỉnh lý, hoàn thiện văn bản…
Q.A (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc