Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII: Tăng mức xử phạt để chống gian lận thuế

08:27, 04/06/2012

* Xúc tiến sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng

Khi thảo luận dự án Luật Sửa đổi một số điều của Luật Quản lý thuế, các đại biểu Quốc hội (QH) cho rằng các quy định trong dự luật đã cơ bản đáp ứng yêu cầu đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và người nộp thuế trong thực hiện nghĩa vụ thuế. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả của quản lý thuế dự luật phải có các quy định tăng cường thanh tra, kiểm tra, đặc biệt chú trọng hậu kiểm; có chế tài, mức xử phạt đủ mạnh nhằm hạn chế, ngăn chặn hành vi vi phạm như khai man, gian lận thuế, chuyển giá giữa các DN. Theo một số đại biểu, đối với đối tượng kê khai sai, trốn và gian lận thuế cần tăng xử phạt từ 10% số tiền thuế kê khai, số tiền thuế được hoàn lên 20% để tăng tính răn đe. Có đại biểu cho rằng, chính chế tài nhẹ đã dẫn đến sự mất công bằng giữa người nộp thuế và trốn thuế.

Về dự án Luật Dự trữ quốc gia (DTQG), khi thảo luận, nhiều đại biểu QH cho rằng mục tiêu về DTQG quy định trong dự luật còn quá rộng, có thể dẫn tới khó thực hiện trong thực tế. Theo một số đại biểu, về bản chất DTQG là nhằm để xử lý những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, cấp bách như thiên tai, dịch bệnh, phục vụ quốc phòng - an ninh… Vì vậy, cần xem xét thu hẹp mục tiêu sử dụng DTQG dựa trên cơ sở cân đối nguồn lực, bảo đảm phù hợp với bản chất DTQG, tránh dàn trải. Một số ý kiến khác nhận xét, việc dự luật quy định mục tiêu “bình ổn thị trường” của DTQG là chưa hợp lý bởi điều này có thể dẫn đến trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, gây phức tạp trong triển khai thực hiện. Về nguyên tắc sử dụng, quản lý DTQG, có ý kiến cho rằng, quản lý chặt chẽ, an toàn, bí mật và phải đảm bảo chất lượng hàng hóa. Vì thực tế, có những lần thiên tai, Chính phủ xuất hàng trăm tấn gạo cho đồng bào nhưng chất lượng kém không dùng được. Điều này làm mất đi ý nghĩa của công tác cứu trợ.

Đánh giá tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh từ đầu nhiệm kỳ QH khóa XIII đến nay, nhiều đại biểu tán thành với nhận định trong báo cáo của Ủy ban thường vụ QH về những mặt được, chưa được trong việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh từ đầu nhiệm kỳ QH khóa XIII đến nay. Tuy nhiên, các đại biểu cũng lưu ý đến tính đồng bộ trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh còn hạn chế; nhiều dự án đưa vào Chương trình chưa bảo đảm chất lượng, tiến độ, vẫn còn tình trạng luật khung, việc thay đổi chương trình xây dựng luật tương đối dễ dãi… Có đại biểu nhận xét, vẫn còn những dự án luật đã được đưa vào chương trình nhưng lại bị rút ra trước kỳ họp, nguyên nhân có phần do sự rà soát không kỹ và do cơ quan soạn thảo chưa nhiệt tình. Bên cạnh đó, chất lượng một số dự án Luật chưa được chú trọng lắm và vẫn có biểu hiện cục bộ, lợi ích nhóm trong xây dựng Luật. Đặc biệt, việc gửi văn kiện cho các đại biểu QH tham gia góp ý còn chậm, nên không có nhiều thời gian để các đại biểu tham vấn ý kiến các chuyên gia, các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của luật…Trước tình trạng các dự luật được đưa vào rồi lại bị rút khỏi chương trình, có ý kiến đề nghị QH nên có sự kiểm điểm cơ quan soạn thảo, làm rõ sự chậm trễ, tránh việc chương trình kỳ họp bị thay đổi trong những kỳ họp tới.

Về dự kiến điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH nhiệm kỳ khóa XIII, cơ bản các đại biểu tán thành với đề xuất trong Tờ trình của Ủy ban Thường vụ QH. Một số ý kiến đề nghị thúc đẩy nhanh việc ban hành các dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Thư viện, Luật Đô thị, Luật Quy hoạch để đáp ứng yêu cầu của cuộc sống. Nhiều đại biểu đề nghị chuyển dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) từ Chương trình năm 2013 lên Chương trình năm 2012 nhằm sớm triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (Nghị quyết Trung ương 5).

                                                                        Q.A (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc