Multimedia Đọc Báo in

Quê hương nghĩa trọng tình cao...

22:14, 04/06/2012

Về thăm quê Bác làng Sen, được hòa mình trong không khí mát lành, hình ảnh thân thương của một làng quê Việt, một làng quê xứ Nghệ mà Bác Hồ kính yêu đã gắn bó thuở thiếu thời, chúng tôi không khỏi bồi hồi xúc động.

Cảnh Bác Hồ gặp lại cố Điền trong vở diễn “Lời Người, lời của nước non”  của Nhà hát Dân ca Nghệ An.
Cảnh Bác Hồ gặp lại cố Điền trong vở diễn “Lời Người, lời của nước non” của Nhà hát Dân ca Nghệ An.

 Vẫn vẹn nguyên nơi đây một không gian văn hóa - lịch sử về thời niên thiếu của Bác, với hình ảnh quê nhà luôn khắc sâu trong ký ức, làm hành trang cho Người trên suốt mọi nẻo đường. Chỉ bình dị là ngôi nhà của một cụ đồ nho "có chữ lại có nghĩa", với chiếc võng bện bằng sợi đay, án thư đọc sách, vách tranh treo đèn đĩa thắp bằng dầu lạc; ngôi nhà một lương y bốc thuốc Nam với dao cầu, thuyền tán và cây thuốc quanh nhà; ngôi nhà của một người dân với cuốc cày, chõng tre, nồi đất, cối xay lúa…đã trở thành nỗi đau đáu khôn nguôi của người con xa quê, thành những kỷ vật thiêng liêng về cuộc đời cao đẹp của Bác mà mỗi người đến thăm hôm nay đều rất thành kính. Tình yêu quê hương của Bác gắn liền với cảnh vật, con người cụ thể. Nằm khiêm nhường bên lối vào nhà Bác giữa khu di tích Kim Liên, lò rèn cố Điền là một điểm thu hút sự quan tâm của nhiều du khách, gắn với câu chuyện xúc động về thuở niên thiếu, về tình cảm của Bác với quê hương, bạn bè. Chuyện kể rằng, trong suốt cuộc hành trình tìm đường cứu nước cho đến khi nước nhà được độc lập, rồi đến tận những năm cuối đời, Bác Hồ kính yêu chỉ sắp xếp được 2 lần về thăm quê, lần nào Bác cũng trở về nhà theo dấu chân thuở còn niên thiếu. Trong chuyến về thăm quê lần đầu sau nửa thế kỷ đi xa, trước bàn thờ tổ tiên và trước những kỷ vật thời trẻ, Bác đứng trầm ngâm, khóe mắt ngấn lệ. Dù xa quê đã lâu, Bác vẫn nhớ được những chi tiết rất nhỏ, như “cạnh cổng tre có một cây ổi đào nhiều quả và rất ngọt, trước sân có cây bưởi, bên đầu hồi nhà có cây cam, sau nhà có hàng cau đẹp…”. Khi ra ngoài cổng, Bác đi đến bên một khóm chuối rồi dừng lại, chỉ vào một lối nhỏ hỏi: “Trong này có lò rèn của cố Điền, nay còn không?” Lò rèn này do ông Hoàng Xuân Luyến, tên thường gọi là Cố Điền dựng cuối thế kỷ 19  để rèn nông cụ phục vụ bà con trong vùng. Cố Điền là người hiền lành, thật thà và vui tính. Thuở thiếu thời, khi sống ở Làng Sen, Bác thường sang đây giúp ông đập đe, thụt bễ, nhặt sắt vụn và nghe bà con luận bàn việc nước, việc đời… Đến nay, Bác vẫn nhớ đến và quan tâm thăm hỏi. Khi thấy một cụ già từ trong nhà bước ra chào Bác và hỏi: "Bác có còn nhớ tôi nữa không?", Bác nhận ra ngay: "Điền phải không?". Hai người bạn thời thơ ấu sau 50 năm xa cách ôm nhau khóc trong niềm xúc động vô bờ của tất cả những người có mặt lúc đó. Bác hỏi thăm cố Điền sức khỏe, hỏi lâu nay còn tiếp tục rèn nữa không và căn dặn nên tiếp tục rèn để bà con có công cụ mà sản xuất. Đến thắp hương tại nhà thờ Nguyễn Sinh, khi gần đến nhà thờ, Bác dừng lại hỏi: “Trong này có nhà cố Phương. Nay nhà cố có đủ ăn không?”. Nghe vậy mọi người đều nghẹn ngào, có người không cầm được nước mắt. Qua đó, ai cũng hiểu tình cảm Bác dành cho quê hương sâu nặng đến chừng nào, như Bác đã bùi ngùi: “Quê hương nghĩa trọng tình cao/Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình”.

Từ những câu chuyện nhỏ, càng sáng ngời đạo đức của Bác - một nhân cách lớn mà vô cùng giản dị, gần gũi. Bác đã đi xa, nhưng tấm gương đạo đức của Người mãi tỏa sáng. Lặng nghe chuyện kể bên điểm di tích lò rèn cố Điền, chúng tôi thêm thấm thía lời một cựu chiến binh cùng đoàn tham quan: thật xúc động, dù xa quê đã lâu, dù bận trăm công ngàn việc, Bác vẫn nhớ đến quê nhà từ những con người, cảnh vật cụ thể. Học theo Bác, đâu phải là những gì cao xa, xin hãy bắt đầu từ những điều giản dị như thế.

Hoa Hồng


Ý kiến bạn đọc