Multimedia Đọc Báo in

Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992: Về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân

15:18, 18/03/2013

Dự thảo Hiến pháp lần này đưa quy định quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân sau chương I - chế định về chế độ chính trị - mà Hiến pháp 1992, chế định này được đặt ở chương V.

Vị trí thứ tự của chế định này trong Dự thảo Hiến pháp thể hiện nhận thức của Nhà nước về tầm quan trọng của vấn đề quyền con người, quyền công dân cũng như tầm quan trọng của việc hiến định các nghĩa vụ cơ bản của công dân. Định vị như thế thể hiện sự tôn trọng quyền con người là trên hết của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và khẳng định giá trị, vai trò quan trọng của quyền con người, quyền công dân và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp là tạo ra môi trường công bằng cho con người phát triển toàn diện.

Theo chúng tôi, cách thức chế định này đã toát lên bản chất của Hiến pháp là làm rõ quyền con người và quyền công dân. Người dân được hưởng các quyền đó một cách mặc nhiên và trách nhiệm của Nhà nước là thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, đồng thời quy định rõ quyền công dân gắn liền chặt chẽ tương xứng với nghĩa vụ công dân.

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 dành cho quyền con người, quyền công dân và nghĩa vụ công dân một khuôn khổ khá rộng với nhiều quyền cơ bản mà Luật Nhân quyền quốc tế và Hiến pháp của các nước trên thế  giới đã ghi nhận. Chương II có 38 điều (từ điều 15 đến điều 52), trong đó có 5 điều mới (16, 21, 44, 45, 46). Việc kịp thời bổ sung thêm một số quyền mới là đáp ứng nhu cầu nội tại của nhân dân và phù hợp với các điều ước quốc tế về quyền con người mà nước ta là thành viên.

Chẳng hạn, Điều 16 "Mọi người có  nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác. Không được lợi dụng quyền con người, quyền công dân để  xâm phạm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác". Điều 21 "Mọi người có quyền sống". Và, các quyền hiến mô, hiến bộ phận cơ thể, hiến xác (điều 22); quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư (điều 23); quyền sở hữu tư nhân (điều 33); quyền kết hôn và ly hôn (điều 39); quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn  hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa, tiếp cận các giá trị văn hóa (điều 44); quyền xác định dân tộc và sử dụng ngôn ngữ, tự do lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp (điều 45); quyền được sống trong môi trường trong lành (điều 46)...

Dự thảo còn bổ sung một nguyên tắc hiến định, đó là quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe  của cộng đồng (điều 15).

Tuy nhiên theo tôi, một số quyền quan trọng ở nước ta hiện nay cũng rất cần thiết  được nêu, như: quyền của người cao tuổi; quyền của người khuyết tật; quyền của người đồng tính... Vẫn biết rằng, một số quyền con người, tuy không được chế định trong Hiến pháp nhưng có thể được quy định trong các văn bản pháp luật khác của Nhà  nước. Nhưng, nếu không có quy định rõ ràng trong Hiến pháp rất dễ gây hiểu lầm rằng, những quyền hiến định quan trọng hơn, cần được ưu tiên thiết thực hơn so với các quyền không được hiến định.

Về mặt kỹ thuật lập hiến, thấy rất rõ trong Dự thảo đã có sự phân biệt quyền con người (mọi người) và quyền công dân (công dân). Các điều được phân định theo các nhóm quyền cho thấy tính thống nhất, hài hòa chặt chẽ giữa quyền con người và quyền công dân mang tính khả thi cao. Các quy định về quyền và nghĩa vụ đối với tất cả mọi người, không phân biệt công dân Việt Nam, người nước ngoài hay người không có quốc tịch thì được thể  hiện bằng từ "mọi người"; còn đối với những quyền và nghĩa vụ chỉ áp dụng đối với công dân Việt Nam thì dùng từ "công dân" theo tôi là hoàn toàn phù hợp xác  đáng.

Tuy nhiên, ở điều 21 "Mọi người có quyền sống", theo tôi, nên diễn đạt "Mọi người có quyền được sống" thì trọn vẹn hơn.

Và, Điều 23 (sửa đổi, bổ sung Điều 73)

1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí  mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.

Không được phép thu thập, lưu giữ, sử dụng và phổ biến thông tin về  đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của người khác nếu không được người đó  đồng ý.

2. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác.

Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác do pháp luật quy định.

Theo tôi, có thể diễn  đạt như sau:

 1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.

2. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác.

Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác do pháp luật quy định.

Vì, khi mọi người đã ý thức  được khoản 1, là đã đủ rồi.

Về Điều 32 (sửa đổi, bổ  sung Điều 72)

1. Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

2. Người  bị buộc tội có quyền được Tòa án xét xử. Không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm.

3. Người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử có quyền sử dụng trợ giúp pháp lý của người bào chữa.

4. Người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự. Người làm trái pháp luật trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam, điều  tra, truy tố, xét xử gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý theo pháp luật.

Theo tôi, có thể diễn đạt như sau:

1. Người bị coi là  có tội chỉ khi có bản án kết tội của Tòa án.

2. Người  bị buộc tội có quyền được Tòa án xét xử. Không ai bị kết án hai lần vì một  hành vi tội phạm.

3. Người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử có quyền sử dụng trợ giúp pháp lý của người bào chữa.

4. Người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự.

5. Người làm trái pháp luật trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam, điều  tra, truy tố, xét xử gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý theo pháp luật.

Ngoài ra ở Điều 45 (mới)

Công dân có quyền xác  định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ  đẻ, tự do lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp.

Cần viết rõ:

Công dân có quyền xác  định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ, tự do lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp.

Trần Khải


Ý kiến bạn đọc