Multimedia Đọc Báo in

KỶ NIỆM 68 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG TÁM VÀ QUỐC KHÁNH 2-9

Việt Nam trong lòng bạn bè thế giới

16:59, 25/09/2013

Năm nay chúng ta kỷ niệm 68 năm ngày độc lập trong bối cảnh đất nước và thế giới đang thoát dần ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài, từng bước phục hồi trở lại. Nhân dịp Quốc khánh 2-9 NSDL tổng hợp và giới thiệu cùng bạn đọc những ý kiến khách quan của dư luận thế giới nói về thành tựu mà Việt Nam đạt được trong gần 7 thập kỷ qua.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, niềm tự hào của dân tộc Việt Nam

Nói đến Việt Nam là nói đến Bác Hồ kính yêu, Đảng quang vinh và đất nước anh hùng. Trong  số rất nhiều tài liệu, sách vở ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh của Việt Nam có tạp chí Time, một ấn phẩm danh tiếng thế giới của Mỹ có lịch sử tồn tại trên 90 năm, đã nhiều lần đăng tải chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là số ra ngày 22-11-1954 với tựa đề Indochine's Ho Chi Minh - Hồ Chí Minh của Đông Dương; số ra ngày 16-7-1965 với chủ đề  Viet Nam:  the Intransigent North - Việt Nam: Miền Bắc không khoan nhượng; số ra ngày 12-9-1969 với chủ đề  New Erea in North Vietnam - Kỷ nguyên mới ở Bắc Việt Nam và trang bìa số ra ngày 12-5-1975 kèm theo dòng chữ The Victor - Người chiến thắng… Phần lớn những ấn phẩm trên đều đề cập đến những đề tài nóng bỏng đang diễn ra tại Việt Nam và ca ngợi tài đức, sự nghiệp giải phóng dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt, nhà báo Stanley Karnow, phóng viên của Time còn viết: “Hồ Chí Minh đã tạo ra một hình ảnh hiền lành giản dị, nhà cách mạng dày dạn kinh nghiệm, một nhà dân tộc chủ nghĩa nồng nhiệt, suốt đời đấu tranh cho một mục đích duy nhất: Độc lập dân tộc. Không có sự dao động trong niềm tin của Hồ Chí Minh, không thể lay chuyển ý chí của Người, ngay cả khi cuộc chiến tranh do Mỹ leo thang, tàn phá đất nước, Người vẫn giữ niềm tin đối với nền Độc lập của dân tộc. Dưới con mắt phương Tây, điều dường như không thể tưởng tượng được là Hồ Chí Minh có thể cống hiến sự hy sinh to lớn mà ông đã làm”. Cùng với nhiều bài viết trung thực, tạp chí Time đã bình chọn và tôn vinh Bác Hồ của chúng ta là một trong số 100 nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất trong thế kỷ 20 (The 100 Most Influential People of the 20th Century.

Ảnh bìa tờ Time số ra ngày 16-7-1965 đăng ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ảnh bìa tờ Time số ra ngày 16-7-1965 đăng ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chiến thắng Điện Biên Phủ là một mốc son chói  lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc  Việt Nam, làm cho thế giới phải ngạc nhiên bởi tinh thần chiến đấu ngoan cường của người Việt Nam sau 9 năm giành được độc lập. Chuyên gia C.Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Austrlia viết "Thất bại của người Pháp tại Điện Biên Phủ khiến người Pháp phải mau chóng chấm dứt sự cai trị tại Đông Dương cũng như sự hiện diện của họ tại Đông Nam Á.  Việt Nam sở hữu một nghệ thuật quân sự có thể đánh bại mọi đạo quân xâm lược". AFP cũng dẫn lời C.Goscha, một trợ lý giáo sư tại Trường Đại học Lyon II nhận định chiến thắng của nhân dân Việt Nam là "một cột mốc quan trọng trong ngành khoa học quân sự hiện đại".

Nói đến chiến thắng Điện Biên Phủ là nói đến Bác Hồ kính yêu và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng huyền thoại, học trò trung thành của Người. Tạp chí chuyên đề chính trị châu Á The Diplomat đã đăng bài viết về sự kiện tướng Giáp 100 tuổi với lời bình luận: "Điện Biên Phủ là một chiến thắng thay đổi lịch sử. Trước tiên, nó đập tan tư tưởng cố hữu cho rằng phương Tây là vô địch. Chiến thắng Điện Biên Phủ còn cổ vũ cho những cuộc chiến chống chế độ thực dân trên khắp hoàn cầu". The Diplomat còn tôn vinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những nhà lãnh đạo quân sự kiệt xuất nhất thế giới thế kỷ 20.

Công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Năm 2005, nhân kỷ niệm 30 năm Đại thắng Mùa xuân, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, với tiêu đề Việt Nam 30 năm sau chiến tranh, xã luận của tờ Nikkei, tờ báo kinh tế lớn nhất Nhật Bản đăng lại hình ảnh chiếc xe tăng đầu tiên của Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc lập, đặt dấu gạch chéo trên học thuyết quân sự của Mỹ, kèm theo bình luận: "Chiến tranh Việt Nam đã để lại dấu ấn sâu đậm trong tiềm thức người Mỹ. Nó đã tạo ra hiệu ứng đôminô trong khu vực Đông Dương. Đến tận bây giờ, khi cuộc chiến Iraq đã kết thúc, nhưng làn sóng chống Mỹ tại đây vẫn khiến người ta liên tưởng đến một Việt Nam thứ 2 ở Trung Đông ". Ngày nay Việt Nam đang tiến hành công cuộc Đổi mới và đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào. Việt Nam đã khép lại quá khứ và năm 1995, Việt Nam và Mỹ đã bình thường hóa quan hệ. Cùng với Nikkei, tờ nhật báo Horonada (Mexico) cũng đăng bài viết ca ngợi: "Chiến thắng 30-4-1975 của nhân dân Việt Nam, hồi kết tất yếu của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc hào hùng nhất thế kỷ 20, đã cổ vũ mãnh liệt phong trào đấu tranh bảo vệ chủ quyền, độc lập dân tộc của tất cả các quốc gia yêu chuộng hào bình, tự do và công lý trên thế giới".

Công cuộc đổi mới của Việt Nam

Năm 2011, nhân  kỷ niệm Quốc khánh 2-9 và kỷ niệm lần thứ 35 ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Thái Lan, tờ Bangkok Post của Thái Lan xuất bản bằng tiếng Anh đã đăng tải bài viết kèm theo 20 bức ảnh màu sinh động, giới thiệu về đất nước và con người Việt Nam, trong số này có 11 Di sản thế giới về văn hóa của Việt Nam được UNESCO công nhận. Đặc biệt, Bangkok Post đã điểm lại không khí hào hùng của Cách mạng Mùa thu 1945 và thắng lợi lịch sử thống nhất hoàn toàn đất nước năm 1975, cùng như công cuộc đổi mới từ thập niên 1980 mà nhân dân Việt Nam đạt được .

Đầu năm 2011, tờ Neues Deutschland (Nước Đức Mới) đã đăng bài của tác giả D. Pries nói về thành công của Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI với việc bầu ra Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị mới, đồng thời đánh giá cao thành tựu 25 năm đổi mới của Việt Nam.Đặc biệt là thành tựu xóa đói giảm nghèo mà Việt Nam đạt được, theo đó, từ năm 2003 đến 2008, tỷ lệ nghèo tại Việt Nam đã giảm từ 58% xuống còn 13%.

   Đánh giá về công cuộc đổi mới của Việt Nam,  tờ Times of India (TOI)  của Ấn Độ cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đã điểm trúng những vấn đề lớn mang tính chiến lược nhằm đưa đất nước tiếp tục phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, hiện đại, dân chủ, coi nhiệm vụ tăng cường xây dựng Đảng, đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tăng cường tính minh bạch, dân chủ trong Đảng cũng như xây dựng xã hội văn minh là nhiệm vụ trọng tâm có ý nghĩa chiến lược. Đặc biệt, TOI đã nêu những thành tựu nổi bật của 25 năm đối mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng  sản Việt Nam. Giai đoạn 1986 - 1990 Việt Nam chú trọng đến phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, khắc phục được những yếu kém, từng bước phát triển vững chắc, GDP tăng 4,4%/năm, tổng giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân 3,8 - 4%/năm; công nghiệp tăng bình quân 7,4%/năm, trong đó sản xuất hàng tiêu dùng tăng 13 -14%/năm; giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng 28%/năm. Việt Nam thực hiện tốt ba chương trình mục tiêu phát triển về lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu đã phục hồi được sản xuất, tăng trưởng kinh tế, kiềm chế lạm phát… Giai đoạn 1991-1995 Việt Nam dần dần ra khỏi tình trạng trì trệ đạt được những thành tựu quan trọng, tốc độ tăng trưởng đạt tương đối cao, liên tục và toàn diện, hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu đều vượt mức: GDP bình quân tăng 8,2%/năm; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 13,3%/năm; nông nghiệp tăng 4,5%/năm; lĩnh vực dịch vụ tăng 12%/năm; tổng sản lượng lương thực 5 năm (1991 - 1995) đạt 125,4 triệu tấn, tăng 27% so với giai đoạn 1986 - 1990. Giai đoạn 1996 - 2000 đánh dấu bước phát triển quan trọng của kinh tế thời kỳ mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước,  tốc độ tăng trưởng khá. GDP bình quân của cả giai đoạn 1996 - 2000 đạt 7%; trong đó, nông, lâm, ngư nghiệp tăng 4,1%; công nghiệp và xây dựng tăng 10,5%; các ngành dịch vụ tăng 5,2%. Tính đến năm 1989 Việt Nam xuất khẩu 1,4 triệu tấn gạo, năm 2012 tiếp tục được nâng lên gần 44 triệu tấn, cao hơn năm 2011 khoảng 1,3 triệu tấn góp phần vào việc lập kỷ lục về lượng gạo xuất khẩu, đạt trên 7,7 triệu tấn và thu về gần 3,5 tỷ USD.

K.N

(Tổng hợp từ Net/Time và các báo khác) 


Ý kiến bạn đọc