Multimedia Đọc Báo in

Già làng Tây Nguyên với Trường Sa

10:09, 14/07/2014

Trở về sau chuyến thăm quân và dân trên quần đảo Trường Sa, các già làng, trưởng buôn ở Tây Nguyên đã thấu hiểu sâu sắc hơn về cuộc sống và nhiệm vụ thiêng liêng của những người đang ngày đêm canh giữ biển trời của Tổ quốc. Họ tự nhủ lòng: Hăng say lao động sản xuất, xây dựng buôn làng, tất cả vì Trường Sa thân yêu…

Duyệt binh trên đảo Trường Sa lớn.
Duyệt binh trên đảo Trường Sa lớn.

Già làng Ama Mlen: “Vì biển đảo phải làm giàu!”

Đã quá trưa, nhưng vợ chồng già làng Ama Mlen (56 tuổi) ở buôn Yao, xã Ea Tul (Cư M’gar) vẫn làm việc hăng say trên rẫy. Thấy chúng tôi đến thăm, ông ngừng tay: “Mình phải cải tạo 5 sào đất dốc này, cây cà phê già quá rồi, trái ít quá, phải cải tạo thôi!”. Già Mlen nói thêm: “Bà con, cán bộ và chiến sĩ ta sống trên đảo Trường Sa, một chút đất cát cũng có thể làm nên mầm xanh, trong khi đó mình ở đất liền thì có điều kiện hơn rất nhiều. Mình phải cố lên thôi, phải làm kinh tế thật tốt, thật giỏi để không phụ lòng những chiến sĩ đang canh giữ chủ quyền biển đảo quê hương. Vì biển đảo, phải làm giàu…”.

Già Ama Mlen cùng vợ cần mẫn cải tạo đất  để trồng tiêu, phát triển kinh tế.
Già Ama Mlen cùng vợ cần mẫn cải tạo đất để trồng tiêu, phát triển kinh tế.

Chuyện là, mới đây già được tham gia đoàn 115 già làng, trưởng buôn Tây Nguyên thăm Trường Sa. Già kể: Ngày đầu tiên đặt chân lên đảo, ấn tượng đầu tiên của già chính là một màu xanh xen lẫn những căn nhà mái đỏ trên nền cát trắng của quần đảo Trường Sa. Giữa biển trời bao la, lá cờ Tổ quốc tung bay trước gió… Trong không khí trang nghiêm, đoàn tham dự lễ chào cờ, thăm Nhà tưởng niệm Bác Hồ và đài tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Hầu hết mọi người trong đoàn đều gặp gỡ những người dân trên đảo lần đầu, nhưng ai cũng có cảm giác như về nhà với người thân. Thiếu đất trồng trọt và nguồn nước ngọt khan hiếm… thế nhưng người dân huyện đảo Trường Sa đã tận dụng đất đai áp dụng kỹ thuật tưới nước tiết kiệm để trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả. Đời sống người dân trên đảo được cải thiện. Trường Sa đã được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm xây dựng cơ sở hạ tầng như bệnh xá, trường học, bưu điện… “Sự nỗ lực vươn lên của quân và dân huyện đảo Trường Sa như thôi thúc các già làng, trưởng buôn Tây Nguyên thêm ý chí, nghị lực xây dựng buôn làng giàu mạnh, không phá rừng, không để đất đai lãng phí, phải tận dụng tối đa các nguồn lực để làm kinh tế hiệu quả”, già Ama Mlen nói. Từ ngày đi thăm Trường Sa trở về, đôi tay già Ama Mlen không ngơi nghỉ. Buổi tối, già tranh thủ đi thăm hỏi bà con trong buôn, kể chuyện Trường Sa và bảo ban mọi người tích cực làm ăn. Chia tay vợ chồng già Ama Mlen, chúng tôi tin rằng những gốc tiêu và cây ăn trái mà già vừa trồng trên 5 sào đất dốc sẽ phát triển xanh tươi như những điều mà già mong đợi và suy nghĩ.

Già làng Y Sao và cuốn nhật ký hải trình

Ở tuổi 50, nhưng Y Sao Niê đã là già làng của buôn Sút, xã Ea Pôk (Cư M’gar). Chuyến thăm huyện đảo Trường Sa trung tuần tháng 5 vừa qua đối với Y Sao Niê, “là chuyến đi đáng nhớ nhất trong đời của mình”- ông nói.  Và vì vậy, ông dành hẳn cuốn sổ công tác để ghi nhật ký 2 tuần đoàn già làng, trưởng buôn Tây Nguyên thăm biển đảo Trường Sa… Ông tâm sự: “Mình ghi không sót ngày nào, kể từ khi đoàn lên thuyền (ngày 11-5) đến ngày cập bến Cát Lái - Vũng Tàu (ngày 25-5). Để kể lại cho bà con trong buôn, mình đã ghi chép rất chi tiết, nói phải có chứng cớ cái bụng bà con mới tin!”.

Già Y Sao (thứ 6, từ trái qua) chụp ảnh lưu niệm cùng mọi người trên boong tàu ra Trường Sa. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Già Y Sao (thứ 6, từ trái qua) chụp ảnh lưu niệm cùng mọi người trên boong tàu ra Trường Sa. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Ngay từ những trang đầu tiên, Y Sao chép lại: “Việt Nam là một quốc gia ven biển, có bờ biển dài trên 3.260km từ Quảng Ninh đến Kiên Giang. Bờ biển nước ta xác định theo 5 vùng: Nội thủy, lãnh hải; tiếp giáp lãnh hải; đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Với hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ và hai quần đảo xa bờ Hoàng Sa và Trường Sa…”. Ông nói: “Mình phải gạch chân cho thật kỹ những dòng này, để luôn khẳng định rằng Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam”. Ở những trang tiếp theo, Y Sao kể chuyện gặp gỡ thân tình với đồng bào trên đảo. Có đoạn ông viết: “Mình thật xúc động và tự hào về biển đảo quê hương đất nước, về sự vươn lên của con Lạc cháu Hồng. Cảm thấy những người dân trên đảo thân yêu như ruột thịt, họ là con cháu của 50 người con cùng mẹ Âu Cơ xuống biển năm xưa…”.

Đêm giao lưu với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo Trường Sa cũng được ông ghi chép kỹ. Ông gạch chân đoạn: “Những chiến sĩ Hải quân Việt Nam ngày đêm canh giữ biển trời thiêng liêng của Tổ quốc đã mang đến cho chúng tôi những tiết mục văn nghệ hay nhất. Tình quân dân, biển đảo với đất liền càng được nhân lên”.

Trở về sau chuyến thăm Trường Sa, việc đầu tiên của già làng Y Sao là đi tuyên truyền, vận động bà con thực hiện góp “Quỹ vì Trường Sa”. Buôn Sút hiện có 335 hộ với 1652 khẩu. Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng qua tuyên truyền của ông, các hộ đã đồng lòng, quyết tâm xóa đói, giảm nghèo, để tạo hậu phương vững chắc cho các chiến sĩ hải quân đang ngày đêm canh giữ chủ quyền biển, đảo của đất nước. Chia tay với chúng tôi ông vui mừng khoe: “Những ngày tới, mình được tham gia vào đội Công tác phát động quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, mình được phân công kể lại chuyến đi Trường Sa. Mình sẽ giúp mọi người hiểu rõ rằng là: “Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam!”.

Trưởng buôn Y Dhun H’mok và những lời hứa trước biển

Cẩn thận lấy trong tủ ra tấm Huy hiệu chiến sĩ Trường Sa và một nhánh san hô, ông Y Dhun H’mok, Trưởng buôn Dur 1, xã Dur Kmăn (Krông Ana) tự hào khoe: “Tôi có ba món quà của Trường Sa: vòng tràng hạt dành tặng vợ, Huy hiệu chiến sĩ Trường Sa tôi sẽ luôn để ở bên mình để mãi nhớ về chuyến hành trình vừa qua; cuối cùng là một thanh san hô tôi sẽ nhờ thợ làm lại, đóng trong hộp cho thật đẹp và cẩn thận để mọi người khi đến chơi nhà đều thấy được thanh san hô của biển, để thấy được biển, đảo Việt Nam luôn ở rất gần với buôn làng”.

Ông  Y Dhun lúc nhận Huy hiệu chiến sĩ Trường Sa. (Ảnh  do  nhân vật  cung cấp)
Ông Y Dhun lúc nhận Huy hiệu chiến sĩ Trường Sa. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Lần đầu tiên được đi và cảm nhận về biển, đảo Việt Nam nên bản thân ông rất xúc động và tự hào vì đất nước có tiềm năng biển đảo lớn đến như vậy. Thấy các chiến sĩ ngày đêm canh gác, người dân trên đảo luôn tin tưởng vào đường lối của Đảng và Nhà nước, bản thân ông càng thêm khâm phục. Do đó, trong chuyến đi, khi được vinh dự thay mặt đoàn Dak Lak phát biểu cảm tưởng tại buổi lễ tổng kết chuyến đi thăm Trường Sa, ông đã hứa với Đảng và Nhà nước, với quân và dân huyện đảo Trường Sa cũng như các thành viên trong đoàn rằng: Khi về đất liền, ông cũng như các già làng, trưởng bản và người có uy tín trong cộng đồng sẽ có trách nhiệm tiếp tục vận động đồng bào Tây Nguyên thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách Pháp luật của Nhà nước, giữ vững an ninh chính trị, phát triển kinh tế - xóa đói giảm nghèo tại địa phương; vận động nhân dân góp sức, góp của, hướng về biển đảo của Tổ quốc. Đồng thời lên án sự xâm phạm trắng trợn của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi thềm lục địa Việt Nam vô điều kiện.

Hứa là làm, ngay khi về đến buôn Dur 1, suốt thời gian qua ông Y Dhun thường xuyên tuyên truyền cho bà con về những điều mình biết, đặc biệt là làm rõ, giải thích rõ hành vi sai trái của Trung Quốc. Quan trọng hơn ông kể nhiều về sự kiên cường vượt khó của người dân huyện đảo và các chiến sĩ hải quân, để bà con yên tâm, quyết tâm chăm lo làm kinh tế, bảo đảm công tác an ninh trong buôn, không nghe lời kẻ xấu kích động…

Từ ngày 15 đến 24-5, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã tổ chức đoàn cán bộ và đồng bào các dân tộc trên địa bàn Tây Nguyên đi thăm quần đảo Trường Sa. Đoàn gồm 115 cán bộ, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh Tây Nguyên; riêng Dak Lak có  20 người, do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Hoan Niê Kdăm làm Trưởng đoàn.

Hoàng Gia


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.