Multimedia Đọc Báo in

Kỳ vọng với tổ chức Mặt trận Tổ quốc

15:43, 11/07/2014

Nhiều vấn đề dân sinh bức xúc, những băn khoăn, thắc mắc hay tâm tư nguyện vọng chính đáng của người dân được giải quyết thấu tình, đạt lý, được chia sẻ là nhờ tiếng nói của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp…

Đa dạng hình thức giám sát

Lâu nay, MTTQ các cấp trong tỉnh đã tích cực thực hiện vai trò giám sát xã hội thông qua việc tổ chức hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư công của cộng đồng… Rõ nét và đem lại hiệu quả phải kể đến việc tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp. Đây thực sự là diễn đàn “mở” để các tầng lớp nhân dân trong tỉnh gửi gắm tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất với Đảng, Nhà nước những vấn đề bức xúc diễn ra ở địa phương. Đơn cử từ đầu năm đến nay, qua 2 đợt tiếp xúc với cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp đã có gần 6 nghìn lượt ý kiến phản ánh các vấn đề về dân sinh, những bức xúc của người dân như: kết cấu hạ tầng nông thôn thiếu đồng bộ, giao thông xuống cấp, ô nhiễm môi trường, thủ tục hành chính nhiêu khê, đền bù giải phóng mặt bằng bố trí tái định cư chưa hợp lý... Với tư cách đại diện của các tầng lớp nhân dân, MTTQ là cầu nối để chính quyền các cấp, các ngành chức năng đối thoại với người dân. Những vấn đề mà vượt quá thẩm quyền của chính quyền địa phương thì MTTQ lại có trách nhiệm phối hợp với ngành chức năng tập hợp ý kiến của cử tri, nghiên cứu, phân loại và đề xuất hướng giải quyết. Đáp ứng một phần hay đầy đủ kiến nghị, giải quyết những thắc mắc thông qua việc tiếp thu, hồi đáp nghiêm túc của các ngành chức năng đã góp phần nâng cao lòng tin của cử tri với những đại biểu dân cử; đồng thời khẳng định vai trò thiết thực của MTTQ các cấp.

Bà Châu Thị Minh Thuận, Trưởng Ban Dân chủ, Pháp luật, Dân tộc (Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh) cho biết, MTTQ các cấp sẵn sàng tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân vào bất cứ thời gian nào, bằng các hình thức đơn thư, trao đổi trực tiếp hoặc qua điện thoại… Sáu tháng đầu năm nay, đã có 15 lượt/9 công dân trực tiếp đến cơ quan MTTQ Việt Nam tỉnh gửi đơn thư khiếu nại, kiến nghị, kêu cứu và 25 đơn thư gửi qua đường bưu điện. MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh cũng đã nhận gần 400 đơn thư có nội dung liên quan đến tranh chấp đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, hỗ trợ sau thu hồi đất - đây là những vấn đề gây nhiều bức xúc, phức tạp, kéo dài ảnh hưởng đến an ninh, trật tự - qua đó cho thấy vị thế và uy tín của Mặt trận các cấp ngày càng được khẳng định trong đời sống xã hội.

Đại diện cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể thôn 3 (xã Phú Xuân, huyện Krông Năng) bàn bạc, thảo luận để kéo đường điện thắp sáng.
Đại diện cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể thôn 3 (xã Phú Xuân, huyện Krông Năng) bàn bạc, thảo luận để kéo đường điện thắp sáng.

Ngoài việc tiếp nhận đơn của công dân, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh còn cùng với các sở, ban, ngành tham gia đối thoại giải quyết nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân, tiêu biểu như các cuộc khiếu nại của 100 tiểu thương chợ Buôn Ma Thuột, của 50 hộ dân kinh tế mới huyện Cẩm Bình (tỉnh Hải Dương) trú tại xã Ea Pil (huyện M’Drak), hay của 4 hộ dân thuộc Dự án thủy điện Sêrêpôk 4A… Đặc biệt, đầu năm 2014, qua giám sát, Ban Thanh tra nhân dân phát hiện một vụ sai phạm tài chính về thực hiện chính sách giảm nghèo tại xã Ea Lai (huyện M’Drak) và hiện Công an huyện đã ra quyết định khởi tố điều tra.

Nâng cao vai trò phản biện xã hội

Ngày 19-2-2014 lần đầu tiên Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức Hội nghị phản biện Dự án “Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển Giao thông Vận tải tỉnh Dak Lak đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030” với sự tham gia của 25 đại biểu là chủ tịch, phó chủ tịch, trưởng, phó các phòng, ban, văn phòng Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; chủ nhiệm, phó chủ nhiệm và một số thành viên các hội đồng tư vấn của MTTQ tỉnh; lãnh đạo các tổ chức chính trị, chính trị xã hội; đại diện Sở Khoa học - Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học tỉnh. Qua một ngày làm việc nghiêm túc, trách nhiệm cao, có đầu tư nghiên cứu tài liệu và sự phối hợp chặt chẽ của Sở Giao thông - Vận tải, đặc biệt là sự tham gia của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đức Chính, Phó Chủ nhiệm Dự án, Hội nghị đã thu nhận được nhiều ý kiến quan trọng đóng góp cho các nội dung của Dự án. Sự thành công ngoài mong đợi của Hội nghị phản biện xã hội đầu tiên này là cơ sở để Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả kế hoạch, chương trình phản biện xã hội trong năm 2014 và những năm tiếp theo. Hội nghị này cũng đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến chức năng phản biện xã hội của Mặt trận các cấp.

Thẳng thắn nhìn nhận, thời gian qua, với sự vào cuộc mạnh mẽ của MTTQ từ cấp tỉnh đến cơ sở, nhiều vấn đề dân sinh bức xúc đã được chuyển tới các cơ quan chức năng, nhiều vụ việc tiêu cực, tham nhũng đã được đưa ra ánh sáng... Song MTTQ và các đoàn thể mới chỉ động viên nhân dân thực hiện quyền giám sát, tham gia giám sát cùng cơ quan dân cử là chủ yếu chứ chưa có cơ chế giám sát, phản biện đầy đủ. Nguyên nhân là do đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp hiện nay tuy đông, bám sát cơ sở nhưng lại chưa đồng đều về trình độ, thiếu kiến thức chuyên ngành. Do vậy có nhiều vấn đề cử tri băn khoăn, thắc mắc, nhưng cán bộ Mặt trận không thể giải thích, phản biện; Mặt trận cũng chưa tập hợp được nguồn "chất xám" của đội ngũ chuyên gia để tăng tính hiệu quả của công tác giám sát, phản biện các vấn đề mang tính chuyên ngành, các công trình, dự án ở cấp độ cao hơn. Các hoạt động của Mặt trận và các tổ chức thành viên chủ yếu chỉ là đóng góp ý kiến, kiến nghị về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật trong quá trình dự thảo. Trong khi đó yêu cầu của phản biện xã hội phải ở mức độ cao hơn, sâu hơn và cần được tổ chức thực hiện một cách khoa học, nghiêm túc vào các dự thảo, dự án, đề án trên cơ sở lý luận và thực tiễn để có những kiến nghị xác đáng... Rõ ràng nhiệm vụ của Mặt trận rất nặng nề, đồng nghĩa với kỳ vọng của nhân dân với cơ quan Mặt trận ngày càng cao. Trao đổi với báo chí tại buổi họp báo tuyên truyền về Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2014-2019), ông Lê Ngọc Tâm, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho rằng, muốn làm tốt chức năng phản biện xã hội, mấu chốt vẫn là yếu tố con người. Bởi muốn có những ý kiến giám sát, phản biện sắc sảo, có sức thuyết phục bắt buộc cán bộ làm công tác Mặt trận phải có trình độ. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới cán bộ Mặt trận chỉ năng nổ, nhiệt tình thôi chưa đủ mà phải có năng lực, trình độ thực sự. Kế đến cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp cần coi trọng đúng mức vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận; đồng thời có cơ chế bắt buộc người đứng đầu các cơ quan chức năng tiếp thu ý kiến phản biện của người dân, của các đoàn thể. Cuối cùng là huy động ngày càng nhiều các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt vai trò là thành viên giám sát trong cộng đồng...

Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.