Những vướng mắc trong công tác phát triển Đảng ở các trường học ngoài công lập
Những năm gần đây, số lượng các trường học ngoài công lập (NCL) được thành lập trên địa bàn tỉnh tăng lên nhanh chóng ở các bậc học từ mầm non đến trung cấp chuyên nghiệp. Với số lượng giáo viên đông, trẻ tuổi, có trình độ, các trường học NCL có một nguồn lực dồi dào cho công tác phát triển Đảng và các tổ chức đoàn thể. Tuy nhiên, việc phát triển Đảng trong các trường này hiện vẫn đang gặp nhiều khó khăn...
Vai trò của tổ chức Đảng trong trường học NCL
Có thể thấy, hoạt động của tổ chức cơ sở đảng ở các trường NCL có những ảnh hưởng quan trọng đến sự ổn định và phát triển của chính các trường. Ở những trường học NCL có tổ chức Đảng, mọi mặt hoạt động của nhà trường đều sôi nổi, chất lượng hơn hẳn.
Trường Trung cấp Tây Nguyên là một trong số ít những trường NCL trên địa bàn tỉnh hiện nay có tổ chức đảng hoạt động hiệu quả. Từ 3 đảng viên khi mới thành lập, đến nay Chi bộ Trường Trung cấp Tây Nguyên đã có 16 đảng viên; hằng năm 100% đảng viên đều được đánh giá đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ và chi bộ nhà trường đạt trong sạch vững mạnh suốt 4 năm liền. Bí thư Chi bộ nhà trường Trần Văn Định cho biết: “Dù là trường công lập hay NCL thì việc có một tổ chức đảng chính là nền tảng đảm bảo cho đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước được triển khai đúng hướng và hiệu quả. Ngay từ ngày đầu mới thành lập trường, Hội đồng quản trị đã xác định có tổ chức đảng là cơ sở để xây dựng được một đội ngũ cán bộ “vừa hồng vừa chuyên”. Thời gian đầu, chi bộ nhà trường cũng gặp rất nhiều khó khăn trong công tác phát triển đảng viên mới; sau đó, nhà trường tập trung phát triển mạnh các tổ chức đoàn thể như Công đoàn và Đoàn thanh niên, từ những phong trào này sẽ phát hiện các nhân tố tích cực để bồi dưỡng kết nạp vào Đảng. Hiện nay hầu hết đảng viên mới kết nạp đều là người trẻ, có năng lực và được đề bạt vào các vị trí trưởng, phó phòng, phát huy tốt vai trò được giao”. Bên cạnh việc kết nạp đảng viên là giáo viên trẻ, trong những năm qua Trường Trung cấp Tây Nguyên cũng đã kết nạp được 3 đảng viên là sinh viên. Những vấn đề trọng tâm trong phát triển nhà trường, quản lý sinh viên, nâng cao chất lượng giáo dục đều được đưa ra bàn thảo trong chi bộ, thống nhất cách làm và ra nghị quyết thực hiện.
Một buổi học của cô trò Trường Mầm non Họa My (Chi bộ ghép Trường Mầm non tư thục Họa My và Trường Mầm non tư thục Hoa Cúc được thành lập năm 2012, hiện có 7 đảng viên. |
Theo quan điểm của Nhà giáo Ưu tú Ngô Thị Loan, Hiệu trưởng, Bí thư Chi bộ Trường THPT Phú Xuân, trường học dù là công lập hay NCL đều là môi trường liên quan đến giáo dục con người, vì vậy làm thế nào để xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên vừa thạo về chuyên môn vừa vững về nhận thức chính trị là rất quan trọng. Để làm được điều đó nhất thiết phải xây dựng được một tổ chức đảng trong nhà trường. Với trường học NCL, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên góp phần quan trọng trong nâng cao chất lượng giáo dục, từ đó mới thu hút được đông học sinh. Hiệu trưởng Ngô Thị Loan khẳng định: “Xây dựng tổ chức Đảng có lợi ích sát sườn cho sự phát triển của một trường NCL chứ không phải là không ích lợi gì như nhiều chủ trường vẫn quan niệm”. Với quan điểm đó, trong 7 năm qua, Chi bộ Trường THPT Phú Xuân luôn quan tâm đến công tác phát triển đảng viên. Từ vài đảng viên ban đầu phải sinh hoạt ghép với chi bộ khác, đến nay Chi bộ nhà trường đã có 10 đảng viên, riêng từ đầu năm 2014 đến nay đã kết nạp được 1 đảng viên; hầu hết đảng viên đều phát huy được vai trò đầu tàu, gương mẫu trong các mặt công tác.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Mặc dù có nguồn lực dồi dào với số lượng đông giáo viên trẻ và có trình độ song ở các trường học tư thục, dân lập, công tác phát triển Đảng hiện vẫn rất khó khăn, chưa tương xứng với tiềm năng.
TP.Buôn Ma Thuột hiện có 118 trường học từ mầm non đến THCS, song hiện còn 21 trường chưa có chi bộ và 15 trường còn “trắng” đảng viên, hầu hết đều “rơi” vào các trường tư thục và dân lập, đó là chưa tính số trường THPT và Trung cấp chuyên nghiệp tư thục trên địa bàn. Theo bà Nguyễn Thị Minh, Phó Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Buôn Ma Thuột, phần lớn các trường NCL hiện rất khó phát triển đảng viên chứ chưa nói đến việc có chi bộ và cấp ủy. Thực tế cho thấy, những trường NCL phát triển tốt công tác Đảng chủ yếu là đơn vị có Chủ tịch Hội đồng quản trị là đảng viên (như Trường Trung cấp Tây Nguyên) hoặc có hiệu trưởng là Bí thư Chi bộ, tâm huyết với công tác Đảng (như Trường THPT Phú Xuân)... Để đẩy mạnh việc xây dựng tổ chức đoàn thể, tạo nguồn phát triển Đảng trong các trường học tư thục, dân lập, năm 2013 Thành ủy Buôn Ma Thuột đã có công văn yêu cầu Chi ủy chi bộ Phòng GD-ĐT thành phố, Đảng ủy cơ sở phường, xã quan tâm đến việc thành lập tổ chức công đoàn và đoàn thành niên trong các trường NCL; đồng thời yêu cầu Ban Thường vụ Đảng ủy các phường, xã giao cho chi bộ cơ quan trực thuộc Đảng ủy phường, xã trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác tạo nguồn phát triển đảng viên trong trường học chưa có hoặc có ít đảng viên đến khi trường học đủ điều kiện thành lập chi bộ... Từ khi có công văn này, mặc dù công tác phát triển Đảng ở các trường NCL tại một số xã, phường trên địa bàn được quan tâm hơn song vẫn chưa hết khó khăn, thách thức.
Một trong những khó khăn chính trong công tác xây dựng Đảng ở các trường NCL hiện nay là do trong quy chế tổ chức hoạt động của trường tư thục, dân lập không quy định rõ về trách nhiệm của hội đồng quản trị, hiệu trưởng với hoạt động của Đảng cũng như đoàn thể nhà trường. Thực tế cho thấy, không ít chủ trường NCL vẫn xem mình là một đơn vị doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục, xem trọng lợi nhuận hơn là xây dựng, phát triển tổ chức đảng và đoàn thể trong nhà trường. Ngoài Trường Trung cấp Tây Nguyên và Trường THPT Phú Xuân đã có chi bộ, trên địa bàn phường Tân An (TP. Buôn Ma Thuột) hiện còn 3 trường NCL đang đứng chân trên địa bàn là Trung cấp Luật Buôn Ma Thuột, THCS-THPT Đông Du và Trường Trung cấp Nghề Vinasme Tây Nguyên. Trong số những trường nói trên, có đơn vị đã có đủ số lượng đảng viên để thành lập chi bộ song dù được vận động nhiều lần, chủ trường vẫn chưa thực hiện.
Bên cạnh đó, ngoài việc phát triển đảng viên và tổ chức Đảng, vấn đề làm sao để duy trì hoạt động hiệu quả của tổ chức Đảng trong các trường NCL cũng khiến không ít Đảng bộ xã, phường băn khoăn. Trên địa bàn phường Tân Lợi (TP.Buôn Ma Thuột) hiện có 3 trường học NCL là Trường Mầm non Quốc tế, Trường Mầm non 1-6 và Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm. Sau khi có công văn chỉ đạo của Thành ủy, Đảng ủy phường Tân Lợi đã đẩy mạnh phát triển tổ chức đoàn thể ở các đơn vị này như: thành lập 3 chi đoàn với tổng số 60 đoàn viên; cử 8 giáo viên đi học cảm tình Đảng, trong đó có một số người hiện đang làm hồ sơ kết nạp Đảng... Đồng chí Trần Văn Châu, Bí thư Đảng ủy phường Tân Lợi cho biết: “Việc phát triển đảng ở các trường NCL khó nhưng nếu quan tâm, kiên trì thì sẽ làm được. Chúng tôi đang phấn đấu thành lập được một chi bộ tại trường học NCL trong năm nay. Tuy nhiên, đặc điểm của các trường học NCL là không ổn định, trường thực chất vẫn là một doanh nghiệp, chủ trường chỉ quan tâm đến lợi nhuận kinh doanh nên phát triển tổ chức đảng sao cho chất lượng, hiệu quả mới khó; tránh tình trạng như đã xảy ra ở Trường Trung cấp Trường Sơn: thành lập chi bộ rồi lại giải thể”.
Việc phát triển Đảng trong đội ngũ cán bộ, giáo viên các trường đã khó, việc kết nạp Đảng cho học sinh, sinh viên các trường THPT, TCCN tư thục lại càng khó hơn. Bí thư Chi bộ Trường Trung cấp Tây Nguyên Trần Văn Định thừa nhận: 3 học sinh là đảng viên kết nạp tại trường vốn đã học lớp cảm tình Đảng ở địa phương. Thời gian học ở bậc trung cấp rất ngắn (2 năm), không đủ để đánh giá, phát triển đảng cho những quần chúng ưu tú là sinh viên.
Theo nhiều ý kiến, để tháo gỡ khó khăn cho công tác phát triển Đảng trong các trường học NCL, cần quy định rõ trong quy chế tổ chức hoạt động của các trường tư thục, dân lập về trách nhiệm của hội đồng quản trị, hiệu trưởng đối với hoạt động của tổ chức đảng, đoàn thể trong nhà trường. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền, vận động thay đổi quan niệm xem nhà trường như doanh nghiệp, biến giáo viên, giảng viên, những nhà khoa học thành “người làm thuê” như hiện nay; thay vào đó, cần xác định rõ vai trò chủ thể của thầy cô giáo, nhà khoa học trong hoạt động đào tạo. Đặc biệt, không nên phân biệt vị thế tổ chức Đảng giữa hai loại hình trường công lập và NCL (theo quy định, trường công lập thuộc sở hữu Nhà nước nên tổ chức Đảng giữ vai trò lãnh đạo toàn diện còn trường NCL thuộc sở hữu tập thể, tư nhân nên tổ chức Đảng chỉ phối hợp và tham gia lãnh đạo).
Hồng Thủy
Ý kiến bạn đọc