Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ hai HĐND tỉnh khóa IX: Thảo luận sôi nổi các vấn đề về kiên cố hóa kênh mương, phát triển du lịch

16:26, 30/08/2016

Trong khuôn khổ nội dung Kỳ họp thứ hai HĐND tỉnh khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021, sáng 30-8, các đại biểu tiến hành thảo luận tập trung tại hội trường về các báo cáo, đề án, tờ trình.

Tại phiên làm việc, hầu hết ý kiến của các đại biểu đều nhất trí với những nội dung và sự cần thiết phải thông qua các dự thảo nghị quyết, nhất là về Chương trình kiên cố hóa kênh mương, phát triển du lịch, phát triển kinh tế tập thể, bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng...

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn góp ý về các báo cáo, đề án, tờ trình tại kỳ họp.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn góp ý về Chương trình kiên cố hóa kênh mương và Đề án phát triển du lịch tại kỳ họp. Ảnh: Hoàng Gia

Liên quan đến Chương trình kiên cố hóa kênh mương giai đoạn 2016-2020, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn đề nghị cần nâng cao công tác tuyên truyền ý thức cho người dân trong vấn đề sử dụng tài nguyên nước, áp dụng phương pháp tưới nước phù hợp, tiết kiệm trong quá trình sản xuất, sử dụng sinh hoạt hằng ngày. Đề nghị UBND tỉnh, cơ quan chức năng cần có kế hoạch quản lý, giám sát việc sử dụng tài nguyên nước, nhất là tình trạng khoan giếng khi xây dựng nhà ở, cần có sự kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động khai thác nước ngầm, sử dụng nước có hiệu quả... Còn đại biểu Nguyễn Thị Xuân, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho rằng, Đề án nên nghiên cứu địa phương nào cần xây dựng mới hay kiên cố lại hệ thống kênh mương hồ đập, bởi nguồn vốn còn hạn chế; tập trung ưu tiên những vùng chịu nhiều ảnh hưởng thiên tai, những vùng nông nghiệp đặc biệt cần nước; đồng thời cần đánh giá lại các công trình thủy lợi một cách chính xác để có hướng đầu tư hiệu quả...

Các đại biểu tham dự kỳ họp.
Các đại biểu tham dự kỳ họp. Ảnh: Hoàng Gia

Về Đề án phát triển du lịch tỉnh giai đoạn 2016-2020, đại biểu Nguyễn Thượng Hải, Bí thư Huyện ủy Cư M'gar nêu ý kiến: Việc lập quy hoạch du lịch ở các huyện, thị xã, thành phố là rất quan trọng, mỗi địa phương nên có quy hoạch, nghị quyết riêng về phát triển du lịch trên cơ sở đó góp phần vào phát triển du lịch tổng thể của tỉnh. Tuy nhiên trên thực tế hiện nay một số huyện vẫn chưa lập quy hoạch nên cần chú trọng hơn về điều này. Bên cạnh đó việc phát triển các điểm, tuyến du lịch chưa có sự kết nối, do vậy nên xây dựng các tour, tuyến du lịch bám sát theo các tuyến giao thông cho thuận lợi, tạo nhiều điểm đến cho du khách... Đại biểu Y Si Thắt, Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn lại nhìn nhận phát triển du lịch cần bảo đảm lộ trình, gắn với vấn đề môi trường; với tình trạng sông hồ cạn kiệt, đàn voi nhà đang dần ít đi thì việc giữ gìn các sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh đang là thách thức lớn. Để phát triển du lịch bền vững gắn với bảo vệ môi trường cần tập trung nguồn lực, rút kinh nghiệm những mặt chưa đạt được từ đề án trước để xây dựng cho phù hợp, tránh đầu tư dàn trải, lãng phí... Một số đại biểu cho rằng, việc đề ra mục tiêu tổng quát đến năm 2020 phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, trong khi mục tiêu cụ thể của Đề án đưa ra chỉ tiêu GDP du lịch chiếm 2,27% GDP của tỉnh là chưa phù hợp...

Đối với Đề án phát triển kinh tế tập thể tỉnh giai đoạn 2016-2020, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh nêu lên một số vấn đề cần nghiên cứu thêm để việc thực thi Đề án có hiệu quả. Cụ thể, nên có sự điều chỉnh chỉ tiêu “thành lập mới mỗi năm ít nhất 15 HTX trở lên, đến năm 2020 toàn tỉnh có trên 300 HTX, liên hiệp HTX hoạt động hiệu quả” bởi hiện nay có hơn 200 HTX đang hoạt động, hơn 130 HTX ngừng hoạt động thì trung bình mỗi năm cần thành lập mới ít nhất 20 HTX trở lên mới đạt con số 300 HTX hoạt động. Bên cạnh đó không nên bố trí nguồn kinh phí hằng năm bằng nhau bởi cần đầu tư tập trung cao điểm vào từng giai đoạn cụ thể, do đó phải nghiên cứu, xem xét lại để phân bố, cân đối kinh phí cho phù hợp...

Về công tác bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng, đại biểu Y Nhuần Byă, Bí thư Tỉnh Đoàn đề nghị nâng chỉ tiêu “đến 2020 phấn đấu trên 70% buôn đồng bào các dân tộc tại chỗ trên địa bàn tỉnh có cồng chiêng” lên con số cao hơn bởi hiện nay nhiều buôn đã có chiêng, với sự phối hợp, huy động các nguồn vốn giữa tỉnh, huyện, các cơ quan đơn vị kết nghĩa để thực hiện thì tiêu chí này có cơ sở để đạt được ở mức cao hơn...

Các đại biểu trao đổi về một số nội dung trong kỳ họp. Ảnh: Hoàng Gia
Các đại biểu trao đổi một số nội dung kỳ họp. Ảnh: Hoàng Gia

Nhiều đại biểu cũng quan tâm, nêu ý kiến về các vấn đề như biên chế công chức, tinh giản biên chế; việc làm của người lao động; số liệu chênh lệch giữa thực tế và trên giấy tờ về diện tích rừng và đất rừng; việc định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hỗ trợ khoa học kỹ thuật cho người dân trước những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Một số đại biểu góp ý cần nâng cao hơn nữa chất lượng kỳ họp của HĐND tỉnh, dành nhiều thời gian cho phần thảo luận, chất vấn, trả lời ý kiến của cử tri; cần nghiêm túc đánh giá lại hiệu quả của các nghị quyết đã ban hành để từ đó phân tích, rút kinh nghiệm những mặt đạt được, chưa đạt được của nghị quyết để có giải pháp thiết thực, hiệu quả hơn trong quá trình triển khai các nghị quyết tiếp theo...

Chiều cùng ngày, kỳ họp sẽ tiếp tục làm việc với phiên chất vấn, trả lời chất vấn; thông qua các dự thảo Nghị quyết và bế mạc kỳ họp.

Lan Anh

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.