Multimedia Đọc Báo in

Nghề báo và những chuyến đi…

14:08, 26/06/2017

Có những chuyến đi không phải đích đến là bài báo được đăng ngay sau đó mà là một hành trình tự khám phá con người, vùng đất; thấy được cuộc sống, nhịp sinh họat, cái hồn nhiên chân chất đáng yêu của người dân bản địa… tưởng quen mà hóa lạ ngay chính miền quê mình đã gắn bó bao năm. Đó là hành trình đi để thấy mình trưởng thành hơn.

Một lần, trên đường tác nghiệp, sau khi “nếm” cái nắng như đổ lửa, bất giác bắt gặp mấy đứa nhỏ người Mông da đen nhẻm, đầu trần, chân đất dắt nhau lội bộ đến trường ở xã Ea Đah (huyện Krông Năng) mà thương đến chạnh lòng. Lần khác, theo đoàn y, bác sĩ trong hội thầy thuốc trẻ của tỉnh về khám bệnh, phát thuốc cho đồng bào ở một xã vùng sâu, trời vừa hừng sáng, đoàn đến nơi đã thấy khá nhiều gương mặt chờ sẵn từ lâu, có cả những em nhỏ xúng xính trong bộ quần áo mới chờ đến lượt mình khám… khiến các thầy thuốc ai cũng cảm động.

Mỗi một nơi tôi đặt chân đến là một hoàn cảnh, là đoạn đường đã lún, là đoạn suối đang cần được bắc cầu…

Cũng có chuyến đi khá thuận lợi để tìm gặp người cần gặp, đến nơi mình cần đến, nhưng cũng có những hành trình gian nan trên những cung đường chênh vênh đất sỏi, dốc dựng đứng. Làm sao mà quên được trong chuyến hành trình về buôn xa, chiều đến, bất chợt gặp ngay cơn mưa xối xả, đường đất lầy lội, xe, người ngã nhào, nằm chỏng vó trên dốc “ba tầng” ở Buôn Ya Wầm (huyện Cư M’gar). Hay hôm đi viết bài về tình trạng dân di cư tự do ở xã Ea Kiết cũng ở huyện này. Khi ấy, trục đường chính để vào đây chỉ là lối mòn chênh vênh bên sườn dốc, có nhiều đọan đang thi công dang dở, rất dễ bị sạt lún. Dù được dặn dò kỹ phải tranh thủ ra sớm, nếu ra muộn mà gặp mưa thì coi như không có đường về! Quả không sai, trời chiều đang nắng đẹp bỗng đổ mưa to, đường biến thành suối chảy, tôi cảm nhận chiếc xe máy mình đang đi nhanh chóng trôi theo dòng nước, may thay có mấy người dân đi làm đồng gần đó đã kéo xe lên giúp tôi ra tận quãng đường an toàn rồi họ mới quay về.

Các nhà báo tác nghiệp tại Lễ hội đua voi và đua thuyền tổ chức ở huyện Lắk năm 2017.   Ảnh: G. Nam
Các nhà báo tác nghiệp tại Lễ hội đua voi và đua thuyền tổ chức ở huyện Lắk năm 2017. Ảnh: G. Nam

Nếu như khi bắt đầu một chuyến đi để đến những xã vùng khó là cái hồi hộp về giao thông cách trở, là nhân vật muốn gặp, là đề tài muốn viết không biết có thực hiện được không thì cái cảm giác ngày trở lại nơi này để được gặp những người đã từng giúp mình hoàn thành tác phẩm cũng làm tôi háo hức. Những con người chỉ gặp một, hai lần đã trở thành thân quen, một tiếng gọi bác hay là anh, chị… đã hoá thành người “bà con” thân thuộc với mình để rồi “neo” lại thành kỷ niệm khó quên trong đời.

Nghề báo, đi cũng là để “thu vào tầm mắt” cái mênh mông của ruộng lúa chín vàng đẹp như trải thảm chẳng khác gì đồng bằng Bắc Bộ ngay giữa lòng Tây Nguyên xanh tươi như ở cánh đồng buôn Triết (huyện Lắk); là một đêm lắng nghe điệu Ayray của chàng trai, cô gái Êđê dập dìu bên ánh lửa hồng ở buôn Kon H’ring (huyện Cư M’gar); đi để biết được đường vào huyện biên giới Ea Súp mùa này có những vạt cỏ đuôi chồn vàng đã cao quá ngang người chạy dài như những lớp sóng, cứ hồn nhiên sinh sôi trong mùa mưa mà chẳng cần ai để ý. Trước cung đường bụi mịt mù, cái màu cỏ ấy làm quãng đường xa bớt đi buồn tẻ. Đi để thấy nơi mà mình đang gắn bó đáng yêu và trân trọng đến nhường nào!

Phóng viên  Báo Đắk Lắk  làm việc  tại tòa soạn.    Ảnh: N. Hoa
Phóng viên Báo Đắk Lắk làm việc tại tòa soạn. Ảnh: N. Hoa

Nghề báo, mỗi một ngày thức giấc là một điều mới đang hé mở, nơi xa ấy, nhiều cảm xúc đang còn ngái ngủ, chờ được đánh thức. Chúng tôi laị lên đường, cóp nhặt những câu chuyện, những cách làm kinh tế hay, chia sẻ với những số phận bất hạnh, tán dương những cô cậu học trò vùng xa vượt khó thành tài…

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.