Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ Tư HĐND tỉnh khóa IX

Chấn chỉnh lại hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh

15:49, 13/07/2017

Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ Tư HĐND tỉnh khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021, sáng 13-7 dưới sự chủ trì của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Y Biêr Niê, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, các đại biểu đã tiến hành phiên giám sát chuyên đề về tình hình chấp hành pháp luật trong công tác quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Y Biêr Niê chủ trì phiên làm việc. Ảnh: Hoàng Gia
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Y Biêr Niê chủ trì phiên làm việc. Ảnh: Hoàng Gia

Theo báo cáo giám sát của HĐND tỉnh, thời gian qua công tác quản lý, khai thác khoáng sản đã được UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện, đạt được một số kết quả nhất định, cơ bản đã đáp ứng đủ và kịp thời nguyên liệu cát, đá xây dựng... cho ngành công nghiệp xây dựng. Giá trị sản xuất công nghiệp khai khoáng ngày càng tăng; với hơn 50 tổ chức hoạt động khoáng sản đã giải quyết việc làm cho gần 1.000 lao động, thu nhập bình quân 40-50 triệu đồng/người/năm, góp phần nâng cao đời sống của người dân trong khu vực.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại cần có biện pháp khắc phục: thất thu ngân sách trong lĩnh vực khoáng sản cao; công tác quy hoạch, quản lý khoáng sản chậm được triển khai; công tác quản lý khai thác khoáng sản chưa chặt chẽ, còn nhiều thiếu sót; quản lý hoạt động các doanh nghiệp về khai thác khoáng sản còn bất cập; quản lý môi trường trong khai thác khoáng sản chưa được coi trọng; đóng góp của doanh nghiệp có khai thác khoáng sản còn hạn chế; sự phối hợp giữa các ngành, các cấp chưa chặt chẽ dẫn đến hiệu quả quản lý chưa cao...

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn phát biểu tại phiên giám sát. Ảnh: Hoàng Gia
Đại biểu Phạm Minh Tấn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy phát biểu tại phiên giám sát. Ảnh: Hoàng Gia

Tại phiên giám sát, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến, thảo luận về báo cáo giám sát của HĐND tỉnh cũng như giải trình của UBND tỉnh về tình hình chấp hành pháp luật trong công tác quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Đại biểu Phạm Minh Tấn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị trong thời gian tới, UBND tỉnh cần kiên quyết xử lý, tránh thất thoát trong thu thuế về hoạt động khai thác khoáng sản; đồng thời trực tiếp điều hành, phân cấp quản lý; giao trách nhiệm cho người đứng đầu địa phương để lập lại trật tự khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh...

Đại biểu Bùi Văn Bang (tổ đại biểu huyện Krông Bông) đề nghị nên xem xét lại việc ký quỹ bảo vệ môi trường bởi mức độ ảnh hưởng của việc khai thác khoáng sản rất lớn; cùng với giao trách nhiệm cũng cần phải giao quyền xử lý cho người đứng đầu, có như vậy mới đem lại hiệu quả...

Về nguyên nhân của thực trạng khai thác khoáng sản hiện nay, đại biểu Đinh Xuân Hà, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần bổ sung nguyên nhân về phía các doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân không tuân thủ các quy phạm pháp luật về hoạt động khai thác khoáng sản; mặt khác việc quản lý chưa tốt còn do sự phối hợp giữa các ngành, do vậy nên có quy chế phối hợp, kê khai nộp thuế đối với doanh nghiệp và cá nhân khai thác khoáng sản.

Đại biểu Đinh Xuân Hà, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư phát biểu đóng góp ý kiến. Ảnh: Hoàng Gia
Đại biểu Đinh Xuân Hà, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu đóng góp ý kiến. Ảnh: Hoàng Gia

Góp ý về thời hạn cấp phép cho các doanh nghiệp, đơn vị khai thác khoáng sản, đại biểu Lê Đình Hiền (tổ đại biểu TP. Buôn Ma Thuột) đề nghị có quy định riêng cho từng loại khoáng sản; đối với những loại có mức đầu tư cao thì nên cấp thời hạn dài, đối với những loại khoáng có mức đầu tư thấp thì cấp trong thời hạn ngắn. Bên cạnh đó, công suất khai thác khoáng sản tùy theo thời điểm, phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường nên đề nghị xem xét, có thể lấy công suất khai thác bình quân 3 năm (bởi có năm khai thác ít, có năm khai thác nhiều); đồng thời nên lập đơn giá xây dựng sát với thực tế, tương đồng với các tỉnh thành khác...

Đại biểu Nguyễn Thiên Văn (tổ đại biểu huyện Krông Pắc) cho rằng việc lập lại trật tự khai thác khoáng sản là vấn đề không dễ để thực hiện trong ngày một ngày hai mà cần có một quá trình với sự phối hợp từ nhiều phía, từ các cơ quan quản lý nhà nước theo ngành, theo địa bàn. Thực tế thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước về khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh khá buông lỏng; công tác thanh tra, kiểm tra xử lý không nghiêm. Đại biểu cũng đề nghị UBND tỉnh sớm tổ chức việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản; khi cấp phép đã xác định rõ về quy mô, ranh giới của mỏ, đơn vị khai thác phải chịu trách nhiệm trước nhà nước về mọi hoạt động trong vòng được cấp phép, nếu để xảy ra việc khai thác lậu, khai thác làm ảnh hưởng đến môi trường phải chịu trách nhiệm, nhẹ thì xử phạt, nặng thì rút giấy phép...
 
Một số ý kiến cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo rà soát, đánh giá cụ thể trữ lượng của các mỏ đã được cấp phép theo từng loại khoáng sản cũng như đánh giá tác động, ảnh hưởng tới môi trường, an sinh xã hội của hoạt động khai thác khoáng sản; có quy chế phối hợp quản lý cát, sỏi giữa các địa phương ở khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh, hai huyện để phối hợp quản lý và xử lý...
 
Trên cơ sở báo cáo giám sát, giải trình của UBND tỉnh và ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự Kỳ họp, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết kết quả giám sát chuyên đề về tình hình chấp hành pháp luật trong công tác quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
 
Lan Anh
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.