Kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập ASEAN (8-8-1967 – 8-8-2017)
ASEAN: Nửa thế kỷ "vàng"
Ngày 8-8-1967, Hiệp hội các nước Đông Nam Á (viết tắt theo tiếng Anh là ASEAN) đã được thành lập tại Bangkok (Thái Lan) với sự tham gia của 5 nước: Indonesia, Malaysia, Philipines, Singapore và Thái Lan.
Trong thời kỳ mới thành lập, ASEAN đã có hai văn kiện quan trọng: “Tuyên bố Bangkok” (8-1967), xác định mục tiêu của ASEAN là phát triển kinh tế và văn hóa thông qua những nỗ lực hợp tác chung giữa các nước thành viên, trên tinh thần duy trì hòa bình và ổn định khu vực; “Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á” (gọi tắt là Hiệp ước Bali, được ký tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ nhất tại Bali, Indonesia vào ngày 24-2-1976) quy định những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các nước thành viên, như: Tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, toàn vẹn lãnh thổ của nhau và bản sắc dân tộc của tất cả các quốc gia; quyền của mỗi quốc gia tồn tại theo cách riêng của mình, không bị can thiệp, lật đổ và gây sức ép từ bên ngoài; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; giải quyết bất đồng và tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; không đe dọa hay sử dụng vũ lực; hợp tác có hiệu quả giữa các nước.
Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 50 năm ngày thành lập ASEAN tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN |
Năm 1984, sau khi giành được độc lập, Brunei đã tham gia và trở thành thành viên thứ 6 của ASEAN. Tháng 7-1992, Việt Nam và Lào chính thức tham gia Hiệp ước Bali, đây là bước đi đầu tiên tạo cơ sở để Việt Nam hòa nhập vào các hoạt động của khu vực Đông Nam Á. Tiếp đó, vào ngày 28-7-1995, Việt Nam chính thức gia nhập và trở thành thành viên thứ 7 của ASEAN. Tháng 9-1997, Lào và Myanmar gia nhập ASEAN. Tháng 4-1999, Campuchia được kết nạp vào tổ chức này. Như thế, ASEAN từ 5 nước thành viên đã phát triển thành 10 nước thành viên. Với 10 nước thành viên, ASEAN trở thành một tổ chức khu vực ngày càng có uy tín với những hợp tác kinh tế (AFTA, 1992) và hợp tác an ninh (Diễn đàn khu vực ARF, 1994). Nhiều nước ngoài khu vực đã tham gia hai tổ chức trên như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Ấn Độ… Đây là thời kỳ mở ra một chương mới trong lịch sử khu vực Đông Nam Á.
Tháng 10-2003, tại Hội nghị Bali, các nhà lãnh đạo ASEAN đưa ra tuyên bố về việc thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). AEC sẽ cùng với Cộng đồng an ninh - chính trị ASEAN (APSC) và Cộng đồng văn hóa - xã hội ASEAN (ASCC) là ba trụ cột tạo nên Cộng đồng ASEAN. Tháng 11-2007, Hiến chương ASEAN được ký tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 13. Hiến chương ra đời, tạo tư cách pháp nhân cho ASEAN là một tổ chức hợp tác khu vực; đồng thời cũng tạo cơ sở pháp lý và khuôn khổ thể chế để gia tăng liên kết và hợp tác ASEAN, giúp xây dựng ASEAN trở thành một tổ chức gắn kết hơn và hoạt động hiệu quả hơn. Ngày 31-12-2015, Cộng đồng ASEAN chính thức thành lập. Đây là dấu mốc lịch sử của tiến trình liên kết ASEAN có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Hiệp hội và khu vực cùng như từng nước thành viên…
Năm 2016 là một năm thành công trong quan hệ đối ngoại của ASEAN. Sự ra đời của Cộng đồng ASEAN đã nâng cao vị thế và giá trị chiến lược của ASEAN, ngày càng thu hút sự quan tâm, tham gia của các đối tác bên ngoài vì mục tiêu chung là hòa bình, ổn định và phát triển. Các hội nghị cấp cao, đặc biệt với Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc trong năm 2016 là những minh chứng rõ nét cho thấy sự coi trọng, ủng hộ của các đối tác dành cho ASEAN. Đến nay, có 86 đối tác cử Đại sứ tại ASEAN; 9/11 đối tác đối thoại đã lập phái đoàn riêng tại ASEAN và 50 ủy ban ASEAN tại các nước thứ ba. Nhiều nước và tổ chức quốc tế ở châu Á, châu Âu và Mỹ Latin tiếp tục mong muốn lập quan hệ đối tác với ASEAN. Trong năm 2016, ASEAN đã ký văn kiện mở rộng để Chile, Ai Cập, Morocco gia nhập Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), nâng tổng số thành viên Hiệp ước lên 35; trao quy chế đối thoại theo lĩnh vực cho Thụy Sĩ và đối tác phát triển cho Đức; tiếp tục thúc đẩy quan hệ tham vấn và hợp tác với các tổ chức khu vực như Liên minh Thái Bình Dương (AP), Tổ chức Hợp tác kinh tế (ECO) và Hội đồng Hợp tác các quốc gia vùng Vịnh (GCC).
Năm 2017, ASEAN bước vào năm thứ 2 của Cộng đồng và kỷ niệm tròn 50 năm thành lập (1967-2017) trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường với những cơ hội và thách thức đan xen. Tiếp đà thành công đã đạt được, ASEAN tiếp tục quyết tâm thúc đẩy liên kết Cộng đồng toàn diện và thực chất, nâng cao giá trị và sức sống của ASEAN, mang lại lợi ích thiết thực, rõ ràng cho khu vực, các nước thành viên và 626 triệu người dân khu vực. Với vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2017, Philippines đã thông báo chủ đề hợp tác ASEAN năm 2017 là “Chung tay tạo đổi thay, kết nối với toàn cầu” và đề xuất 6 định hướng ưu tiên, gồm: Xây dựng ASEAN hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm; thúc đẩy hòa bình, ổn định ở khu vực; tăng cường an ninh và hợp tác hàng hải; thúc đẩy tăng trưởng bao trùm và dựa trên sáng tạo; nâng cao năng lực tự cường của ASEAN; đưa ASEAN trở thành hình mẫu hợp tác khu vực và thúc đẩy vai trò toàn cầu của ASEAN. Tại Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tháng 2-1017 tổ chức tại Boracay (Philippines), các nước đã bàn bạc cụ thể các ưu tiên để định hình ý tưởng và phương hướng cho hợp tác và liên kết của ASEAN trong cả năm 2017…
Sự tham gia tích cực và những đóng góp thiết thực của Việt Nam trong tiến trình phát triển của ASEAN 22 năm qua đã được các nước trong và ngoài Hiệp hội ghi nhận và đánh giá cao. Trong thời gian tới, Việt Nam và các nước bạn trong Hiệp hội tiếp tục chủ động, tích cực thúc đẩy hợp tác, cùng nhau vững bước tiến tới một Cộng đồng ASEAN năng động, tự cường, vì lợi ích của nhân dân các nước ASEAN, vì hòa bình, ổn định, phát triển và phồn vinh của khu vực…
Nguyễn Viết Chính
Ý kiến bạn đọc