Việt Nam trước cơ hội và thách thức từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang diễn ra mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu, xóa nhòa khoảng cách giữa thế giới thực với thế giới ảo thông qua những công nghệ tiên tiến, đổi mới, sáng tạo không ngừng.
Cuộc CMCN 4.0 dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp cao độ của hệ thống kết nối số hóa – vật lý – sinh học với sự đột phá của Internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo, làm thay đổi căn bản nền sản xuất của thế giới, dẫn tới việc thay đổi phương thức sản xuất và lực lượng sản xuất của xã hội.
Cuộc CMCN 4.0 diễn ra bằng những đột phá khoa học vào thế giới vi mô và khám phá ra những quy luật mới của thế giới, hình thành những công nghệ mới như công nghệ na-nô, in 3D, công nghệ sinh học phân tử, công nghệ di truyền, công nghệ của trí tuệ nhân tạo, Internet của vạn vật, tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng, có giá trị cao và có thể thay thế con người trong nhiều lĩnh vực hoạt động như robot phục vụ, các loại xe ôtô tự lái, kỹ thuật phẫu thuật từ xa…
Cuộc CMCN 4.0 sẽ tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất tạo ra năng suất, chất lượng sản phẩm ngày càng cao, có sức cạnh tranh tốt nhất trong bối cảnh toàn cầu hóa, đáp ứng nhu cầu vật chất, tinh thần, tiện ích trong cuộc sống của con người và an ninh quốc phòng của đất nước. Cuộc CMCN 4.0 sẽ tác động to lớn đến kinh tế - xã hội và môi trường ở tất cả các cấp độ: toàn cầu, khu vực và từng quốc gia, thật sự là cơ hội vàng để phát triển nhanh đất nước, là thời cơ thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước tiên tiến trên thế giới.
Không thể đứng ngoài xu thế vận động chung đó của thế giới, Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức to lớn từ cuộc CMCN 4.0. Các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây được xem là cơ hội thúc đẩy tăng trưởng và tạo thêm công ăn việc làm, nhưng trong cuộc CMCN 4.0, sự chuyển đổi toàn cầu sang tự động hóa sẽ triệt tiêu lao động giản đơn, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp và thủ công, dẫn tới thất nghiệp tăng cao và bất ổn xã hội.
Cuộc CMCN 4.0 đòi hỏi phải có nguồn nhân lực chất lượng cao đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng và hợp lý về cơ cấu. Cuộc CMCN 4.0 gắn chặt với năng lực trí tuệ. Thách thức lớn nhất là muốn ứng dụng được công nghệ 4.0, người lao động phải có trí tuệ thì mới tham gia vào quá trình sản xuất. Những yếu kém về mặt quản lý và quản trị nhà nước cũng là một trở ngại lớn đối với nước ta. Đổi mới mô hình quản lý, tăng cường năng lực quản trị, tính chủ động của các doanh nghiệp là một trong những mục tiêu mà chúng ta phải nhanh chóng hướng tới.
Một vấn đề đáng quan tâm khác là, nếu chỉ tập trung nhấn mạnh vào Internet vạn vật mà quên một thực tế là nước ta đang trong thời kỳ công nghiệp hóa thì đó là một thách thức vô cùng lớn.
Cuộc CMCN 4.0 đang ở trong giai đoạn khởi phát, Việt Nam cần tranh thủ đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa sớm đạt mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. |
Để bảo đảm thành công cho cuộc CMCN 4.0, có nhiều việc phải làm, cả trước mắt và lâu dài. Trước hết, cần tập trung đầu tư cho phát triển nhanh nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực khoa học công nghệ trình độ cao, nhất là những ngành mũi nhọn, trực tiếp tác động vào những nội dung của cuộc CMCN 4.0. Khoa học công nghệ tiên tiến phải trở thành lực lượng sản xuất chủ yếu và trực tiếp. Tạo dựng thị trường khoa học công nghệ hoàn chỉnh để các sản phẩm của cuộc CMCN 4.0 được mua bán theo cơ chế thị trường, vừa khuyến khích làm ra sản phẩm khoa học công nghệ mới, vừa thúc đẩy sử dụng các sản phẩm khoa học công nghệ tiên tiến. Hệ thống quy định pháp lý về quyền sở hữu trí tuệ cần được hoàn thiện phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo đảm cho thị trường khoa học công nghệ nước ta phát triển lành mạnh, phát huy tốt những thành tựu của cuộc CMCN 4.0.
Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là giáo dục đại học chất lượng cao nhằm đào tạo nhân lực trình độ cao, chuyên gia đầu đàn trong các ngành khoa học và công nghệ mũi nhọn. Ngành giáo dục và đào tạo hơn lúc nào hết cần đổi mới mạnh mẽ và toàn diện nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy và học tập, tạo tiền đề quan trọng nhất cho quá trình hội nhập vào nền văn minh hiện đại của thế giới.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng: Việt Nam cần xây dựng chiến lược số chuyển đổi phù hợp, có chính sách quản trị thông minh với việc có thể chế hiện đại, chính quyền hiệu quả, công khai, minh bạch; xây dựng hạ tầng kết nối số và an ninh mạng, tạo nguồn nhân lực số, xây dựng công nghiệp công nghệ số, nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, đô thị thông minh, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp bảo đảm cuộc CMCN 4.0 thành công, và mọi người được thụ hưởng những lợi ích vô cùng to lớn mà cuộc cách mạng đó đem lại.
Nguyễn Xuyến
Ý kiến bạn đọc