Multimedia Đọc Báo in

Điểm sáng về phát triển đảng viên người dân tộc thiểu số ở xã Krông Na

08:39, 24/08/2018
Với phương châm “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, thời gian qua, Đảng bộ xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong công tác phát triển đảng viên, nhất là đảng viên người dân tộc thiểu số (DTTS).
 
Với đặc thù là xã biên giới, có vị trí trọng yếu về an ninh, quốc phòng, gần 78% dân số là người DTTS, trình độ dân trí thấp, kinh tế chậm phát triển nên những năm trước đây xã gặp không ít khó khăn trong công tác phát triển đảng viên. Từ thực tế trên, Đảng ủy xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, đồng thời, triển khai các phong trào thi đua nhằm phát hiện những nhân tố tích cực, ưu tú, có lập trường tư tưởng vững vàng để rèn luyện, bồi dưỡng.
 
Đồng chí Đặng Văn Hà, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã cho biết, lực lượng đảng viên người DTTS trên địa bàn xã đều là những hạt nhân nòng cốt ở cơ sở, đi đầu trong sản xuất, kinh doanh. Họ đã vận động người dân tổ chức lại sản xuất, cải tạo vườn tạp, đất trống, đồi núi trọc để tăng diện tích cây trồng, góp phần củng cố và giữ vững lòng tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
 
Phó Bí thư Chi bộ buôn Đôn Y Mung Kdoh (bìa phải) trao đổi với người dân về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế.
Phó Bí thư Chi bộ buôn Đôn Y Mung Kdoh (bìa phải) trao đổi với người dân về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế.
Đơn cử như anh Y Dương Byă, ở buôn Ea Mar. Không chỉ là đảng viên gương mẫu, nhiệt tình trong các phong trào, hoạt động ở địa phương, anh còn được nhiều người biết đến là người chồng, người cha mẫu mực trong gia đình và là một thanh niên nhanh nhạy trong phát triển kinh tế. Gia đình anh Y Dương hiện có 1 ha trồng sắn, 7 sào lúa nước. Ngoài ra, anh còn nuôi thêm heo, gà… bình quân mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng. Từ việc phát triển kinh tế gia đình hiệu quả, anh đã tích cực vận động, hướng dẫn người dân cách sản xuất để phát triển kinh tế bằng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt. Anh Y Dương chia sẻ: “Ngày được kết nạp vào Đảng là bước ngoặt lớn trong cuộc đời của tôi và cũng là động lực thôi thúc tôi không ngừng phấn đấu. Với trách nhiệm của người đảng viên trẻ, tôi nhận thấy mình phải luôn sống giản dị, nâng cao bản lĩnh chính trị và tích cực, sáng tạo trong các phong trào để người dân học tập, làm theo”.
 
Thực tế cho thấy, việc chú trọng phát triển đảng viên là người DTTS không chỉ góp phần củng cố, xây dựng, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng tại địa phương mà còn trở thành cầu nối giúp việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân được dễ dàng hơn. Điển hình như Chi bộ buôn Đôn có 14 đảng viên, trong đó 12 đảng viên là người DTTS, những năm gần đây, bộ mặt buôn làng đã có những đổi thay, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Chia sẻ kinh nghiệm về phát triển đảng viên ở địa phương mình, Bí thư Chi bộ buôn Đôn H’Đanê Byă cho hay, buôn có 153 hộ/489 nhân khẩu sinh sống chủ yếu bằng trồng trọt và chăn nuôi. Thời gian qua, các đảng viên trong chi bộ luôn gương mẫu, thường xuyên gần gũi vận động người dân tích cực bảo vệ, quản lý rừng, phát triển kinh tế và bài trừ các hủ tục lạc hậu. Qua đó, kịp thời phát hiện, bồi dưỡng những quần chúng ưu tú giới thiệu cho Đảng, trong đó đặc biệt quan tâm đến đối tượng đoàn viên thanh niên.
 
Nhờ nắm bắt kịp thời tình hình ở cơ sở, những năm gần đây, công tác phát triển Đảng của địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực, hàng năm kết nạp đảng viên mới đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, nâng tổng số đảng viên trong toàn Đảng bộ lên 188 đồng chí, tham gia sinh hoạt ở 14 chi bộ trực thuộc, trong đó đảng viên người DTTS chiếm 55%.
 
Phát huy những kết quả đã đạt được, theo đồng chí Đặng Văn Hà, thời gian tới, Đảng ủy xã sẽ tiếp tục chỉ đạo chính quyền và các đoàn thể đẩy mạnh việc xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy vai trò của già làng, trưởng buôn, người có uy tín trong công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên mới.
Trung bình mỗi năm, xã Krông Na kết nạp mới từ 10 - 12 đảng viên, đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
 
Như Quỳnh
 
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.