Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Búk thực hiện tốt các chính sách dân tộc

08:51, 03/01/2019

Những năm gần đây, huyện Krông Búk đã tập trung triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn.

Xã Cư Pơng có 2.662 hộ dân, trong đó 1.755 hộ đồng bào DTTS. Những năm qua xã đã tích cực phối hợp với Phòng Dân tộc huyện triển khai đầy đủ và kịp thời các chính sách đối với đồng bào DTTS theo quy định. Theo đó, đã có hàng trăm hộ được hỗ trợ vay vốn ưu đãi, được hỗ trợ vật nuôi, giống cây trồng để phát triển sản xuất. Riêng năm 2018, toàn xã có 12 hộ nghèo và cận nghèo DTTS được hỗ trợ bò theo Chương trình 135 với tổng trị giá 152 triệu đồng (mỗi hộ được hỗ trợ 1 con bò giống); có 554 hộ được hỗ trợ giống cây trồng như sầu riêng DONA, bơ booth, mít Thái, điều, ngô, gà và muối I-ốt với tổng trị giá trên 206 tỉ đồng...

Theo ông Trần Thành, Chủ tịch UBND xã Cư Pơng, nhờ thực hiện tốt các chính sách dân tộc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện. Toàn xã hiện chỉ còn 426 hộ nghèo (chiếm 16%), giảm 343 hộ so với năm 2016. Nhiều gia đình người DTTS đã có điều kiện vươn lên thoát nghèo. Anh Rcăm Din (SN 1984) ở buôn Ea Liăng cho hay: Trước đây, gia đình anh thuộc diện nghèo, quanh năm sống trong căn lều tranh rách nát mà không có tiền tu sửa. Năm 2016, được Nhà nước hỗ trợ 12 triệu đồng theo Chương trình 167, anh vay thêm 8 triệu đồng của Ngân hàng NN-PTNT và được bà con lối xóm ủng hộ ngày công lao động xây căn nhà cấp 4. Có nhà mới ổn định chỗ ở, hai vợ chồng yên tâm lao động nuôi hai con ăn học. Năm 2018, gia đình anh đã trả hết nợ ngân hàng, vươn lên thoát nghèo...

Anh Rcăm Din ở buôn Ea Liăng, xã Cư Pơng (bên trái) đang tiếp khách trong ngôi nhà mới.
Anh Rcăm Din ở buôn Ea Liăng, xã Cư Pơng (bên trái) đang tiếp khách trong ngôi nhà mới.

Huyện Krông Búk có 15 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó, đồng bào DTTS chiếm 38%, cư trú tập trung tại các xã Cư Né, Cư Pơng, Ea Sin, Pơng Drang… Theo ông Y Tuyên Niê, Phó trưởng Phòng Dân tộc huyện, những năm gần đây huyện đã triển khai thực hiện khoảng 20 chương trình, chính sách dân tộc do Trung ương và tỉnh ban hành. Điển hình như Chương trình 135, Chương trình 167, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ DTTS thuộc diện nghèo, hỗ trợ các hộ DTTS thiếu đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt. Ngoài ra, huyện cũng lồng ghép các chương trình, chính sách dân tộc với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững… Các chương trình được thực hiện đồng bộ đã góp phần cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các DTTS trên địa bàn.

Chị H’Rưng Mlô ở thôn 1, xã Tân Lập (bên trái) đang chăm sóc cặp bò giống mới được Nhà nước hỗ trợ.
Chị H’Rưng Mlô ở thôn 1, xã Tân Lập (bên trái) đang chăm sóc cặp bò giống mới được Nhà nước hỗ trợ.
 

Các chương trình, chính sách dân tộc đã góp phần giúp huyện Krông Búk thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả khả quan. Đến nay toàn huyện đã thực hiện được 113/133 tiêu chí (bình quân 16 tiêu chí/xã, tăng 16 tiêu chí so với năm 2017); tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,2% so với năm ngoái (trong đó, hộ nghèo DTTS giảm 6,2%)".

 

 
Ông Y Tuyên Niê, Phó trưởng Phòng Dân tộc huyện Krông Búk

Bên cạnh đó, UBND huyện còn chỉ đạo các phòng chức năng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đến người dân, góp phần giúp đồng bào DTTS có điều kiện nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, làm thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn, đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo. Những cách làm đồng bộ đã giúp các địa phương chủ động phát triển các loại cây trồng, vật nuôi mũi nhọn như: tái canh cà phê ở các xã Cư Pơng, Pơng Drang, Ea Ngai; phong trào trồng sầu riêng, bơ, mít Thái xen canh ở xã Pơng Drang, Tân Lập, Chư Kbô…

Ngoài ra, từ nguồn vốn đầu tư của Trung ương, năm 2018 huyện đã phân bổ 3,831 tỷ đồng về các xã vùng đồng bào DTTS để đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn. Qua đó, các công trình hạ tầng thiết yếu được xây dựng như: đường giao thông, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt, nhà văn hóa…, tạo tiền đề quan trọng để nâng cao khả năng tiếp cận của người dân đối với các dịch vụ xã hội; góp phần xóa đói giảm nghèo, thay đổi bộ mặt đời sống kinh tế - xã hội địa phương.

Có thể thấy, các chính sách dân tộc được triển khai ở Krông Búk khá toàn diện trên các lĩnh vực. Hiện 100% các xã của huyện đã có đường rải nhựa hoặc bê tông đến trung tâm xã; các công trình thủy lợi được kiên cố hóa bê tông đã cơ bản đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất; 85% hộ dân của huyện được sử dụng điện quốc gia, 72% số hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 7/7 xã đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; mạng lưới y tế từ huyện đến xã thường xuyên được củng cố, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân.

Lê Thành

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.