Multimedia Đọc Báo in

Dấu ấn "Năm dân vận chính quyền"

08:52, 05/02/2019

Thực hiện “Năm dân vận chính quyền”, thời gian qua, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng “gần dân, trọng dân, sát dân”, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội.

Đột phá trong cải cách hành chính

Một trong những chuyển biến rõ nét nhất của “Năm dân vận chính quyền” ở tỉnh ta đó là các cơ quan, đơn vị đã đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), đáp ứng nhu cầu giải quyết công việc của các cá nhân và doanh nghiệp. Thay vì phải đến UBND xã để làm các thủ tục giấy tờ, giờ đây chỉ với chiếc máy tính kết nối mạng Internet tại nhà, anh Nguyễn Văn Đức ở thôn An Phú, xã Ea Drơng (huyện Cư M’gar) vẫn hoàn thành việc đăng ký giấy khai sinh cho con thông qua Dịch vụ hành chính công trực tuyến tích hợp một cửa liên thông mức độ 3. Với quy trình này, anh Đức vừa có thể rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) lại tiết kiệm chi phí vì chỉ cần điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Đặc biệt, khi có kết quả anh Đức sẽ nhận được thông báo qua tin nhắn điện thoại để đến bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của xã nhận hồ sơ. 

Cán bộ Ban Dân vận Huyện ủy Ea H’leo thăm hỏi đời sống người dân xã Ea Ral.
Cán bộ Ban Dân vận Huyện ủy Ea H’leo thăm hỏi đời sống người dân xã Ea Ral.

Không riêng xã Ea Drơng, đến nay hệ thống Dịch vụ hành chính công trực tuyến tích hợp một cửa điện tử liên thông đều được triển khai tại UBND các xã, thị trấn và phòng, ban chuyên môn của huyện Cư M’gar với 334 thủ tục. Trong đó, cấp huyện 240 thủ tục, cấp xã 94 thủ tục. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trước hạn và đúng hạn đạt gần 98%. Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar cho biết, việc triển khai rộng rãi hệ thống Dịch vụ hành chính công trực tuyến tích hợp một cửa liên thông đã phát huy hiệu quả bước đầu, góp phần cụ thể hóa ba tiêu chí của CCHC là giảm thời gian giải quyết, giảm số lượt đi lại của người dân và giảm hồ sơ giấy tờ.

 
“Việc triển khai thực hiện “Năm dân vận chính quyền” đã tạo nền tảng, tiền đề quan trọng để công tác dân vận nói chung và dân vận chính quyền nói riêng ngày càng phát huy hiệu quả, qua đó củng cố niềm tin giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội tại địa phương”.
 
Bà H’Kim Hoa Byă, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy

Còn ở UBND thị trấn Krông Kmar (huyện Krông Bông), để trở thành đơn vị dẫn đầu của huyện về CCHC và quan trọng hơn là nâng cao chỉ số hài lòng của người dân, bên cạnh đầu tư trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin thì việc đổi mới tác phong, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức nhằm tạo tâm lý thoải mái cho người dân khi đến giao dịch tại bộ phận một cửa cũng được chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm. Bà Võ Thị Vân, người dân tổ dân phố 3 chia sẻ: “Trước đây đi làm TTHC tôi thường mất rất nhiều thời gian để bổ sung giấy tờ nhưng bây giờ thấy các bước thủ tục đều được niêm yết rõ ràng, cụ thể, cán bộ nhiệt tình hướng dẫn nên làm rất thuận lợi, nhanh chóng”. 

Tăng cường đối thoại, giải quyết bức xúc từ cơ sở

Xác định công tác tiếp xúc, đối thoại với dân là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu nên hầu hết các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều xây dựng kế hoạch và tổ chức đối thoại với nhân dân 1 - 2 lần mỗi năm. Đến nay, UBND tỉnh đã tổ chức tiếp dân định kỳ và đột xuất 183 cuộc đối thoại với trên 446 lượt người tham gia. Qua các cuộc tiếp xúc, đối thoại, người dân đã nói lên những tâm tư, vướng mắc liên quan trực tiếp đến đời sống hằng ngày. Bên cạnh đó, công tác tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo cũng được quan tâm, không để tồn đọng kéo dài.

Người dân xã Ea Bhốk tham dự buổi đối thoại với lãnh đạo huyện Cư Kuin.
Người dân xã Ea Bhốk tham dự buổi đối thoại với lãnh đạo huyện Cư Kuin.

Điển hình như ở huyện Cư Kuin, sau khi dư luận bức xúc về công tác quản lý, sử dụng đất đai và thực hiện cơ chế giao khoán của các công ty cà phê trên địa bàn, Huyện ủy đã chỉ đạo UBND huyện nắm bắt tình hình, làm việc với đại diện các hộ dân có đơn để lắng nghe, tiếp thu ý kiến, nguyện vọng của người dân nhằm cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan cho các cơ quan chức năng xem xét, làm cơ sở giải quyết vụ việc. Đồng thời, vận động các hộ dân tiếp tục tổ chức sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao trên diện tích nhận giao khoán, bình tĩnh lắng nghe và chờ kết quả của cấp có thẩm quyền, không để xảy ra tình trạng tập trung khiếu kiện đông người gây mất an ninh trật tự địa phương. 

Hay như ở huyện Ea Kar, trước tình trạng cơ sở chăn nuôi heo gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe của hơn 40 hộ dân trên địa bàn xã Ea Đar, UBND huyện đã lập đoàn công tác tiến hành kiểm tra mức độ ô nhiễm ở cơ sở chăn nuôi, xử phạt hành chính, đồng thời yêu cầu chủ cơ sở cam kết thực hiện các biện pháp giảm thiểu mùi hôi, xây dựng kế hoạch di dời trại chăn nuôi để người dân yên tâm sinh sống...

Ông Nguyễn Sinh Chi, Trưởng Phòng Dân vận các cơ quan nhà nước, Ban Dân vận Tỉnh ủy đánh giá, nếu trước đây, công tác dân vận gần như chưa được khối các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh coi trọng, thậm chí xem như là việc của Ban Dân vận, Mặt trận và đoàn thể các cấp thì nay công tác dân vận chính quyền của tỉnh ta đã có nhiều chuyển biến rõ nét, lan tỏa mạnh mẽ trên mọi mặt đời sống xã hội.

Như Quỳnh

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.