Củng cố tổ chức cơ sở đảng ở các xã vùng biên (Kỳ cuối)
09:26, 02/11/2019
[links(left)]
Kỳ cuối: Chú trọng phát triển cả "lượng" và "chất"
Thực tế cho thấy, đưa đảng viên đồn biên phòng về tham gia sinh hoạt tại các chi bộ thôn, buôn xã biên giới là chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn do địa bàn quá rộng, đa dân tộc, đa văn hóa, phong tục tập quán, đường giao thông đi lại chưa thuận tiện; việc tham mưu của một số đảng viên biên phòng cho cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự chủ động… Để thực hiện Quyết định 741 hiệu quả, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị đã có những phương án và kiến nghị đề xuất nhằm phát triển cả “lượng” và “chất”.
Cử cán bộ tham gia các lớp học tiếng Êđê
Đại tá Phạm Hữu Chiến, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho hay, thực hiện Quyết định 741, hằng năm, các đơn vị liên quan đã tổ chức sơ, tổng kết rút kinh nghiệm qua từng đợt, từng giai đoạn để đánh giá lại toàn bộ kết quả, đồng thời đề ra nội dung, biện pháp khắc phục khâu yếu, mặt yếu. Đối với Bộ đội Biên phòng tỉnh, bên cạnh việc lựa chọn cán bộ có năng lực, nói đi đôi với làm, thời gian tới, đơn vị sẽ thường xuyên cử cán bộ tham gia các lớp học tiếng Êđê. Việc đưa những người thông thạo tiếng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ về phụ trách địa phương có đa phần người dân tộc thiểu số sinh sống (như xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) sẽ tạo lợi thế lớn trong bám nắm, triển khai nhiệm vụ.
Ngoài ra, Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng sẽ phối hợp với Huyện ủy hai huyện biên giới tổ chức tập huấn về nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng cho bí thư, phó bí thư chi bộ thôn, buôn và đảng viên biên phòng. Khi được hỗ trợ thông tin, tài liệu, tin rằng các đồng chí sẽ có thêm điều kiện bồi dưỡng năng lực, kinh nghiệm để chỉ đạo, thực hiện các hoạt động địa phương hiệu quả.
Bồi dưỡng, giúp đỡ đảng viên trẻ bộ đội biên phòng
Theo Bí thư Huyện ủy Ea Súp Nguyễn Thiên Văn, thực tế cho thấy, đa phần các đảng viên biên phòng về sinh hoạt tại các chi bộ thôn, buôn đều phát huy năng lực công tác, thể hiện vai trò, trách nhiệm. Tuy nhiên, một số đảng viên, nhất là đảng viên trẻ do thiếu kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn, dẫn đến năng lực còn hạn chế, khiến công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự chủ động. Do đó, cần chú trọng tạo điều kiện cho các đảng viên tham gia tập huấn bồi dưỡng năng lực.
Cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Đắk Ruê chuyện trò cùng con nuôi của Đồn - cháu Phạm Vũ Đình Hiếu. |
Bên cạnh đó, Đảng ủy các xã biên giới cần thường xuyên cung cấp thông tin liên quan nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, các nội dung, kế hoạch cấp trên triển khai để đảng viên biên phòng định hình công việc, qua đó phát huy vai trò tham mưu và thực hiện nhiệm vụ ở chi bộ thôn, buôn. Đảng ủy Đồn Biên phòng cũng cần thường xuyên theo dõi, nắm rõ nội dung, chất lượng các buổi sinh hoạt tại chi bộ thôn buôn để có phương án hỗ trợ, động viên, giúp đảng viên trẻ dần tự tin, phát huy được vai trò hạt nhân cơ sở.
“Thời gian tới, Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh sẽ tham mưu, đề xuất Tỉnh ủy cơ cấu cán bộ bộ đội biên phòng tham gia vào cấp ủy, chính quyền cả ba cấp: xã, huyện, tỉnh. Cụ thể là tham mưu cơ cấu cán bộ tham gia vào Ban Chấp hành Đảng bộ hai huyện Buôn Đôn, Ea Súp; 4 cán bộ tăng cường về xã sẽ tham gia Đảng ủy xã và giữ chức danh phó bí thư đảng ủy các xã biên giới” - Đại tá Phạm Hữu Chiến, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh.
|
Một điều khá thiệt thòi với cán bộ biên phòng tăng cường công tác tại các xã biên giới là không được hưởng phụ cấp trong thực hiện nhiệm vụ, dù họ giữ vai trò lãnh đạo, quản lý địa phương và làm rất tốt công việc trong nhiệm kỳ. Vì vậy, đề nghị cấp trên sẽ sớm có cơ chế phù hợp, tạo điều kiện để cán bộ tăng cường hoàn thành tốt cùng lúc nhiệm vụ của đơn vị và địa phương.
Bố trí thời gian phù hợp cho đảng viên tăng cường về cơ sở
Từ thực tế địa phương, ông Sao Y Me, Bí thư Đảng ủy xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) cho rằng, một trong những vấn đề ảnh hưởng ít nhiều đến thực hiện hiệu quả Quyết định 741 là thời gian làm việc của đảng viên biên phòng. Đảng viên biên phòng phải cùng lúc thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị và địa phương, nên thời gian làm việc giữa hai bên có lúc bị chồng chéo.
Đơn cử như hiện nay, hầu hết chi bộ thôn, buôn trên địa bàn xã Krông Na đều sinh hoạt định kỳ vào ngày 5 hằng tháng, nhưng vì nhiệm vụ ở đơn vị, một số đảng viên tăng cường không tham gia sinh hoạt. Vì thế, nếu Đảng ủy Đồn Biên phòng chủ động bố trí thời gian để tất cả đảng viên đều có thể dự sinh hoạt sẽ nắm rõ hơn tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị và nội dung trọng tâm của chi bộ thôn, buôn.
Bí thư Đảng ủy xã Ia R’vê (huyện Ea Súp) Trần Lệ Thủy cho rằng, do một số “đảng viên 741” về sinh hoạt ở cơ sở phải luân chuyển quá sớm, dẫn đến hiệu quả công tác chưa cao. Do đó, Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh cần nghiên cứu bảo đảm tính ổn định cho các đảng viên tăng cường, ít nhất là phải 3 năm trở lên để họ bám nắm địa bàn chắc hơn, quen và gắn bó với địa phương hơn, từ đó chủ động tham mưu, đề xuất ý kiến sát thực tế hơn. Huyện ủy các huyện biên giới cũng cần có cơ chế khen thưởng đối với chi ủy, chi bộ và đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ theo Quyết định 741 nhằm động viên họ thêm yên tâm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Quỳnh Anh
Ý kiến bạn đọc