Multimedia Đọc Báo in

Sức sống và giá trị thời đại trong tác phẩm của đồng chí Lê Duẩn

12:16, 05/02/2020

Cách đây 90 năm, ngày 3-2-1930 đánh dấu một sự kiện trọng đại, bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc: Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời như ánh sáng mặt trời chiếu rọi, đưa đường chỉ lối cho nhân dân ta vượt qua bao khó khăn thử thách, vững bước tiến lên.

Năm 1970, nhân kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Đảng, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã có bài phát biểu với tiêu đề “Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới”. Đã nửa thế kỷ trôi qua, đọc lại tác phẩm, những vấn đề then chốt được tác giả nêu lên vẫn còn nguyên sức sống, hơi thở và giá trị thời đại.

Mở đầu, đồng chí Lê Duẩn nhấn mạnh giá trị chân lý của học thuyết Mác - Lênin. Hồ Chủ tịch, bằng thiên tài trí tuệ và hoạt động cách mạng phi thường của mình đã kịp thời đáp ứng nhu cầu bức thiết của lịch sử. Vượt qua sự hạn chế trong chủ nghĩa yêu nước của các sĩ phu và các nhà cách mạng có xu hướng tư sản đương thời, Hồ Chủ tịch đã sớm đến với chủ nghĩa Mác - Lênin và đi theo con đường cách mạng vô sản “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Công lao vĩ đại đầu tiên của Hồ Chủ tịch là đã gắn phong trào cách mạng Việt Nam với phong trào công nhân quốc tế, đưa nhân dân Việt Nam đi theo con đường mà chính Người đã trải qua, từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Mác - Lênin. Đó là con đường giải phóng duy nhất mà Cách mạng Tháng Mười Nga đã mở ra cho nhân dân lao động và tất cả các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới.

Đồng chí Lê Duẩn đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm 1980.  (Ảnh tư liệu)
Đồng chí Lê Duẩn đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm 1980. (Ảnh tư liệu)

Tác giả nhấn mạnh những thắng lợi rực rỡ mà nhân dân ta giành được đều bắt nguồn từ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng ta, một đảng tuyệt đối trung thành với lợi ích giai cấp, dân tộc và nhân dân. Mỗi bước đi lên của cách mạng nước ta và của nhân dân ta đều là thắng lợi của chủ nghĩa Mác - Lênin, một học thuyết cách mạng chân chính và nhân văn cao cả, học thuyết vì con người và cho con người, chân lý sáng ngời của thời đại mới mở ra kỷ nguyên tiến bộ và hòa bình. Đó là thắng lợi vĩ đại của sức mạnh đoàn kết chiến đấu vô địch của nhân dân lao động và của cả dân tộc ta trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội.

Tiếp theo, tác phẩm nêu lên những vấn đề về xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc; cụ thể hóa đường lối phát triển kinh tế miền Bắc trong bước đi ban đầu là “ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý dựa trên cơ sở phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ, xây dựng kinh tế trung ương và phát triển kinh tế địa phương”. Vấn đề này đã được Đại hội XII của Đảng tiếp thu, kế thừa và khẳng định: “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật”.

Cuối cùng, đồng chí Lê Duẩn trình bày những vấn đề rất cấp thiết của việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, không ngừng củng cố và xây dựng Đảng ngày càng vững mạnh, tăng cường đoàn kết, nâng cao chất lượng đảng bộ, chi bộ, chất lượng đảng viên, củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với quần chúng, xây dựng, bồi dưỡng và rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng vững mạnh về mọi mặt, củng cố và tăng cường sự đoàn kết nhất trí trong Đảng. Đồng chí nhấn mạnh: “Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong giai đoạn hiện nay, Đảng phải tiếp tục đi sâu nghiên cứu để phát triển, hoàn chỉnh và cụ thể hóa hơn nữa đường lối chính trị của Đảng”…

Trải qua những biến cố chính trị thập niên 90 của thế kỷ XX, những vấn đề then chốt trong công tác xây dựng Đảng đến nay vẫn còn nguyên giá trị, ngày càng được Đảng ta củng cố, tăng cường thông qua các phương thức lãnh đạo như công tác tư tưởng, dân vận, tổ chức, cán bộ, nâng cao năng lực thực tiễn, nêu gương, đặc biệt là thông qua công tác kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên của Đảng.

Nguyễn Thị Vân Lam

Trường Chính trị tỉnh Đắk Lắk

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.