Multimedia Đọc Báo in

Ý nghĩa lớn từ Quỹ Tiết kiệm làm theo lời Bác ở huyện Krông Pắc

09:05, 25/02/2020

Để có kinh phí hỗ trợ, giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, Huyện ủy Krông Pắc đã phát động xây dựng Quỹ Tiết kiệm làm theo lời Bác, vận động 100% đảng viên chung sức đồng lòng, thực hành tiết kiệm, mỗi người "của ít lòng nhiều" góp quỹ, tiếp sức cho người nghèo.

Có thể cảm nhận được niềm vui lớn của 12 hộ dân khi được nhận phần quà nghĩa tình của Huyện ủy Krông Pắc đúng vào dịp kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Cầm trên tay số tiền 10 triệu đồng, ông Y Toi Niê (buôn Jắt A, xã Ea Hiu) cảm kích: “Nhận được quà tặng của Huyện ủy mình mừng lắm, vậy là gia đình có tiền mua thêm cây giống trồng xen canh vào rẫy và sẽ chăm sóc thật tốt, hy vọng vài năm nữa là có thêm thu nhập”.

Còn bà Khănh (buôn Kon H’ring, xã Ea Yiêng) thì chia sẻ: “Tôi sẽ dùng số tiền này để mua thêm gà vịt, phát triển chăn nuôi, bởi đây là mô hình kinh tế phù hợp với khả năng của gia đình”. Được biết, đây là 12 hộ nghèo đầu tiên trên địa bàn huyện được hỗ trợ, trao tặng tiền từ nguồn Quỹ Tiết kiệm làm theo lời Bác của Huyện ủy Krông Pắc.

Bí thư Huyện ủy Krông Pắc Trần Hồng Tiến trao tiền hỗ trợ các gia đình.
Bí thư Huyện ủy Krông Pắc Trần Hồng Tiến trao tiền hỗ trợ các gia đình.
 
“Tuy mới ra đời, kinh phí chưa nhiều, song Quỹ Tiết kiệm làm theo lời Bác có ý nghĩa lớn, bởi qua việc tích cực hưởng ứng cho thấy bản thân từng đảng viên đều ý thức được trách nhiệm tu dưỡng, rèn luyện, thực hành tiết kiệm theo lời Bác từ những việc làm nhỏ, cụ thể nhất, trong khả năng của mỗi người”.
 
Bí thư Huyện ủy Krông Pắc Trần Hồng Tiến

Theo Bí thư Huyện ủy Krông Pắc Trần Hồng Tiến, Quỹ Tiết kiệm làm theo lời Bác ra đời đúng vào dịp kỷ niệm 129 năm Ngày sinh nhật Bác (19-5-1890 – 19-5-2019), khi Ban Thường vụ Huyện ủy họp bàn, thống nhất chủ trương và phát động đến 100% chi bộ, đảng viên trong huyện hưởng ứng. Với ý nghĩa là qua Quỹ Tiết kiệm làm theo lời Bác, giáo dục cán bộ, đảng viên bài học tiết kiệm, tình cảm yêu thương, trách nhiệm sẻ chia, quan tâm đến những mảnh đời cơ nhỡ, không may mắn xung quanh nên Huyện ủy không chủ trương áp đặt, đưa ra mức đóng góp cụ thể mà chỉ dựa trên tinh thần tự giác của mỗi đảng viên. Cùng với việc phát động vận động xây dựng quỹ, Huyện ủy đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của quỹ đến toàn thể cán bộ, đảng viên, tạo sự đồng thuận, sức lan tỏa mạnh mẽ của chương trình.

Ý nghĩa nhân văn sâu sắc của Quỹ Tiết kiệm làm theo lời Bác như mệnh lệnh xuất phát từ con tim mà tất cả các chi bộ, đảng viên không thể đứng ngoài cuộc. Mỗi chi bộ, đảng viên tùy theo đặc điểm, tình hình có những cách làm thiết thực, hiệu quả thực hành tiết kiệm.

Đơn cử như một số đồng chí cán bộ lãnh đạo Huyện ủy mỗi tháng tự nguyện đóng góp hai ngày công tác phí ủng hộ quỹ; các đảng viên tại Chi bộ Văn phòng Huyện ủy thực hành tiết kiệm văn phòng phẩm hay đảng viên của Cơ quan Quân sự huyện tiết kiệm chi phí, bớt định mức ăn hằng ngày để đóng góp; nhiều chi bộ thôn, buôn tổ chức bỏ ống, nuôi heo đất tiết kiệm hằng tháng.

Các hộ gia đình nhận tiền hỗ trợ trong dịp kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Các hộ gia đình nhận tiền hỗ trợ trong dịp kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Kết quả từ khi phát động chương trình, đến nay Quỹ Tiết kiệm làm theo lời Bác đã huy động được hơn 500 triệu đồng. Để nguồn quỹ được quản lý chặt chẽ, minh bạch, Huyện ủy đã thành lập Ban điều hành, quản lý sử dụng quỹ do một đồng chí phó bí thư Huyện ủy làm trưởng ban; đồng thời ban hành quy chế sử dụng, xác định rõ đối tượng thụ hưởng. Theo đó, trước mắt ưu tiên hỗ trợ cho các hộ gia đình nghèo ở các xã vùng 2, vùng 3, sau đó là những đảng viên có hoàn cảnh khó khăn, mức hỗ trợ mỗi trường hợp là 10 triệu đồng. Các chi bộ ở những thôn, buôn có đối tượng được trao kinh phí hỗ trợ chịu trách nhiệm giám sát, theo dõi mục đích, hiệu quả sử dụng vốn của các gia đình.

Đăng Triều

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.