Chương trình hành động cần trở thành cam kết chính trị bắt buộc của người đứng đầu
Vừa qua, Tỉnh ủy Đắk Lắk đã tổ chức thí điểm tuyển chọn Bí thư Huyện ủy Lắk, Bí thư Huyện ủy Buôn Đôn. Từ 9 ứng viên tham gia ứng tuyển, Tỉnh ủy Đắk Lắk đã chọn được 2 người có số điểm cao nhất để bổ nhiệm làm bí thư hai huyện.
Thời gian tới, tỉnh sẽ tổ chức thi tuyển chức danh Giám đốc các Sở Công thương, Tài nguyên và Môi trường và Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Việc tổ chức thi tuyển các chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh một cách khách quan, công khai, minh bạch là cách làm đột phá trong công tác tổ chức cán bộ của tỉnh Đắk Lắk. Có lẽ cũng chưa nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo như Đắk Lắk. Đây là một việc làm mới, có tính chiến lược trong công tác cán bộ của tỉnh, là bước cụ thể hóa những chủ trương lớn của Đảng trong công tác cán bộ đặt ra từ Đại hội XII: có quy chế đánh giá đúng đắn, khách quan đối với cán bộ; đổi mới công tác bầu cử trong Đảng, phương thức tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ… để lựa chọn những người thực sự có đức, có tài giữ các vị trí lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu.
Các ứng viên tham gia tuyển chọn phải trình bày chương trình hành động trước các thành viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Thực tế trên thế giới việc này không mới và với nhiều quốc gia việc trình bày cương lĩnh tranh cử, chương trình hành động còn là một nội dung bắt buộc trong vận động tranh cử. Đây cũng là một căn cứ để đảng cầm quyền giám sát và kiểm soát cam kết của ứng viên sau khi trúng cử và là cơ sở để cử tri lựa chọn và giám sát quá trình thực hiện lời hứa của ứng viên do mình bầu ra trong suốt nhiệm kỳ công tác để đưa ra đánh giá và quyết định có tiếp tục bầu cho ứng viên đó trong lần tái cử sau hay không. Thế nên, với những ứng viên được bầu trực tiếp, việc đưa ra chương trình hành động và thực hiện đúng cam kết quyết định sinh mệnh chính trị của ứng viên đó.
Ứng viên dự tuyển chức danh Bí thư Huyện ủy Buôn Đôn trình bày chương trình hành động trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk. Ảnh: Nguyễn Xuân |
Ở Việt Nam, việc đưa ra chương trình hành động trong những lần tiếp xúc cử tri có thực hiện đối với những ứng viên ứng cử vào các cơ quan dân cử (Quốc hội và HĐND các cấp), còn với những cơ quan khác trong hệ thống chính trị thì không bắt buộc và cũng chưa có quy định cụ thể. Đồng thời, việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo thường ít qua quy trình thi tuyển, cho nên họ không có dịp để thi, tranh biện bằng các cam kết chính trị thông qua chương trình hành động. Do đó, lâu nay ở nước ta, việc thực hiện quyền hạn của những người được bổ nhiệm phụ thuộc vào đạo đức và năng lực chủ quan của họ; việc giám sát, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của họ cũng chung chung, mang tính “định tính”, chưa được “lượng hóa” một cách rõ ràng vì không có chương trình hành động làm căn cứ đánh giá.
Từ thực tế công tác cán bộ nước ta và qua kinh nghiệm thực tiễn thi tuyển các chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt tỉnh Đắk Lắk vừa qua, thiết nghĩ, Đảng ta cần có chủ trương và Nhà nước cần luật hóa thành quy định cụ thể chức danh nào phải công khai chương trình hành động để người lãnh đạo ở vị trí đó có ý thức trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, đồng thời để người dân địa phương biết và giám sát công việc mà lãnh đạo địa phương, đơn vị mình đã, đang thực hiện có đúng cam kết không. Đó còn là cơ sở để đánh giá vào cuối nhiệm kỳ, đồng thời là cơ sở để Đảng, Nhà nước và nhân dân quyết định có chọn người đó tiếp tục lãnh đạo địa phương, đơn vị đó hoặc bầu, bổ nhiệm vào vị trí cao hơn hay không.
Trước mắt, xin đề xuất: đối với các chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt (Bí thư, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND) cấp tỉnh, huyện, xã phải trình bày chương trình hành động trước cấp ủy cùng cấp và công khai cho nhân dân địa phương biết. Đến giữa nhiệm kỳ thì sơ kết, đánh giá, cuối nhiệm kỳ thì tổng kết, kiểm điểm xem mức độ thực hiện cam kết như thế nào. Nếu chưa hết nhiệm kỳ mà được luân chuyển, bổ nhiệm vào vị trí khác thì cũng phải kiểm điểm xem mức độ thực hiện cam kết, nếu được đánh giá tốt thì mới bổ nhiệm vào vị trí cao hơn; ngược lại, nếu vi phạm thì phải kiểm điểm, kỷ luật hoặc cách chức. Làm được như vậy mới đảm bảo khách quan hóa, tránh được những hạn chế cố hữu bấy lâu nay, góp phần nâng cao chất lượng công tác cán bộ, đánh giá đúng cán bộ và tạo sự tin tưởng, đồng thuận trong nhân dân.
TS. Ngô Khắc Sơn
(Học viện Chính trị khu vực III)
Ý kiến bạn đọc