Gửi gắm niềm tin và kỳ vọng
Trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh bày tỏ niềm tin, kỳ vọng vào một Đại hội Đảng đổi mới, sáng tạo, xây dựng nghị quyết hợp lòng dân, đưa đất nước phát triển mạnh mẽ hơn trong thời kỳ hội nhập.
Đầu tư nguồn lực để thực hiện các chính sách dân tộc - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường
Có thể nói, mỗi kỳ Đại hội Đảng toàn quốc đều có những quyết sách hết sức quan trọng cho sự phát triển của đất nước. Vì vậy, cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk đặt niềm tin sâu sắc vào sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, những quyết sách lớn để thúc đẩy phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Qua việc lấy ý kiến vào Dự thảo Văn kiện, đặc biệt là Báo cáo Chính trị, Đại hội XIII của Đảng cũng đặt mục tiêu cho định hướng phát triển đất nước đến năm 2025, định hướng 2030 và tầm nhìn đến 2045 để phấn đấu đưa nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại và đời sống, thu nhập của nhân dân ngày càng cao so với mặt bằng chung của thế giới. Điều này đem đến niềm tin mạnh mẽ của cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc trong tỉnh vào những quyết sách đúng đắn, có những định hướng chắc chắn nhằm huy động nguồn lực trong dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và sức mạnh thời đại để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đối với Tây Nguyên nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng, các đại biểu, cán bộ, đảng viên và nhân dân rất kỳ vọng Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm đầu tư, thúc đẩy sự phát triển, nhất là vấn đề giao thông kết nối, phát huy tiềm năng lợi thế và quan tâm, chăm lo nâng cao đời sống mọi mặt của đồng bào các dân tộc thiểu số. Đặc biệt là đầu tư nguồn lực để thực hiện các chính sách dân tộc, thúc đẩy bình đẳng giới, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và giảm nghèo bền vững trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Sáng suốt lựa chọn đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, bản lĩnh, uy tín và năng lực - Đồng chí Nguyễn An Vinh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy
Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đặt ra nhiều nội dung hết sức quan trọng và đề cập toàn diện đến nhiều vấn đề trọng đại liên quan đến sự phát triển của đất nước, trong đó có nội dung “tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh”. Điều này cho thấy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng với quyết tâm chính trị cao.
Thực tế cho thấy, trong nhiệm kỳ qua, nhiều cán bộ, lãnh đạo các cấp, trong đó có cả lãnh đạo Trung ương bị xử lý, kỷ luật do vi phạm nhiều khuyết điểm, thậm chí là sai phạm hàng loạt, ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của nhân dân. Vì vậy, nhân dân rất đồng tình và ủng hộ tinh thần “không có vùng cấm” trong xử lý sai phạm của Bộ Chính trị. Trong nhiệm kỳ đại hội này, tôi mong muốn các đại biểu tham dự Đại hội sáng suốt lựa chọn đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, bản lĩnh chính trị, uy tín và năng lực để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong thời kỳ hội nhập, luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên hàng đầu. Bên cạnh đó, Đại hội cũng cần quan tâm đến vấn đề phát huy hơn nữa vai trò của các cấp ủy, tổ chức Đảng trong công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ, phát huy vai trò của nhân dân trong tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ cũng như công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng. Qua đó tăng cường và củng cố niềm tin của nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước.
Mong có nhiều quyết sách trong công tác phòng, chống dịch bệnh - Giám đốc Sở Y tế Nay Phi La
Trong nhiệm kỳ qua, đặc biệt là trong năm 2020, ngành y tế đã đạt được nhiều kết quả. Hệ thống y tế dự phòng từ Trung ương đến địa phương và mạng lưới y tế cơ sở được tiếp tục củng cố, phát triển; đã từng bước kiểm soát được dịch bệnh Covid-19, không để lây lan trên diện rộng. Ngành y tế đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, từng bước giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện tuyến trên và tăng cường thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế tăng mạnh so với năm 2015. Tuy nhiên, chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh và khả năng tiếp cận dịch vụ y tế cơ bản còn có sự chênh lệch khá lớn giữa các tuyến và giữa các vùng, miền. Hạ tầng, trang thiết bị y tế một số nơi thiếu, chưa đạt tiêu chuẩn; công tác y tế dự phòng yếu; thiếu nhân lực y tế có trình độ và phân bổ bất hợp lý.
Vì vậy, tôi mong muốn tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sắp tới sẽ có nhiều quyết sách về y tế, đặc biệt là về công tác phòng chống dịch bệnh, nhất là đại dịch Covid-19 hiện vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, có nhiều biến thể mới. Tôi cũng rất mong Đại hội thảo luận, đề ra những quyết sách lâu dài về con người cũng như chính sách hỗ trợ trang thiết bị y tế cho vùng sâu vùng xa, trong đó có tỉnh Đắk Lắk. Bên cạnh đó, thực tế công tác phòng chống dịch Covid-19 thời gian qua càng thấy rõ vai trò quan trọng của đội ngũ cộng tác viên y tế cơ sở nên tôi cũng mong muốn Đảng, Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho đội ngũ này.
Cần có chính sách đặc thù cho giáo dục vùng khó khăn - Thầy Vũ Đình Tùng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yang Mao (xã Yang Mao, huyện Krông Bông)
Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã quan tâm đầu tư khá toàn diện cho hệ thống giáo dục - đào tạo, trong đó có khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Song thực tế, công tác giáo dục ở các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Là một nhà giáo có nhiều năm công tác ở khu vực vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tôi đặt nhiều niềm tin, kỳ vọng vào Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; mong muốn Đại hội thảo luận và quyết định các chủ trương, giải pháp sâu sát, hiệu quả hơn đối với sự nghiệp giáo dục ở vùng sâu, vùng xa. Có thêm những quyết sách đặc thù giúp công tác giáo dục vùng sâu phát triển, từng bước thoát khỏi “vùng trũng”, nâng cao chất lượng giáo dục, giảm thiểu tình trạng học sinh bỏ học; mong muốn các trường được bố trí đủ biên chế giáo viên đứng lớp, giáo viên dạy tin học, giáo viên dạy ngoại ngữ; xây dựng cơ sở vật chất trường học, đáp ứng nhu cầu cho việc học 2 buổi/ngày, nhất là đầu tư hệ thống hạ tầng về công nghệ thông tin; xây nhà công vụ ở những trường vùng sâu để giáo viên ở xa đến yên tâm công tác; có chính sách hỗ trợ tốt hơn cho học sinh người dân tộc thiểu số và giáo viên các điểm trường lẻ…
Nhóm PV (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc