Multimedia Đọc Báo in

"Tài nguyên" từ đội ngũ trí thức

09:20, 31/01/2021

Trong những năm qua, đội ngũ trí thức của tỉnh phát triển nhanh về số lượng và chất lượng; chiếm tỷ lệ đặc biệt quan trọng trong cơ cấu nguồn nhân lực.

Đồng thời, có nhiều đóng góp vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, nghiên cứu khoa học và xây dựng hệ thống chính trị…

Đồng hành cùng sự phát triển địa phương

Tính đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có 31.687 người có trình độ từ cao đẳng trở lên; trong đó, trình độ đại học trở lên trên 24.000 người. Theo TS. Vương Hữu Nhi, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, lực lượng trí thức đã đi tiên phong trong việc lựa chọn, tiếp thu và tuyên truyền, phổ biến rộng rãi tri thức khoa học để áp dụng vào đời sống xã hội một cách hiệu quả, góp phần nâng cao dân trí, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ môi trường, xóa đói, giảm nghèo...

Trí thức trẻ ngành Giáo dục trao đổi kinh nghiệm trong công tác giảng dạy
Trí thức trẻ ngành giáo dục trao đổi kinh nghiệm trong công tác giảng dạy.

Đơn cử như trong lĩnh vực khoa học - công nghệ (KH-CN), lực lượng trí thức đã thực hiện nhiều đề án, đề tài nghiên cứu khoa học và sáng kiến có giá trị đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương như: mô hình phát triển sản xuất lúa theo hướng hữu cơ; hệ thống chế biến cà phê ướt nông hộ; thiết kế, chế tạo máy phát hiện thiết bị công nghệ cao sử dụng gian lận trong thi cử; lò đốt rác thải sinh hoạt Daphovina… Qua đó, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân và doanh nghiệp.

“Chú trọng phát triển đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của tỉnh trong tình hình mới. Có cơ chế chính sách đặc biệt để thu hút, sử dụng, phát huy năng lực của đội ngũ trí thức, trọng dụng trí thức trên cơ sở đánh giá đúng phẩm chất, năng lực và kết quả cống hiến…” - (Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025).

Cùng với đó, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức, nhất là những chuyên gia, nhà khoa học tham gia tư vấn, phản biện và đóng góp ý kiến cho các đề án, chương trình, chính sách của tỉnh. Đặc biệt, đội ngũ trí thức làm công tác lãnh đạo ở các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể luôn phát huy tốt vai trò và khả năng, góp phần quan trọng vào sự đổi mới hoạt động của công tác xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể và

cả hệ thống chính trị. Lực lượng trí thức trẻ đã thể hiện tính năng động, sáng tạo, thích ứng nhanh với kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế; là lực lượng quan trọng, chủ yếu trong tiếp thu, sáng tạo và ứng dụng các tiến bộ KH-CN vào sản xuất, làm tăng năng suất lao động xã hội…

Tạo điều kiện tập hợp, phát huy vai trò đội ngũ trí thức

 Thực hiện chủ trương, chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, những năm qua, nhiều huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã thu hút được khá lớn nhân tài về làm việc; nhiều trí thức, nhân tài đã được quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm vào các chức vụ lãnh đạo, quản lý phù hợp với năng lực, sở trường và nhu cầu cán bộ trong từng giai đoạn. Các cơ quan, đơn vị của tỉnh cũng đã tạo điều kiện cho đội ngũ trí thức phát huy tài năng, trí tuệ ở từng vị trí công tác.

Giáo viên Trường THCS Trần Đại Nghĩa (thị xã Buôn Hồ) hướng dẫn học sinh trong giờ Tin học
Giáo viên Trường THCS Trần Đại Nghĩa (thị xã Buôn Hồ) hướng dẫn học sinh trong giờ Tin học

Đặc biệt, một số đơn vị, địa phương đã tổ chức thi tuyển chức vụ lãnh đạo, quản lý, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng để nhân tài có cơ hội tham gia và cống hiến, nổi bật là năm 2020 tuyển chọn chức danh Bí thư huyện Buôn Đôn, huyện Lắk, Giám đốc Sở Công Thương và một số chức danh lãnh đạo cấp phòng thuộc các sở, ngành hiện nay đang được triển khai thực hiện…

Ngoài ra, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp khuyến khích, thúc đẩy đội ngũ trí thức phát huy vai trò, năng lực sáng tạo, trong đó, đặc biệt quan tâm đến trí thức nữ và trí thức trẻ tài năng; có cơ chế, chính sách huy động chuyên gia đầu ngành, trực tiếp chăm lo và thực hiện việc đào tạo đội ngũ kế cận; tổ chức các hình thức tôn vinh những trí thức có đóng góp thiết thực, hiệu quả vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, các tác giả có các công trình, giải pháp đạt giải cao của các hội thi của tỉnh và toàn quốc.

Phát huy những kết quả trên, trong giai đoạn tiếp theo, để thu hút, tập hợp và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức, TS. Vương Hữu Nhi cho biết: “Địa phương cần thực hiện tốt chính sách đãi ngộ, tôn vinh những người có nhiều cống hiến cho sự phát triển của tỉnh; bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, chế độ, tiền lương để trí thức yên tâm công tác, nhất là trí thức ở những vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới cũng như có những chính sách đào tạo nguồn cán bộ…”

Thúy Hồng

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.