Multimedia Đọc Báo in

"Chìa khóa dân vận" trên đại công trình Hồ chứa nước Krông Pách thượng

08:27, 22/04/2021

Giải phóng mặt bằng (GPMB) – câu chuyện đau đầu ở nhiều dự án, công trình. Tuy nhiên bài toán hóc búa ấy ở công trình trọng điểm quốc gia - Dự án Hồ chứa nước Krông Pách thượng đã và đang từng bước được giải quyết thấu tình, đạt lý hiệu quả bằng công cụ có khả năng khai mở, huy động sức mạnh không thể đo đếm – “chìa khóa dân vận”…

Đêm dân vận ở vùng lòng hồ Krông Pách thượng

“Cuộc cách mạng di dân ra khỏi vùng lòng hồ” – đó là cụm từ được nhắc đến nhiều khi triển khai công tác GPMB cho Dự án Hồ chứa nước Krông Pách thượng. Con số hàng nghìn héc-ta đất cần thu hồi, hàng nghìn nhân khẩu phải di dời, công tác bồi thường, tái định cư, mà lại là cuộc di dân quy mô lớn từ huyện này sang huyện khác ở Đắk Lắk, đã lý giải hiệu năng của “chiếc chìa khóa dân vận” để thực hiện cuộc cách mạng ấy.

Dự án Hồ chứa nước Krông Pách thượng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phê duyệt đầu tư từ năm 2009, do Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 8 (Bộ NN-PTNT) làm chủ đầu tư công trình đầu mối và hệ thống kênh chính; UBND huyện Ea Kar đảm nhận hợp phần GPMB, đền bù và di dân tái định cư. Tháng 6-2019, Bộ NN-PTNT điều chỉnh tổng mức đầu tư lên hơn 4.400 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh (viết tắt là Ban Quản lý) đảm nhận hợp phần bồi thường GPMB, đền bù và di dân, tái định cư, định canh.

Đoàn phát động quần chúng gồm huyện M'Drắk và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và Nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh đến tuyên truyền tại nhà dân ở xã Cư San (huyện M'Drắk).
Đoàn phát động quần chúng gồm huyện M'Drắk và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh đến tuyên truyền tại nhà dân ở xã Cư San (huyện M'Drắk).

 “Đi từng ngõ, gõ từng nhà”

Xác định công tác dân vận là yếu tố then chốt trong quá trình triển khai thực hiện Dự án Hồ chứa nước Krông Pách thượng, những cán bộ làm công tác dân vận đã bám làng, gần gũi với nhân dân để tuyên truyền chủ trương, chính sách đến người dân vùng dự án. Qua đó, giúp họ thay đổi nhận thức, tiến hành di dời đến nơi ở mới, sớm bàn giao mặt bằng để thi công công trình.

Cùng với cán bộ Ban Quản lý phối hợp với Đoàn phát động quần chúng huyện M’Drắk do đồng chí Y Khoan Niê Kđăm, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện làm Trưởng đoàn, chúng tôi đến xã Cư San – nơi có hơn 700 hộ dân thuộc diện phải di dời để triển khai Dự án Hồ chứa nước Krông Pách thượng. Đã xế chiều nhưng cái nắng nóng tháng tư vẫn như đổ lửa, con đường dẫn vào thôn 9 bụi mù mịt khiến việc đi lại hết sức khó khăn, thế nhưng những cán bộ làm công tác tuyên truyền, vận động dân di cư ra khỏi vùng lòng hồ không vì thế mà nản lòng, nhụt chí.

Đang thời điểm thu hoạch sắn cuối vụ nên phần lớn các gia đình ở trong thôn chỉ có người già và trẻ em ở nhà. Do đó, để không lãng phí thời gian, các cán bộ trong Đoàn tranh thủ chia nhau đi tìm gia đình có chủ hộ ở nhà để thực hiện việc tuyên truyền. Tại hộ ông Triệu Minh Chính, các thành viên trong Đoàn khéo léo trong việc thăm hỏi chuyện gia đình đã nhận tiền bồi thường hay chưa và vì sao vẫn chưa di dời người, tài sản khỏi vùng lòng hồ. Sau khi biết gia đình chưa nhận tiền đền bù, hỗ trợ di dời do còn một số thắc mắc về việc cán bộ thống kê một số loại cây trồng, đại diện Đoàn đã ghi nhận và hứa sẽ cử cán bộ đến kiểm kê lại, nếu thiếu bất cứ tài sản nào dù là nhỏ nhất như một cây nhãn, cây xoài cũng sẽ được thống kê, đền bù thỏa đáng, không để thiếu của dân. Nghe vậy, gia đình ông Chính vui mừng và khẳng định nếu được nhận tiền đền bù số cây trồng bị kiểm kê thiếu, sẽ di dời sang nơi ở mới để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Ông Y Khoan Niê Kđăm, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện M'Drắk (đứng giữa) tuyên truyền, vận động người dân xã Cư San thực hiện di dời về Khu tái định cư thuộc Dự án Hồ chứa nước Krông Pách thượng.
Ông Y Khoan Niê Kđăm, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện M'Drắk (giữa) tuyên truyền, vận động người dân xã Cư San thực hiện di dời về khu tái định cư thuộc Dự án Hồ chứa nước Krông Pách thượng.

Đến hộ ông Giàng Seo Chinh, nắm bắt được nguyên nhân khiến gia đình không di dời là việc các khoản đền bù về nhà ở chưa thỏa đáng, bà Nguyễn Thị Kim Thảo, chuyên viên Phòng Đền bù – Giải phóng mặt bằng (Ban Quản lý) đã giải thích rõ chi tiết từng hạng mục, công trình, đơn giá và quy định pháp luật liên quan đến đền bù đối với trường hợp của gia đình ông Chinh. Sau hơn một giờ trao đổi, ông Chinh đã nhận thức được rằng việc di dời về khu vực tái định cư của Dự án là chủ trương đúng đắn. Ông Chinh cũng bày tỏ mong muốn các cán bộ sớm xem xét lại việc đền bù căn nhà đang ở của ông một cách thỏa đáng để gia đình sớm di dời về khu tái định cư cùng những hộ dân khác.

Dự án Hồ chứa nước Krông Pách thượng liên quan đến 4 huyện của tỉnh Đắk Lắk, gồm: M’Drắk, Krông Bông, Ea Kar và Krông Pắc với quy mô thực hiện giải phóng mặt bằng gần 4.000 ha; phục vụ tái định cư, tái định canh cho hơn 800 hộ dân. Dự án gồm hai công trình: hồ chứa nước Krông Pách thượng là công trình chính với dung tích gần 115 triệu m3 và công trình hồ chứa nước Ea Rớt là công trình phục vụ di dân tái định cư, đồng thời đáp ứng nhu cầu tưới,  với dung tích hơn 18,5 triệu m3...

Như vậy, cả chiều muộn hôm đó, trong hơn 3 giờ, các cán bộ trong Đoàn vận động mới chỉ gặp gỡ, trao đổi và giải đáp những khúc mắc của hai gia đình để vận động họ di dời theo chủ trương chung. Điều này chứng tỏ, quá trình vận động người dân ở các thôn trên địa bàn xã Cư San là việc làm không phải dễ mà quả thực rất khó khăn, đòi hỏi sự kiên trì của cán bộ đi vận động. Ông Nguyễn Văn Nhất, Phó trưởng Ban Dân vận Huyện ủy M’Drắk, nguyên Chủ tịch UBND xã Cư San bày tỏ: “Người dân ở các thôn 9, 10, 11, xã Cư San chủ yếu là đồng bào Mông di cư vào canh tác. Đời sống của họ còn nhiều khó khăn, nhận thức cũng còn hạn chế. Trước hết, mỗi cán bộ làm công tác dân vận phải bền bỉ, kiên trì và nhất là phải mềm mỏng, nhẹ nhàng, khéo léo trong việc giải thích, vận động để họ hiểu và nghe theo. Chính vì vậy, có những ngày đi tuyên truyền khi rời khỏi các thôn này cũng đã hơn 12 giờ đêm”.

Không để sót dù là tài sản nhỏ nhất

Rời khỏi nhà ông Giàng Seo Chinh cũng đã gần 19 giờ, Đoàn tiếp tục di chuyển đến Hội trường thôn 9 (xã Cư San) - nơi diễn ra buổi tuyên truyền, đối thoại, giải đáp thắc mắc của các hộ dân còn lại trong thôn chưa di dời để tiếp tục công tác vận động. Các cán bộ tuyên truyền, vận động của Đoàn phát động quần chúng luôn trên tinh thần lắng nghe, nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng và cả những điều chưa hài lòng của người dân.

Tại đây, hộ ông Liều Seo Chắng nêu băn khoăn: nhà ông là nhà xây kiên cố, sao giá đền bù, hỗ trợ chỉ tương đương với các công trình nhà tạm. Ánh điện không đủ sáng, cán bộ trong Đoàn phải bật đèn pin điện thoại để hỗ trợ bà Nguyễn Thị Kim Thảo lật từng trang trong phương án phê duyệt để tìm thông tin chính xác của hộ ông Chắng. Sau khi được giải thích số tiền bồi thường mà ông trình bày đó là của một hộ dân trùng cả họ và tên khác (ở cùng thôn 9) chứ không phải của gia đình mình thì ông Chắng đã vui vẻ và đồng tình với chủ trương di dời để thực hiện Dự án. Ngoài ra, ông cũng khẳng định sau khi nhận đủ tiền đền bù gia đình sẽ thực hiện di chuyển về khu tái định cư.

Một buổi tuyên truyền vào ban đêm của cán bộ huyện M'Drắk và Ban Quản lý dự án xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh  tại hội trường thôn 9 (xã Cư San, huyện M'Drắk).
Một buổi tuyên truyền vào ban đêm của cán bộ huyện M'Drắk và Ban Quản lý dự án xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh tại hội trường thôn 9 (xã Cư San, huyện M'Drắk).

Cũng như trường hợp hộ ông Chắng, hàng chục kiến nghị, thắc mắc của những người dân khác về: công tác kiểm đếm tài sản, cây cối để lập phương án đền bù, hỗ trợ vẫn còn thiếu sót; số khác thì cho rằng số tiền đền bù nhà cửa chưa thỏa đáng; hay có hộ đề nghị được chuyển đổi nghề nghiệp và bố trí tái định cư ở vùng khác...

Trước những ý kiến này, ông Nguyễn Đức Cẩm, Trưởng Phòng Đền bù - Giải phóng mặt bằng đã khẳng định với người dân vùng dự án tại buổi tuyên truyền, vận động: “Quá trình triển khai công tác kiểm đếm có thể thiếu sót, đơn vị và địa phương sẽ rà soát, xác minh lại, bảo đảm không để sót dù chỉ một cây trồng hay một tài sản nhỏ nhất như cái hầm rút của bà con. Bởi hồ sơ Dự án vẫn đang lưu giữ ở các đơn vị liên quan, do đó mỗi ý kiến của từng hộ sẽ được kiểm tra lại và bổ sung kịp thời, không để xảy ra thiếu sót của bất kỳ hộ nào".

Cứ thế, buổi tuyên truyền, đối thoại kéo dài đến hơn 21 giờ mới kết thúc, sau khi được giải đáp thỏa đáng các câu hỏi, nhiều bà con bày tỏ sự tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, cũng như chế độ, khung chính sách cụ thể khi triển khai Dự án Hồ chứa nước Krông Pách thượng. Đồng thời hứa sau khi nhận được những khoản chi phí đền bù, các hộ dân sẽ sớm di dời về khu tái định cư để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thực hiện Dự án.

Hoàng Tuyết - Thúy Hồng

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.