Multimedia Đọc Báo in

Chuyển đổi số - cơ hội để bứt phá (kỳ 3)

08:10, 28/04/2021

Tận dụng thế mạnh để phát triển

“Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì hãy đi cùng nhau” – câu nói này có lẽ rất thiết thực đối với công cuộc chuyển đổi số cho các tỉnh, thành phố nói chung, Đắk Lắk nói riêng. Bởi chỉ có tận dụng các thế mạnh, hợp tác với nhau thì mới có thể chuyển đổi số toàn diện, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.

Chia sẻ và kết nối

Tại cuộc Hội thảo về chuyển đổi số do UBND tỉnh tổ chức diễn ra vào cuối tháng 3-2021 tại TP. Buôn Ma Thuột vừa qua, nhiều đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã mang đến những giải pháp, thiết bị thông minh, công nghệ số để chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của mình về chuyển đổi số. Đồng thời kết nối, giới thiệu các giải pháp ưu việt hỗ trợ xây dựng chính quyền và doanh nghiệp số ở Đắk Lắk.

Là một trong top 10 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, giải pháp Chính phủ điện tử, Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại và phát triển công nghệ FSI đã mang đến hội thảo các sản phẩm, giải pháp tiêu biểu, có thể kể đến như: Phần mềm quản lý tập trung kho dữ liệu số dùng chung cũng như dữ liệu chuyên ngành DAS chuẩn Thông tư 02/2019/TT-BNV và Nghị định 30/2020/NĐ-CP; phần mềm phòng họp không giấy P-IONE theo Nghị định 85/2016/NĐ-CP; công nghệ nhận dạng và bóc tách thông tin tự động IONE; giải pháp định danh điện tử eKyc-IONE; công nghệ chuyển đổi giọng nói sang văn bản V-IONE… Theo ông Cao Hoàng Anh, Phó Tổng Giám đốc công ty, tham gia hội thảo, đơn vị kỳ vọng sẽ được tiếp thu các định hướng xây dựng Chính phủ điện tử của tỉnh trong thời gian tới; đồng thời kết nối, giới thiệu các giải pháp ưu việt, giúp giải quyết những bài toán chuyên biệt cho các đơn vị, doanh nghiệp.

Công ty CP Đầu tư thương mại và phát triển công nghệ FSI giới thiệu những giải pháp công nghệ số tại Hội thảo Chuyển đổi số vừa tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột.
Công ty CP Đầu tư thương mại và phát triển công nghệ FSI giới thiệu những giải pháp công nghệ số tại Hội thảo Chuyển đổi số vừa tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Đắk Lắk dự kiến bố trí khoảng 330 tỷ đồng từ nguồn vốn xây dựng cơ bản; đồng thời mỗi năm bố trí khoảng 20 tỷ đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp để triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số.

Là đơn vị phối hợp với UBND tỉnh tổ chức hội thảo, ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Sao Bắc Đẩu cho biết, trong thời kỳ chuyển đổi, các doanh nghiệp khoa học - công nghệ không thể đứng một mình mà phải tạo ra được sự liên kết. Đối với Đắk Lắk, trên cơ sở thế mạnh phát triển nông nghiệp, việc liên kết các doanh nghiệp để thay đổi quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng, giá thành sản phẩm là nhu cầu cấp thiết. Qua quá trình tiếp cận với các đơn vị, chúng tôi nhận thấy trên thực tế, sự chênh lệch giá ở nơi sản xuất và giá nơi tiêu thụ rất cao, do vậy cần phải sử dụng nền tảng số để xích gần giữa người sản xuất và người tiêu dùng, làm tăng giá trị cho người sản xuất và giảm giá mua cho người tiêu dùng nhằm phát triển thị trường.

Cuộc cách mạng của toàn dân

Có thể nói, chuyển đổi số là cuộc cách mạng của toàn dân. Chuyển đổi số trong chính quyền đó là chính quyền số có toàn bộ hoạt động trên môi trường số, chủ động cung cấp dịch vụ cá thể hoá theo nhu cầu người dân, đưa ra quyết định, ban hành chính sách kịp thời, giải quyết tối ưu việc sử dụng nguồn lực.

Trong doanh nghiệp, đó không chỉ là doanh nghiệp trong các ngành, lĩnh vực chuyển đổi số để thay đổi mô hình kinh doanh, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận, mà còn là việc đưa các loại hình kinh doanh hộ gia đình, hàng hóa lên các sàn thương mại điện tử; kết nối mỗi hộ gia đình có nhà ở "homestay" với khách du lịch.

Trong người dân thì chỉ cần mỗi người có một điện thoại thông minh, mỗi gia đình có một đường truyền kết nối mạng Internet, có kỹ năng số thì có thể tiếp cận dễ dàng các dịch vụ cơ bản như y tế, giáo dục… đã được số hóa.

Đắk Lắk phải phát triển kinh tế dựa trên cây cà phê. Ảnh: Mô hình sản xuất cà phê chất lượng cao ở xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột.
Đắk Lắk phải phát triển kinh tế dựa trên cây cà phê. Ảnh: Mô hình sản xuất cà phê chất lượng cao ở xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột.

Triển khai thực hiện chuyển đổi số ở Đắk Lắk, theo ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) cần tập trung vào một số vấn đề. Về chính quyền số: cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trước tháng 6-2021; Kinh tế số: phát triển kinh tế dựa trên cây cà phê mà giải pháp là phải phát triển nông nghiệp thông minh, cá thể hóa từng cây cà phê, xây dựng thương hiệu cà phê cho từng hộ; không chỉ bán cà phê mà còn kèm giá trị danh tiếng của mảnh đất Đắk Lắk, mảnh đất trên từng quả đồi, từng gia đình; Chuyển đổi số y tế là người dân được khám chữa bệnh, được tư vấn sức khỏe từ xa bởi những bác sĩ giỏi ở tuyến trên, ở bệnh viện lớn; Chuyển đổi số giáo dục là mọi học sinh đều được hưởng chất lượng giáo dục tốt nhất thông qua giải pháp triển khai giáo dục trực tuyến, sử dụng học liệu số và các phần mềm dạy học của các giáo viên giỏi trên mọi miền đất nước…

Xác định chuyển đổi số phải phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của địa phương, tỉnh Đắk Lắk đặt ra ưu tiên chuyển đổi số trong các lĩnh vực: nông nghiệp, giáo dục, y tế, giao thông vận tải và logistic, công nghiệp và năng lượng; tài nguyên và môi trường, du lịch, tài chính - ngân hàng. Để thực hiện điều này, bên cạnh việc xây dựng chính sách và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, công nghệ, tỉnh sẽ tập trung đào tạo phát triển nhân lực số; đồng thời, thúc đẩy ứng dụng số đối với hoạt động kinh tế của cộng đồng doanh nghiệp và đẩy mạnh ứng dụng số trong xã hội, cộng đồng dân cư. Phấn đấu đến năm 2025, xếp hạng chỉ số Chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk sẽ nằm trong nhóm 20 tỉnh dẫn đầu của cả nước; xứng đáng vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên. Chuyển đổi số sẽ thành công khi mỗi một người dân tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại...

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.