Multimedia Đọc Báo in

Ðầu tàu ở buôn Adrơng Ðiết

08:18, 05/05/2021

“Một trăm câu nói hay không bằng một việc làm tốt” - đây là kinh nghiệm quý mà ông Y Hiền Niê (SN 1959, buôn Adrơng Điết, xã Cư Pơng, huyện Krông Búk) đã đúc rút sau gần 13 năm làm Bí thư Chi bộ buôn.

Buôn Adrơng Điết có 147 hộ, đều là người dân tộc Êđê. Trước đây, kinh tế của bà con chủ yếu dựa vào việc độc canh lúa, ngô, cà phê, trong khi tập quán sản xuất lạc hậu nên năng suất cây trồng đạt thấp, đời sống gặp rất nhiều khó khăn… Với vai trò là Bí thư Chi bộ, ông Y Hiền đã phát huy trí tuệ tập thể, tìm các giải pháp về phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương. Theo đó, ông cùng các đảng viên trong Chi bộ tích cực vận động nhân dân xen canh nhiều loại cây ăn trái có giá trị kinh tế vào rẫy cà phê; phát triển chăn nuôi theo hình thức nhốt chuồng quy mô gia trại.

Cán bộ xã Cư Pơng tham quan vườn cà phê mới tái canh của gia đình ông Y Hiền Niê.
Cán bộ xã Cư Pơng tham quan vườn cà phê mới tái canh của gia đình ông Y Hiền Niê.

Để người dân tin và làm theo, với 2,5 ha cà phê của gia đình, từ năm 2010, ông Y Hiền đã tiến hành trồng xen 150 cây sầu riêng, 50 cây bơ booth, 330 cây điều và hơn 1.200 trụ tiêu. Quá trình xuống giống các loại cây trồng được ông tính toán khá hợp lý để vừa bảo đảm nguồn thu ổn định từng năm sau này, vừa tránh tình trạng sâu bệnh lây lan. Năm 2019, hầu hết các loại cây trồng xen trong rẫy đều bước vào giai đoạn thu chính (ước tính lợi nhuận trên 500 triệu đồng/năm), ông bắt đầu tái canh đồng loạt 2.500 gốc cà phê giống mới TR84.

Thấy cách làm khoa học, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp của gia đình Bí thư chi bộ, cộng với việc ông Y Hiền thường xuyên đến tận nhà hướng dẫn cách làm ăn, nhiều người dân trong buôn đã học tập và làm theo. Hiện, buôn Adrơng Điết có 253 ha cà phê xen canh các loại cây ăn trái như bơ, sầu riêng, mít... mang lại hiệu quả kinh tế, cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện, toàn thôn chỉ còn 10 hộ nghèo.

Với đặc thù là buôn đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí còn thấp, nên việc tuyên truyền các chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước được ông Y Hiền cùng chi ủy, ban tự quản buôn khéo léo lồng ghép với công việc hằng ngày, giúp người dân dễ tiếp thu, tạo hiệu ứng sâu rộng. Trong mỗi cuộc họp buôn, họp chi bộ, ông luôn lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của bà con để kịp thời giải quyết; khi phát động chủ trương, hay triển khai các phần việc của buôn ông đều đưa ra bàn bạc công khai, dân chủ. Nhờ đó mà tinh thần đoàn kết ngày càng được phát huy, bà con hăng hái thi đua phát triển kinh tế, đóng góp xây dựng nông thôn mới và giữ gìn tốt an ninh trật tự tại cơ sở. Từ khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (năm 2011) đến nay, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân buôn Adrơng Điết đã đóng góp hơn 500 triệu đồng, hiến gần 1.200 m2 đất, tham gia hàng nghìn ngày công lao động để bê tông hóa trên 80% các tuyến đường nội buôn, xây dựng nhà văn hóa buôn…Không chỉ tích cực vận động nhân dân đóng góp công, của xây dựng hạ tầng nông thôn mới, năm 2020 gia đình ông Y Hiền còn ủng hộ hơn 30 triệu đồng để xây dựng cầu dân sinh bắc qua suối, giúp bà con đi lại, vận chuyển nông sản thuận lợi hơn.

Tuyến đường bê tông ở buôn Adrơng Điết do Nhà nước và nhân dân cùng làm.
Tuyến đường bê tông ở buôn Adrơng Điết do Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Với sự nỗ lực của Bí thư Chi bộ Y Hiền Niê, nhiều năm liền, Chi bộ buôn Adrơng Điết đều đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh; tất cả 12 đảng viên của buôn hoàn thành tốt nhiệm vụ mỗi năm. Bản thân ông Y Hiền được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2005 - 2009; UBND tỉnh tặng 4 Bằng khen về những thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong hoạt động tại địa phương.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.