Multimedia Đọc Báo in

Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Buôn Ma Thuột lần thứ 8

21:15, 12/06/2021
Sáng 11-6, Ban Thường vụ Thành ủy Buôn Ma Thuột đã tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ lần thứ 8 theo hình thức trực tuyến. Bí thư Thành ủy Buôn Ma Thuột Từ Thái Giang chủ trì hội nghị.
 
Hội nghị đã tiến hành sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 03-NQ/TU ngày 20-9-2016 của Thành ủy về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số TP. Buôn Ma Thuột giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2030 và tổng kết thực hiện Chương trình số 06a-CTr/TU ngày 01-6-2016 của Thành ủy về áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả và giá trị gia tăng một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực của thành phố giai đoạn 2016 – 2020.
 
Theo đó, thực hiện Nghị quyết số 03 của Thành ủy, trong giai đoạn 2017 – 2020, thành phố đã tổ chức 10 lớp truyền dạy văn hóa các dân tộc thiểu số với 260 học viên tham gia. UBND các phường, xã đã thành lập 34 câu lạc bộ tại 31/33 buôn, 3 cụm dân cư đồng bào dân tộc thiểu số như: câu lạc bộ các đội cồng chiêng trẻ của dân tộc Êđê, câu lạc bộ hát then – đàn tính, câu lạc bộ văn hóa dân gian, câu lạc bộ chiêng Mường.

Toàn thành phố hiện có 364 người biết diễn tấu chiêng, 83 người biết chỉnh chiêng; 74 người biết truyền dạy đánh chiêng; 8 người biết chế tác nhạc cụ và có 3 nghệ nhân được xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.
 
th
Đại biểu tham dự tại hội nghị
 
Bên cạnh đó, thành phố cũng đã quan tâm, hỗ trợ sửa chữa thiết chế văn hóa; phát triển các làng nghề truyền thống, mở các lớp tập huấn kỹ năng du lịch, phát triển loại hình du lịch cộng đồng trên địa bàn các buôn dân tộc thiểu số; tổ chức phục dựng lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc như: Lễ chúc sức khỏe, Lễ cúng bến nước, Lễ mừng cơm mới…. Tổng kinh phí bố trí từ nguồn ngân sách thành phố thực hiện công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số giai đoạn 2017 - 2020 là trên 3 tỷ đồng.
 
Đối với việc thực hiện Chương trình số 06a, việc áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp được chính quyền các cấp quan tâm thực hiện. Thành phố đã triển khai được 176 mô hình trồng trọt và chăn nuôi ứng dụng tiến bộ khoa học, nhất là các ứng dụng về an toàn sinh học; triển khai được các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.
 
Việc triển khai Chương trình 06a của Thành ủy đã tăng thu nhập cho người nông dân trên một đơn vị diện tích, từ 96 triệu đồng/1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản (năm 2015) lên 107 triệu đồng/1ha (năm 2020); 95,2% hộ trồng trọt và 98% hộ chăn nuôi đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất làm tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi.
 
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Buôn Ma Thuột Từ Thái Giang yêu cầu các cấp, ngành, địa phương của thành phố cần tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn, thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; tạo kết nối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch để đầu tư, khai thác du lịch cộng đồng tại các buôn đồng bào dân tộc thiểu số.
 
Đối với ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm, đồng chí Bí thư Thành uỷ yêu cầu ngành Nông nghiệp thành phố cần xây dựng cụ thể các nội dung về phát triển nông nghiệp đô thị, sinh thái, nông nghiệp chất lượng cao cho từng phường, xã; xác định rõ tổng số sản phẩm nông nghiệp cần tập trung thực hiện của thành phố; việc xây dựng các sản phẩm nông nghiệp phải xuất phát từ nhu cầu, mong muốn của người dân; mỗi sản phẩm nông nghiệp phải có chuỗi liên kết cụ thể, gắn liền với chất lượng và hiệu quả sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng…
 
Hồng Chuyên
 

(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.