Multimedia Đọc Báo in

Xã Ea M'droh (huyện Cư M'gar): Đảng viên nêu gương phát triển kinh tế

06:05, 22/07/2021

Đảng bộ xã Ea M'droh (huyện Cư M’gar) có 176 đảng viên tham gia sinh hoạt ở 18 chi bộ trực thuộc, trong đó có 11 chi bộ thôn, buôn.

Thời gian qua, Đảng bộ xã Ea M'droh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo; đặc biệt là phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên.

Theo đó, Đảng ủy xã đã ban hành Nghị quyết về công tác giảm nghèo với nhiều giải pháp đồng bộ, những bước đi, cách làm cụ thể. Trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các tổ chức đoàn thể quần chúng và cán bộ, đảng viên tìm hiểu nguyên nhân, khảo sát, phân loại hộ nghèo, cận nghèo để có các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ phù hợp. Đồng thời Đảng ủy xã giao cho các chi bộ xây dựng chương trình, nghị quyết sát với thực tế, trong đó chú trọng phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong công tác xóa đói giảm nghèo…

Anh Phan Văn Mạnh (bên phải) giới thiệu về mô hình trồng hoa thiên lý.
Anh Phan Văn Mạnh (bên phải) giới thiệu về mô hình trồng hoa thiên lý.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Ea M'droh Trần Viết Lai cho biết: Nhiều đảng viên đã gương mẫu, đi đầu trong phát triển kinh tế, nghiên cứu các mô hình mới, học tập ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; qua đó trên địa bàn xã xuất hiện nhiều điển hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi là đảng viên, có tác dụng khích lệ, động viên nhân dân học tập, làm theo. Nhờ vậy, đến nay xã Ea M'droh chỉ còn 6,03% hộ nghèo, giảm 30,35% số hộ nghèo so với năm 2016.

Tiêu biểu như gia đình anh Phan Văn Mạnh, Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Ea M'droh. Gia đình anh Mạnh sống ở thôn Đồng Tâm, nơi có khoảng 10 ha lúa nước song do bấp bênh về nguồn nước, hằng năm người dân trong thôn chỉ trồng được một vụ lúa, còn một vụ bỏ đất hoang.

Anh Mạnh trăn trở tìm hiểu, nghiên cứu loại cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương để không bỏ phí đất. Nhận thấy trồng hoa thiên lý phù hợp, thời gian thu hoạch nhanh, đầu ra lại thuận lợi nên anh Mạnh bàn với gia đình chuyển đổi 2 ruộng lúa sang trồng.

Sau khoảng 3 tháng trồng cây cho thu hoạch, mỗi đợt cho thu trong vòng 2 tháng, mỗi đợt cách nhau khoảng 15 ngày (hoa thiên lý cho thu hoạch từ tháng 3 đến tháng 9 âm lịch). Bình quân giá bán hoa thiên lý tại vườn từ 7.000 - 15.000 đồng/kg, có thời điểm lên đến 34.000 đồng/kg, mỗi đợt gia đình anh Mạnh có thu nhập từ 6 - 9 triệu đồng từ loại cây trồng này.

Bên cạnh đó, gia đình anh Mạnh còn chăn nuôi thêm 10 con dê sinh sản, trồng và chăm sóc 5 sào cà phê, bình quân hằng năm trừ chi phí đầu tư, mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình anh Mạnh lãi hơn 150 triệu đồng. Từ mô hình kinh tế của gia đình anh Mạnh, đến nay thôn Đồng Tâm đã có 3 hộ học tập chuyển đổi diện tích trồng lúa 1 vụ sang trồng hoa thiên lý với tổng diện tích hơn 8 sào.

Hay như anh Chíu Phi Hồng, đảng viên, Trưởng thôn Đồng Tâm luôn tiên phong, gương mẫu trong phát triển kinh tế gia đình. Với hơn 2 ha cà phê xen hồ tiêu, nhờ biết áp dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật trong chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh nên vườn cây của gia đình bảo đảm năng suất ổn định. Bình quân hằng năm sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình anh Hồng lãi từ 150 - 200 triệu đồng.

Anh Hồng bộc bạch: “Là cán bộ, đảng viên, mình phải gương mẫu trong mọi việc, tìm hiểu, đưa các cây con có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật để bà con tham khảo, học tập làm theo, góp phần cải thiện thu nhập, xóa đói giảm nghèo”.

Trên địa bàn xã Ea M'droh xuất hiện nhiều điển hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi là đảng viên, có tác dụng khích lệ, động viên nhân dân làm theo. Nhờ vậy, xã Ea M'droh chỉ còn 6,03% hộ nghèo, giảm 30,35% số hộ nghèo so với năm 2016.

Công Phong


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.