Công tác giải phóng mặt bằng trên quốc lộ 26: Cần một giải pháp tháo gỡ đồng bộ
Thời gian qua, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng tại nhiều dự án giao thông khiến các nhà thầu hết sức lo lắng. Do vậy, việc tìm ra được “nút thắt” và biện pháp tháo gỡ trong công tác này là yếu tố cần thiết để đẩy nhanh tiến độ thi công công trình quốc lộ 26 qua địa bàn tỉnh ta.
Tập trung nhân lực đẩy nhanh tiến độ thi công trên quốc lộ 26. |
Từ những “nút thắt”...
Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 26, đoạn Km142+300-Km146+300 (từ phường Tân Hòa, TP.Buôn Ma Thuột đến buôn Kô Tam, xã Ea Tu) được khởi công xây dựng từ tháng 10-2010, do Khu Quản lý đường bộ V làm chủ đầu tư, Công ty TNHH Một thành viên Quản lý và Sửa chữa Đường bộ Dak Lak thi công, với tổng kinh phí trên 95,6 tỷ đồng. Trong đó, vốn GPMB khoảng 46 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh, còn lại là nguồn vốn xây lắp công trình của Bộ GTVT. Dự án có quy mô thiết kế gồm: chiều rộng nền đường 49 mét, mặt đường 21,5 mét, dải phân cách 0,5 mét, vỉa hè 27 mét, lớp móng cấp phối đá dăm loại dày 20 cm…
Dự kiến công trình sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng trong tháng 6-2012, nhưng đến nay vẫn còn một số vướng mắc trong công tác GPMB. “Nút thắt” ở dự án này xuất phát từ việc di dời cơ sở hạ tầng kỹ thuật thuộc các công trình: cấp điện, cáp quang và cống bể VNPT Dak Lak – Dak Nông, cáp quang quân đội và công trình cấp nước địa phương. Nguyên nhân chính dẫn đến “nút thắt” này khó tháo gỡ là do hồ sơ thiết kế ban đầu chưa đồng bộ và không phù hợp với quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt. Ông Đặng Văn Mỹ, Phó trưởng Ban bồi thường GPMB TP. Buôn Ma Thuột cho biết, để lập được phương án đền bù, giải tỏa phù hợp với việc di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật không phải là việc một sớm một chiều, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của người dân. Bên cạnh đó, về phần các hộ dân dọc tuyến, mặc dù công tác kiểm kê tài sản, kiến trúc trên đất bị thu hồi đã và đang triển khai có chiều hướng thuận lợi (trước mắt đã có phương án đền bù thỏa đáng cho người dân) nhưng vẫn còn một số hộ ở dọc tuyến bên trái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Mặt khác, nếu thực hiện giải tỏa hành lang đường bộ theo tiêu chuẩn chỉ giới của quốc lộ thì gặp rất nhiều khó khăn về vấn đề ổn định quỹ đất tái định cư cho các hộ dân bị thu hồi đất.
Thi công phần lòng đường quốc lộ 26. |
...Đến giải pháp tháo gỡ
Để kịp thời giải quyết những vướng mắc nêu trên, UBND tỉnh đã có công văn số 1605/UBND-CV về việc thay đổi hướng tuyến, vị trí di dời các Công trình hạ tầng kỹ thuật dọc tuyến quốc lộ 26, cụ thể như sau: Các công trình cấp điện (tim cột điện cách tim tuyến thiết kế là 13,8 mét); công trình cáp quang và cống bể VNPT Dak Lak – Dak Nông (tim ống cách tim tuyến thiết kế 14,5 mét) và công trình cấp nước (tim ống nước cách tim tuyến thiết kế 16,5 mét), tất cả đều được bố trí 2 bên tuyến. Riêng đối với công trình cáp quang quân đội (tim ống cáp quang cách tim tuyến thiết kế 15,5 mét), được bố trí bên phải tuyến. Bên cạnh đó, Ban Bồi thường GPMB cũng đưa ra mức đền bù hợp lý đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật của dự án dao động trong khoảng 17 tỷ đồng. Thời gian qua, chính quyền địa phương cũng phối hợp với Ban đã có buổi làm việc với các đơn vị quản lý những công trình nói trên để việc giải tỏa, bàn giao mặt bằng được tiến hành nhanh chóng.
Đối với các hộ dân, Ban dự kiến đưa ra mức bồi thường trên 24 tỷ đồng. Trong đó, bồi thường và hỗ trợ về đất khoảng 12 tỷ đồng; nhà cửa, kiến trúc trên đất 7,5 tỷ đồng; cây cối, hoa màu 2 tỷ đồng và hỗ trợ chế độ chính sách đối với gia đình có công với cách mạng về học nghề, tạo việc làm và ổn định cuộc sống khoảng 2,7 tỷ đồng… Riêng với những trường hợp lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, Ban sẽ xây dựng phương án cưỡng chế, xử phạt các trường hợp vi phạm. Ông Đặng Văn Mỹ cho biết thêm: để bảo đảm công trình thi công đúng tiến độ, Ban chú trọng công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành đúng Luật đất đai và mức bồi thường theo quy định của Nhà nước đã ban hành. Đặc biệt, tăng cường công tác quản lý chặt chẽ lực lượng cán bộ kỹ thuật của chủ đầu tư, lực lượng tư vấn giám sát, yêu cầu các nhà thầu tuân thủ quy định về công tác bảo đảm chất lượng công trình tại hiện trường, đôn đốc các đơn vị thi công thực hiện đúng thời gian theo hợp đồng đã cam kết.
Về phía đơn vị thi công, ông Phạm Ngọc Thành cho hay: đến thời điểm này, đơn vị đã nhận thi công lòng đường của dự án trên. Cán bộ, công nhân viên trong đơn vị quyết tâm phấn đấu trong năm nay sẽ thi công xong phần lòng đường để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Đồng thời, sau khi địa phương bàn giao mặt bằng, đơn vị sẽ đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục còn lại nhằm bảo đảm hoàn thành dự án vào tháng 6-2012.
Sau khi hoàn thành, Quốc lộ 26 mở rộng sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội giữa 2 tỉnh Khánh Hòa – Dak Lak nói riêng với các tỉnh duyên hải miền Trung nói chung, đặc biệt thúc đẩy giao thương hàng hóa, đặc sản giữa vùng đồng bằng với Tây Nguyên phát triển mạnh hơn.
Ý kiến bạn đọc