Multimedia Đọc Báo in

Cần có trợ lực để kinh tế trang trại phát triển bền vững

05:28, 16/10/2012

Thời gian qua, kinh tế trang trại (KTTT) ở Dak Lak phát triển khá mạnh mẽ và đa dạng, đã hình thành được các vùng sản xuất hàng hóa mũi nhọn, tập trung quy mô lớn, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, để KTTT phát triển bền vững và có hiệu quả hơn thì vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ kịp thời.

Từ khó khăn về nguồn vốn

Trong số 1.731 trang trại ở Dak Lak, có 1.131 trang trại trồng trọt, 373 trang trại chăn nuôi, 30 trang trại thủy sản, 31 trang trại lâm nghiệp và 166 trang trại tổng hợp. Tổng thu nhập từ sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của các trang trại đạt trên 782 tỷ đồng, chiếm khoảng 5% giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh, bình quân 1.462 triệu đồng/trang trại. Có thể nói, việc phát triển KTTT cũng đã khai thác và tận dụng tốt các diện tích đất nông, lâm nghiệp, mặt nước để tạo ra sản phẩm hàng hóa nông, lâm, thủy sản có giá trị cao, tăng thu nhập cho gia đình. Tuy nhiên, các trang trại trên địa bàn tỉnh vẫn có nhiều nhược điểm, đó là phát triển tự phát, không theo quy hoạch; trình độ quản lý và tổ chức sản xuất còn thấp; lao động làm việc trong trang trại chủ yếu là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo nghề. Đặc biệt, khó khăn lớn nhất hiện nay của các trang trại là thiếu vốn. Theo số liệu khảo sát của Sở NN-PTNT, năm 2010, tổng vốn đầu tư cho phát triển KTTT là trên 1.252 tỷ đồng, trong đó vốn tự có trên 1.091 tỷ đồng, vốn vay của các tổ chức tín dụng trên 161 tỷ đồng; vốn đầu tư bình quân cho một trang trại ngày càng tăng, năm 2004 là 170 triệu đồng, đến năm 2010 tăng lên 733 triệu đồng. Điều này chứng tỏ quy mô các trang trại ngày càng lớn, các chủ trang trại đã chú trọng đầu tư về chiều sâu như mua sắm máy móc, thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ… song điều đáng nói là phần lớn nguồn vốn của các trang trại là vốn tự có (chiếm hơn 87% tổng nguồn vốn), vốn vay từ các tổ chức tín dụng khác chiếm tỷ lệ thấp. Nhiều chủ trang trại cho biết, họ rất cần vốn để đầu tư phát triển sản xuất theo chiều sâu, nhưng khả năng tiếp cận với nguồn vốn vay của ngân hàng còn rất hạn chế và lượng vốn vay được chỉ đáp ứng khoảng 15-20% nhu cầu, trong khi để đầu tư về cơ sở hạ tầng, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi cần có những món vay lớn, thời gian dài. Nguyên nhân chính của tình trạng trên là do các trang trại thiếu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy chứng nhận trang trại. Hiện Dak Lak chỉ có 57,4% diện tích đất trang trại được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và 315 trang trại được cấp giấy chứng nhận, chiếm 18,19% tổng số trang trại. Mặt khác, các ngân hàng vẫn còn e ngại khi thẩm định, cho vay đối với  các khoản vay phục vụ cho nông nghiệp nông thôn bởi rủi ro cao.

Trang trại chăn nuôi sẽ được ưu tiên đầu tư phát triển.
Trang trại chăn nuôi sẽ được ưu tiên đầu tư phát triển.

Đến triển vọng phát triển

Xác định KTTT là loại hình kinh tế quan trọng trong sản xuất nông nghiệp và là xu hướng tất yếu để phát triển nền kinh tế hàng hóa chất lượng cao, nên định hướng chung phát triển trang trại trong giai đoạn 2011-2015 của tỉnh là mở rộng quy mô diện tích và số lượng trang trại ở tất cả các loại hình trang trại; di dời các trang trại chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường ra khu vực chăn nuôi tập trung; chuyển đổi trang trại kém hiệu quả sang loại hình trang trại khác; từng bước áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất; duy trì mức tăng trưởng trang trại bình quân hàng năm khoảng 5,1%. Như vậy, đến năm 2015, sẽ có 2.220 trang trại đạt tiêu chí, tăng gần 490 trang trại so với hiện nay, với tỷ lệ áp dụng công nghệ vào sản xuất chiếm khoảng 30%, số trang trại được cấp giấy chứng nhận trang trại đạt 80% và hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các trang trại. Giai đoạn 2016-2020, chú trọng phát triển theo chiều sâu, khuyến khích tích tụ ruộng đất, áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp sạch; mức tăng trưởng bình quân đạt 2,65%. Đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ có 2.530 trang trại đạt tiêu chí, với khoảng 50% trang trại áp dụng công nghệ mới vào sản xuất; số trang trại được cấp giấy chứng nhận trang trại đạt 90%. Theo đó, sẽ có khoảng 1.500 trang trại nông - lâm - nghiệp được quy hoạch, phát triển sản xuất gắn với công nghiệp chế biến, tiêu thụ trên các địa bàn trọng điểm như: vùng lúa ở huyện Ea Súp, Krông Ana, Lak; vùng ngô lai huyện Ea Kar, Krông Pak, Krông Buk và vùng bông vải ở huyện Buôn Đôn, Cư M’gar, Ea Kar, Ea Súp… Tổng vốn đầu tư cho cả hai giai đoạn trên 140 tỷ đồng (giai đoạn 2011-2015 là 94.234 triệu đồng; giai đoạn 2016-2020 là 45.830 triệu đồng), trong đó các chủ trang trại đáp ứng khoảng 1/3, còn lại là huy động từ các chương trình phát triển kinh tế lồng ghép khác của tỉnh. Để hiện thực hóa các mục tiêu, tỉnh đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ cho KTTT phát triển như: đào tạo và sử dụng lao động, ứng dụng khoa học kỹ thuật… đặc biệt là chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng và chính sách đất đai cho các trang trại. Theo đó, các trang trại được vay tối đa từ 500 triệu đồng trở xuống (mỗi trang trại chỉ được hỗ trợ lãi suất một lần), thời gian hỗ trợ lãi suất không quá 36 tháng, với mức hỗ trợ 30% lãi suất tiền vay. Tiến hành rà soát quỹ đất của từng trang trại, xúc tiến nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cho thuê đất theo đúng quy định của Luật Đất đai. Trang trại mới thành lập được miễn tiền thuế đất 11 năm kể từ ngày đưa vào hoạt động trên địa bàn các huyện và thị xã Buôn Hồ (trừ TP. Buôn Ma Thuột).

Với chính sách trợ lực này, hy vọng trong thời gian tới những khó khăn trong phát triển KTTT sẽ được hóa giải, tạo được cú hích để các trang trại phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có.

Thuận Nguyễn


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.