Hạ lãi suất cho vay để khơi thông tín dụng
Tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm 2013 chỉ nhích nhẹ từng phần trăm nhỏ, thậm chí có thời điểm tăng trưởng âm, trong khi vốn khả dụng đang dư thừa tại các ngân hàng (NH) rất nhiều. Hiện nhiều NH trên địa bàn tỉnh đang chọn giải pháp đưa vốn ra nền kinh tế bằng cách tiếp tục hạ lãi suất cho vay, triển khai các gói tín dụng lãi suất ưu đãi.
Giải ngân cho vay tại Vietinbank Dak Lak. |
Những tháng đầu năm 2013, thị trường tiếp tục đón nhận những đợt hạ lãi suất cho vay mới từ khá nhiều NH. Tại Chi nhánh NH TMCP Đầu tư và Phát triển Dak Lak (BIDV Dak Lak) hiện đang triển khai ít nhất là 3 gói tín dụng lãi suất ưu đãi. Gói tín dụng lãi suất ưu đãi cho vay kỳ hạn nhỏ hơn hoặc bằng 3 tháng dành cho doanh nghiệp (DN), bắt đầu triển khai từ đầu tháng 4-2013 và dự kiến kéo dài đến hết tháng 6-2013; lãi suất tối thiểu 7,5%/năm. Điểm mới của gói tín dụng này là ưu tiên cho vay đối với khách hàng mới, tiềm năng, có hoạt động kinh doanh hiệu quả. Gói tín dụng thứ hai dành cho khách hàng cá nhân, hộ gia đình vay mua, xây dựng, sửa chữa nhà ở, dự kiến triển khai từ tháng 4 đến hết năm 2013, lãi suất cho vay 10%/năm trong vòng 6 tháng đầu tiên kể từ thời điểm giải ngân lần đầu, thời hạn vay tối thiểu là 24 tháng. Cũng trong tháng 4-2013, BIDV Dak Lak tiếp tục tung ra gói tín dụng ưu đãi cho vay sản xuất kinh doanh, dự kiến triển khai từ tháng 4 đến tháng 7-2013; lãi suất ưu đãi với mức 9%/năm trong thời gian 3 tháng đầu tiên kể từ thời điểm giải ngân, sau đó áp dụng theo lãi suất cho vay thông thường cùng kỳ hạn. BIDV Dak Lak cho biết, cũng với mục đích tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, từ ngày 13-5-2013 đã tiến hành điều chỉnh giảm lãi suất cho vay về mức 13%/năm đối với các khoản vay còn dư nợ đến ngày 12-5-2013 có mức lãi suất cao hơn 13%/năm. Tương tự, Chi nhánh NH TMCP Ngoại thương Dak Lak (VCB Dak Lak) cũng đã tiến hành điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, theo đó, lãi suất cho vay ngắn hạn thông thường hiện chỉ còn khoảng 10%-12%/năm (tùy thời gian vay); các lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp nông thôn, DN nhỏ và vừa, xuất khẩu) khoảng 10%/năm; cho vay tiêu dùng khoảng 11%-13%/năm. Trong trường hợp khách hàng được đánh giá tốt theo tiêu chuẩn của VCB Dak Lak thì có thể được xem xét cho vay mới mức lãi suất khoảng 8%-10%/năm. Ngoài ra, từ ngày 13-5-2013, VCB Dak Lak cũng đã tiến hành điều chỉnh lãi suất về mức tối đa 13%/năm đối với các khoản vay cũ đang có mức lãi suất cao hơn 13%/năm. Theo tính toán, tổng dư nợ được điều chỉnh về mức lãi suất tối đa 13%/năm lần này khoảng 2.000 tỷ đồng. Tại Chi nhánh NH TMCP Công thương Dak Lak (Vietinbank Dak Lak), lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh thông thường cũng đã giảm xuống mức từ 9%-12%/năm; các lĩnh vực ưu tiên là 10%/năm…
Mặc dù lãi suất cho vay đã được điều chỉnh giảm khá nhiều so với mức lãi suất cuối năm 2012, nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn rất thấp so với mục tiêu định hướng. Bên cạnh nguyên nhân mùa vụ, thông thường tín dụng trên địa bàn giảm vào quý II và III hằng năm, tín dụng tăng trưởng chậm còn do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu. Ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Vietinbank Dak Lak tâm sự: Những tháng đầu năm, việc tìm kiếm khách hàng để cho vay rất khó khăn. Các DN đủ điều kiện thì không có nhu cầu vay hoặc đã vay rồi, còn DN muốn vay thì lại không đáp ứng các quy định của NH như tài sản thế chấp không có, dự án thiếu tính khả thi hoặc đầu tư vào những ngành có rủi ro cao. Đối với khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh cá thể, việc tìm khách hàng cho vay cũng đã được các NH chú trọng, nhiều khách hàng mới đã được giải ngân cho vay nhưng nhu cầu vay của đối tượng khách hàng này tương đối thấp, chỉ một vài trăm triệu/khách hàng, do đó đóng góp không đáng kể vào tăng trưởng dư nợ chung. Trong khi đó, nhiều DN cho rằng, tại thời điểm này, dù NH có tiếp tục giảm lãi suất cũng chưa chắc giải quyết được vấn đề đưa vốn ra nền kinh tế, khi mà thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi thì việc giảm lãi suất cho vay cũng không khuyến khích DN vay vốn. Mặt khác, sau một thời gian chống chọi với khó khăn, hiện nhiều DN đã bị mất bạn hàng, thị trường nên lãi suất có thấp cũng không dám vay.
Xung quanh câu chuyện đi vay và cho vay, nhiều ý kiến cho rằng vấn đề hiện nay đã vượt quá tầm giải quyết của NH lẫn khách hàng, nếu để NH và khách hàng tự giải quyết với nhau sẽ không có kết quả do thực trạng này có nguyên nhân từ nền kinh tế. Điều này đặt ra yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước phải vào cuộc, nhanh chóng ban hành và thực thi các chính sách phù hợp trong việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.
Lê Ngọc
Ý kiến bạn đọc