Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Bông: Ngô được mùa, lại lo mất giá!

09:40, 09/08/2013

Vụ ngô năm nay, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Krông Bông đã sử dụng giống ngô lai mới NK 67, 30Y nên có năng suất khá cao: bình quân đạt 8-10 tạ/ 1sào; thậm chí có gia đình đạt 12 tạ/ sào. Anh Trần Văn Đức, người dân ở thôn 2 xã Hòa Lễ cho biết: “Do thời tiết khá thuận lợi, ít sâu bệnh, cây ngô sinh trưởng và phát triển tốt. Bên cạnh đó, được Ban tự quản thôn và Trung tâm Khuyến nông huyện phổ biến giống ngô cao sản mới và tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ngô lai cho bà con nên hầu hết các hộ trồng đều thu được năng suất cao”.

Được mùa ngô, nhưng gia đình ông Mai Văn Kế vẫn không vui.
Được mùa ngô, nhưng gia đình ông Mai Văn Kế vẫn không vui.

Tuy nhiên, ngô được mùa nhưng giá cả năm nay lại hạ hơn năm ngoái khiến nhiều người dân không khỏi lo ngại. Hiện tại giá ngô hạt tươi đầu vụ giao động từ 3.700- 3.800 đồng/kg (giảm 4-5 giá so với thời điểm năm ngoái); trong khi đó từ khi trồng cho đến lúc thu hoạch, bình quân 1 ha phải đầu tư cả chục triệu đồng tiền vật tư phân bón, chưa kể hàng trăm công lao động. Ông Mai Văn Kế, nguyên Chủ tịch xã Hòa Lễ cho biết: “Mặc dù vụ ngô năm nay nhiều gia đình thu được khoảng 30 triệu đồng/ha nhưng cũng không được lãi là bao. Bởi bà con trồng ngô hiện nay thường thiếu vốn tái sản xuất, phải ở trong tình trạng làm vụ sau trả nợ vụ trước, không có tiền mua giống, phân bón, thuốc trừ sâu, nên họ phải nợ các đại lý, cơ sở thu mua ngô với lãi suất tương đối cao, chưa kể vật tư mua tại đại lý đều cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Và dường như đã trở thành quy luật, năm được mùa thì giá ngô rẻ, năm mất mùa thì giá tăng. Bên cạnh đó, với cách sản xuất hiện tại thì giá có cao, người dân cũng không đủ trả nợ cũ. Chưa kể nhiều yếu tố bất lợi khác do đầu ra phụ thuộc hoàn toàn vào các tiểu thương thu mua nên rất bấp bênh; đặc biệt là ở những vùng sâu, vùng xa đường sá khó khăn, người dân bỏ nhiều công lao động nhưng lại bị tiểu thương ép giá…”.

Qua tìm hiểu được biết, ngay từ khi chuẩn bị vào vụ sản xuất, các tư thương đã thay các tổ chức tín dụng cho người trồng ngô vay vốn sản xuất, bán vật tư cho họ. Đến khi thu hoạch, tư thương cũng là lực lượng có mặt tại các nông hộ để thu mua. Nhiều tư thương còn mở đường lên tận nương rẫy để vận chuyển thu mua ngô. Có thể nói, thị trường ngô ở huyện Krông Bông được các tư thương nắm trọn gói từ lúc gieo hạt đến khi bán sản phẩm và thu lãi qua từng công đoạn. Một số tiểu thương chuyên thu mua nông sản trong huyện cho biết, nếu như trước đây kinh doanh nông sản là lĩnh vực đầu tư hấp dẫn, thì nay nhiều doanh nghiệp, đại lý kinh doanh nông sản cũng gặp không ít khó khăn do được mùa nhưng giá lại giảm mạnh nên không bán được; mặt khác do một số giống nông sản nước ngoài trôi nổi trên thị trường rẻ hơn nhiều so với giá nông sản ở địa phương. Đặc biệt hai năm trở lại đây nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, sức mua trên thị trường giảm, cung vượt cầu, lãi suất ngân hàng tăng, ngành chăn nuôi hoạt động chưa hiệu quả, nhiều nơi đã thu hẹp sản xuất hoặc chuyển hướng kinh doanh; thêm vào đó dịch bệnh xảy ra khiến đàn gia súc, gia cầm giảm mạnh nên nhu cầu tiêu thụ thức ăn chăn nuôi giảm, kéo theo việc thu mua nông sản cũng gặp nhiều khó khăn ở khâu bao tiêu.

Thiết nghĩ, để giải quyết bài toán trồng ngô ở huyện Krông Bông và thu hút người nông dân, trước hết cần có sự quan tâm đầu tư thích đáng cho người trồng từ nguồn vốn vay phát triển sản xuất, giống, phân bón, tới đầu ra bảo đảm ổn định; tiến hành kiểm định, xử lí những giống ngô không rõ nguồn gốc bán trôi nổi trên thị trường; đặc biệt là cần có cơ sở chế biến nguồn nguyên liệu tại chỗ, nâng cao giá trị sản phẩm. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng nên tham mưu cho địa phương rà soát lại quy hoạch sản xuất, chuyển một phần diện tích đất trồng ngô sang trồng các loại cây khác phù hợp với thổ nhưỡng và mang lại hiệu quả kinh tế cao….

Nguyễn Trung Thu   


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.