Multimedia Đọc Báo in

Tâm lý sản xuất "thừa hơn thiếu": Nông dân tự làm khó mình

10:02, 17/03/2014

Những tưởng cứ chấp nhận đầu tư “thừa” một chút để đem lại hiệu quả, nhưng thực tế tâm lý và thói quen canh tác ấy của nhiều nông dân hiện nay không chỉ gây lãng phí mà còn để lại những hệ lụy lâu dài…

Những ngày này, vợ chồng ông Tôn Văn Quang ở thôn 2, xã Ea Kpam ( huyện Cư M’gar) đang ra sức tưới cà phê để chống hạn. Nhưng có một việc mà mùa tưới nào cũng vậy, ông không thể quên làm đó là rắc vôi trước khi tưới. Hỏi ra mới biết ông làm vậy với suy nghĩ có vôi sẽ chống được mối cho cà phê và đỡ chua đất. Gia sản có 3 sào cà phê nên vợ chồng ông dồn cả tâm sức vào chăm sóc. Một vụ bón 4 đợt phân, chủ yếu là phân vô cơ, còn tưới thì cứ thấy cây héo là tưới, trung bình khoảng 5 đợt tưới. Ấy vậy mà cây cà phê vẫn cứ xấu và cằn cỗi thấy rõ; còn về năng suất, ông Quang buồn rầu: “Vụ vừa rồi 3 sào cũng chỉ thu được có 3 tạ nhân, bán được 10 triệu 500 nghìn đồng, trừ chi phí dầu tưới, phân bón, thuốc trừ sâu đã mất 8 đến 9 triệu đồng. Vậy là làm cả năm chỉ lãi được có 1 triệu đồng, đó là chưa kể tiền công sá”.
Tưới quá nhiều nước không chỉ làm tăng chi phí sản xuất mà còn tăng nguy cơ sụt giảm mạch nước ngầm.
Tưới quá nhiều nước không chỉ làm tăng chi phí sản xuất mà còn tăng nguy cơ sụt giảm mạch nước ngầm.

Câu chuyện của ông Quang không phải lạ khi hầu hết nông dân sản xuất cà phê vẫn có tâm lý: luôn luôn sợ cà phê thiếu nước nên đã tưới là tưới cho… xả láng, sợ cà phê thiếu chất nên đã bón phân là bón nhiều hơn nhu cầu cần thiết, trong khi chủ yếu lại là phân vô cơ. Điều này vô hình trung nông dân đã tự làm khó mình khi đất đai bị thoái hóa hay thường gọi là “chua đất” và vườn cà phê xuống cấp nhanh chóng. Còn về nước tưới, với cách tưới gốc như hiện nay, theo tính toán, lượng nước tưới bình quân khá cao, khoảng 650 lít/cây/lần. Thêm nữa  khoảng 80% diện tích cà phê trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có cây che nắng và chắn gió, khiến lượng nước tưới nhanh chóng bị rút đi; trong khi việc trồng cây che bóng giúp giảm từ 1-2 đợt tưới cho nông dân, có thể tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng đầu tư cho thủy lợi. Theo đó, chi phí đầu tư nhân công, dầu tưới cho số lần tưới ngày càng cao. Mặc dù nước tưới vẫn được coi là “của trời cho” nhưng nếu không có thay đổi nhận thức, cân đối, tính toán trong canh tác thì lượng nước ngầm đã, đang và sẽ sụt giảm nhanh chóng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất. Điều tra của ngành chức năng cho thấy, với kiểu tưới tràn đang phổ biến hiện nay của nông dân gây lãng phí khoảng 200 triệu mét khối nước mỗi năm.

Tâm lý sản xuất thừa hơn thiếu càng trở thành bài toán không đơn giản khi hầu hết cây trồng hàng năm, cây công nghiệp trên địa bàn tỉnh đều nằm trên diện tích phân bố tầng chứa nước chính là phun trào bazan. Chỉ tính riêng đối với cây cà phê, 49,7% diện tích cà phê toàn tỉnh được tưới từ nước hồ, đập, trạm bơm trên các sông, suối; 56% được tưới bằng nguồn nước ngầm thông qua giếng khoan, giếng đào và khai thác mạch lộ đầu nguồn. Ngoài việc ra sức tưới, trong canh tác nông dân sử dụng một lượng lớn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... Chính điều này khiến thành phần của nước dưới đất bị biến đổi. Nạn đốt phá rừng đặc biệt là rừng đầu nguồn để lấy đất canh tác đã làm ảnh hưởng rất lớn đến lưu giữ, điều tiết nước mưa cấp cho nước ngầm. Hệ quả là nông dân càng ra sức tưới chống hạn cho cà phê trong tâm trạng thà thừa hơn thiếu thì hạn càng nặng, biểu hiện rõ nhất là rất nhiều giếng đào, thậm chí là khoan không có nước.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia ngành nông nghiệp, không phải cứ đầu tư nhiều, dư thừa mà tốt. Với cách bón phân hiện nay, nông dân phải cắt giảm từ 10-23% lượng phân bón. “Nhất nước, nhì phân”, nhưng điều đó có nghĩa không phải cứ tưới nước thật nhiều, bón nhiều phân là tốt. Tất cả những tâm lý canh tác ấy chỉ làm lãng phí một cách vô ích nhất là khi giá cả vật tư ngày càng tăng và gây hệ lụy lâu dài do đất đai thoái hóa, tài nguyên nước ngầm sụt giảm. Câu chuyện này chẳng của riêng ai…

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.