Cần điều chỉnh chính sách cho vay tái canh cà phê
Tuy nhiên, tại Hội nghị triển khai hỗ trợ nông dân vay vốn thực hiện chương trình tái canh cà phê trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột mới đây, theo một số lãnh đạo các địa phương có diện tích cà phê tập trung, thì phần lớn hộ cá nhân sản xuất cà phê chưa tiếp cận với chương trình hỗ trợ vốn vay tái canh cà phê. Về vấn đề này, Ngân hàng Agribank Dak Lak cho biết: Tính từ tháng 6-2013 đến ngày 31-5-2014, Ngân hàng Agribank Dak Lak đã ký hợp đồng tín dụng cho 8 doanh nghiệp và 366 hộ gia đình vay tái canh được 967 ha và cũng mới giải ngân được 110 tỷ đồng, trong khi, diện tích cà phê Dak Lak hầu hết thuộc sở hữu hộ gia đình, cá nhân quản lý. Qua trao đổi tại Hội nghị cho thấy, nguyên nhân vốn vay hỗ trợ thực hiện chương trình tái canh cà phê chưa đến tận nông dân là do vấn đề tuyên truyền, thông báo về chương trình hỗ trợ cho vay tái canh cà phê chưa phổ biến rộng rãi, cụ thể và rõ ràng, nên người sản xuất cà phê chưa nắm bắt thông tin kịp thời và chính xác, và cũng chưa hiểu rõ việc hỗ trợ vay vốn tái canh trong đó có cả hỗ trợ vốn vay “cải tạo” (cưa đốn và ghép chồi) nên sự tiếp cận nguồn vốn vay còn hạn chế. Thậm chí một số lãnh đạo địa phương cũng chỉ biết “có nghe chủ trương” nhưng chưa cụ thể nên khó triển khai trong nông dân…
Theo Bộ NN&PTNT, để đảm bảo cà phê phát triển bền vững, thời gian tái canh tối thiểu phải mất 5 năm, trong đó ít nhất là 2 năm cho việc nhổ bỏ, luân canh các loại cây phù hợp để cải tạo đất và tối thiểu 3 năm cho thời gian kiến thiết cơ bản, trong thời gian dài chưa có thu hoạch thì việc trả lãi Ngân hàng (9-9,5%/năm) không phải là dễ, chưa kể việc hoàn trả vốn vay đúng thời hạn, khi cà phê đang trong thời kỳ thu bói. Một khó khăn nữa là vấn đề thế chấp tài sản để vay vốn tái canh: Với giá đất vườn cà phê (sau khi nhổ bỏ cà phê già cỗi để tái canh) là giá đất thuần nông, theo quy định, tính ra 1 ha đất sản xuất cà phê có giá trị từ 60 đến 160 triệu đồng (tại điểm a, khoản 2, điều 4 của quy định về giá các loại đất trên địa bàn huyện, thị xã, và thành phố của tỉnh Dak Lak, kèm QĐ số 41/QĐ-UBND ngày 31-12-2013 của UBND tỉnh Dak Lak), mà định mức cho vay tối đa không quá 75% giá trị tài sản thế chấp, như vậy nếu không còn tài sản khác để thế chấp thì khó có thể vay tối đa số tiền cần tái canh theo quy định cho phép vay. Chưa kể, phần lớn số hộ sản xuất cà phê đã dùng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thế chấp vay vốn sử dụng cho các nhu cầu khác trước đó nên việc thế chấp tài sản để vay vốn tái canh là hết sức khó khăn.
Để việc vay vốn hỗ trợ cho chương trình tái canh cà phê đến tận người sản xuất, đáp ứng nhu cầu và đạt hiệu quả nên chăng cần có những giải pháp thiết thực hơn. Trước hết các địa phương cần nắm bắt nhu cầu tái canh trên địa bàn để phối hợp với Ngân hàng trong việc hỗ trợ nông dân vay vốn kịp thời, bảo đảm thời vụ cải tạo, tái canh cà phê đạt hiệu quả. Cần nắm bắt những khó khăn thực tế đối với nông dân để có đề xuất, xây dựng các giải pháp hợp lý hơn (nhất là có thể linh động mức lãi vay, mức cho vay tối đa đối với giá tài sản thế chấp là vườn cây tái canh…) để tạo điều kiện cho nông dân dễ dàng hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay. Hộ nông dân có nhu cầu vốn tái canh từ 50 triệu đồng trở xuống, nếu chứng minh có phương án sản xuất kinh doanh khả thi, đủ điều kiện trả nợ gốc, lãi vốn vay và sử dụng vốn vay hiệu quả, có thể cho vay tín chấp.v.v…
Hồ Thị Cẩm Lai
(Phòng Kinh tế - UBND TP.Buôn Ma Thuột)
Ý kiến bạn đọc