Multimedia Đọc Báo in

Đề cao văn hóa doanh nghiệp trong ngành Điện – Hướng đến phục vụ khách hàng tốt hơn

20:10, 21/09/2014

Cùng với việc nỗ lực nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh  doanh, thời gian qua, Công ty Điện lực Dak Lak luôn chú trọng đến việc xây dựng nếp sống văn hóa doanh nghiệp nhằm góp phần tạo nền tảng cho đơn vị phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn.

Công ty Điện lực Dak Lak chịu trách nhiệm bán điện cho gần 430.000 khách hàng và hiện đang quản lý, vận hành trên 8.300 km đường dây trung, hạ áp và trên 3.500 trạm biến áp trong tỉnh. Vì sản phẩm điện năng là nhu cầu thiết yếu, không thể thiếu đối với đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân nên làm thế nào để giữ vững uy tín, nâng cao chất lượng và niềm tin đối với khách hàng là điều không dễ. Trong bối cảnh đó, song song với việc tập trung xây dựng cơ sở vật chất, chủ động đầu tư lưới điện rộng khắp, với trên 96% người dân trong tỉnh có điện lưới quốc gia, Công ty đẩy mạnh xây dựng nếp sống văn hóa doanh nghiệp cho cán bộ, công nhân viên trong ngành như đề cao phong cách ứng xử, thái độ lịch thiệp, đúng mực trong giao tiếp và tận tình phục vụ khách hàng... Trong đó, có quy định bắt buộc cán bộ, nhân viên phải niềm nở, tận tình với khách hàng, nếu có phản ánh nào từ phía khách hàng về thái độ phục vụ chưa tốt của nhân viên thì nhân viên đó sẽ bị xem xét cắt giảm thi đua trong tháng, quý. Đặc biệt, từ cuối năm 2013, phòng giao dịch khách hàng kiểu mẫu được đầu tư khang trang, thoáng mát và đầy đủ tiện nghi tại 15 điện lực trong tỉnh, với kinh phí lên đến hơn 3,2 tỷ đồng, đã mang đến sự hài lòng, thoải mái cho khách khi đến giao dịch. Nhưng quan trọng hơn là phong cách phục vụ khách hàng của cán bộ, nhân viên ngành Điện không ngừng được cải tiến, khi đến các quầy giao dịch của điện lực, được nghe lời ăn tiếng nói, thái độ cư xử, phục vụ của nhân viên ở đây luôn thường trực những cụm từ “cám ơn”, “xin lỗi”… khách dù khó tính vẫn cảm thấy hài lòng.

Khách hàng đến giao dịch tại Phòng giao dịch Công ty Điện lực Dak Lak.
Khách hàng đến giao dịch tại Phòng giao dịch Công ty Điện lực Dak Lak.

Bên cạnh đó, Điện lực Dak Lak đã không ngừng cải tổ công tác tổ chức, nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực thi công, sửa chữa, khắc phục sự cố công trình, đường điện… Trong thời điểm khó khăn nhất, Công ty luôn chủ động tìm cách bảo đảm nguồn điện liên tục, ổn  định phục vụ nhu cầu  sản xuất và sinh hoạt của người dân, nhất là trong mùa khô, đơn vị luôn có kế hoạch duy trì, bảo dưỡng định kỳ các thiết bị nguồn, lưới điện; đẩy mạnh tuyên truyền người dân nâng cao ý thức tiết kiệm điện. Mùa mưa bão, dễ xảy ra sự cố mất điện nên đơn vị luôn bố trí lực lượng trực ca liên tục để kịp thời xử lý khi có sự cố xảy ra. Đặc biệt, sau nhiều nỗ lực, đến nay Ngành đã bảo đảm được việc lắp đặt mới điện 1 pha và 3 pha, rút ngắn  từ 7 ngày xuống còn 3 ngày, khi khách hàng báo mất điện thì việc sửa điện chỉ gói gọn trong vòng 2 giờ, và bảo đảm cấp điện trở lại khi nhận được phiếu đóng điện trong vòng 8 giờ.

Quá trình vận động thực hiện văn hóa doanh nghiệp của Ngành còn được tổ chức dưới nhiều hình thức khác nhau, như lồng ghép trong các buổi sinh hoạt chuyên đề, các hội thi, hội diễn “Giao tiếp khách hàng giỏi”, “Phòng giao dịch kiểu mẫu”; tập huấn về giao tiếp khách hàng cho cán bộ công nhân viên trong Ngành.

Việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong ngành Điện dù mới chỉ bắt  đầu, nhưng đã tạo được niềm tin và sự hài lòng cho khách hàng. Mặc dù còn nhiều việc phải làm, nhưng có thể nói, đây là nền tảng xuyên suốt cho việc tăng cường, tạo dựng uy tín, thương hiệu và cải thiện hình ảnh của Ngành trong mắt người dân.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.