Tạm trữ cà phê: Rủi nhiều, may ít
Khi giá cà phê trên thị trường có nhiều biến động (vào thời điểm đầu niên vụ thu hoạch thường có mức giá thấp và tăng lên ở những tháng giữa năm) là cơ hội cho nhiều doanh nghiệp và hộ tư nhân thu mua tạm trữ cà phê kiếm lời. Tuy nhiên, hình thức kinh doanh này nếu không nắm bắt thời điểm mua - bán và việc bảo quản cà phê thiếu hợp lý cũng dễ trở thành “dao hai lưỡi”…
Thường cứ vào niên vụ cà phê hằng năm (khoảng từ cuối tháng 10 năm này đến đầu tháng 3 năm sau), giá cà phê hạt trên thị trường giảm mạnh. Mặc dù vậy, thời điểm này có không ít hộ dân phải bán cà phê để trả nợ ngân hàng, các đại lý vật tư nông nghiệp, thuốc trừ sâu, phân bón…; đồng thời thuê nhân công thu hoạch cà phê và phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong gia đình. Đây là thời điểm được đánh giá là khá thuận lợi cho nhiều người kinh doanh thu mua tạm trữ cà phê chờ đến khi giá tăng bán kiếm lời. Anh Trần Văn Hiệp ở xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn cho biết, ngay từ đầu niên vụ cà phê 2013-2014, khi giá cà phê xuống thấp khoảng 31.000 đồng/kg, anh đã đầu tư trên 200 triệu đồng để mua gần 7 tấn cà phê để tạm trữ. Đến tháng 5 vừa qua anh bán với giá 41.000 đồng/kg, trừ chi phí thì lãi được khoảng 30 triệu đồng. Cũng như anh Hiệp, chị Hồ Thị Hạnh, chủ doanh nghiệp tư nhân ở phường Đạt Hiếu (thị xã Buôn Hồ) đã nhiều năm làm nghề thu mua cà phê của người dân để xuất bán cho công ty mẹ ở TP. Hồ Chí Minh. Thời điểm đầu mùa thu hoạch, chị mua tạm trữ được 30 tấn cà phê và mới xuất bán hồi đầu tháng 9 vừa qua với giá trên 40.000 đồng/kg. Chị Hạnh cho hay, việc tạm trữ cà phê đòi hỏi phải có nhiều kinh nghiệm thì mới suy đoán được thời điểm nào nên mua vào và bán ra. Bên cạnh đó, việc tạm trữ cà phê phải có kho chứa bảo đảm cà phê không bị ẩm mốc và mất trộm. Khi muốn bán cà phê ra cũng phải có doanh nghiệp thu mua hết với số lượng lớn để tránh tình trạng thất thoát hàng khi mua bán nhỏ lẻ.
Anh Nguyễn Văn Hưng ở xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn) phải phơi lại cà phê tạm trữ để tránh bị ẩm mốc. |
Bên cạnh những trường hợp người tạm trữ cà phê thu lợi nhuận cao thì cũng có nhiều hộ kinh doanh không có lãi, thậm chí là thua lỗ. Đó là hoàn cảnh của anh Nguyễn Văn Hưng ở xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn) khi đầu tư gần 300 triệu đồng mua 8 tấn cà phê từ giữa niên vụ 2013-2014 (khi đó cà phê đang ở mức 34.000 đồng/kg). Anh Hưng than thở: Do thấy những năm trước, nhiều người trong xã đầu tư mua cà phê tạm trữ thu lợi nhuận cao nên năm vừa qua anh cũng dốc hết vốn liếng của gia đình để làm theo. Tuy nhiên, trong quá trình tạm trữ, do không có kho chứa bảo quản tốt nên cà phê của anh đã bị ẩm mốc, hạt đen và hao hụt còn 7,8 tấn. Đã vậy, anh còn bị tư thương ép giá khi thu mua nhân xô ở mức thấp hơn giá thị trường 3.000 đồng/kg. Hay như trường hợp của gia đình anh Nguyễn Trọng Châu, chủ doanh nghiệp kinh doanh cà phê nhiều năm ở xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột), niên vụ vừa rồi cũng tạm trữ hơn 300 tấn cà phê. Anh cho biết: Để có vốn thu mua tạm trữ cà phê anh đã vay ngân hàng với số tiền trên 9 tỷ đồng. Giá cà phê năm nay biến động lên xuống bất thường hơn so với năm ngoái, chờ đợi mấy tháng ròng mà giá vẫn cứ ì ạch, lúc lên cao lắm cũng chỉ được 5.000 đồng/kg rồi lại tụt xuống 2.000-3.000 đồng/kg. Để cà phê lâu ngày trong nhà thì không có vốn làm việc khác, trong khi đã đến kỳ hạn phải trả lãi và gốc cho ngân hàng. Không còn cách nào khác, đầu tháng 9 vừa qua anh đành bán cà phê ra với giá chỉ cao hơn lúc thu mua khoảng 400 đồng/kg. Trừ các khoản chi phí thuê kho bãi cất trữ cà phê, thuê người trông coi và trả lãi cho ngân hàng, thì anh bị lỗ khoảng hơn 300 triệu đồng…
Ông Lê Tiến Hùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Xuất nhập khẩu 2-9 (Simexco DakLak) nhận định: Việc kinh doanh cà phê theo hình thức thu mua tạm trữ đối với các doanh nghiệp nhỏ và hộ tư nhân trên địa bàn tỉnh đang cho thấy nhiều khó khăn và rủi ro cao, nhất là những hộ thiếu vốn phải đi vay nợ để đầu tư, thiếu kho bãi cất trữ cà phê hợp lý… Thực tế cho thấy việc tạm trữ cà phê chỉ là hình thức tự phát, chạy đua theo lợi nhuận trước mắt, chưa thông qua giao dịch chính thức trên sàn giao dịch cà phê, trong khi phần lớn người dân đều thiếu hiểu biết về các thông tin thị trường. Từ đó, khi giá cả cà phê nhân lên - xuống bấp bênh thì người kinh doanh dễ bị giao động và sẵn sàng bán đổ bán tháo để mong thu hồi vốn. Trên địa bàn tỉnh đã có rất nhiều trường hợp bị vỡ nợ cũng vì đổ xô tạm trữ cà phê. Đấy là bài học đắt giá, đòi hỏi người dân cần cân nhắc kỹ khi quyết định đầu tư vào lĩnh vực này, tránh tình trạng “tiền mất… nợ mang”.
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc