Triển vọng làm giàu từ cây bơ trái vụ
Những năm gần đây, nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Cư M’gar đã mạnh dạn phá bỏ những vườn cà phê già cỗi, năng suất thấp để đưa vào trồng giống bơ trái vụ (bơ booth 7) và bước đầu giống cây này mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Gia đình anh Bành Việt Tùng (thôn 4, xã Ea Kpam) là một trong những hộ đầu tiên tại địa phương đưa giống bơ này về trồng tại rẫy cà phê của gia đình. Hiện tại, vườn bơ của anh Tùng đang bước vào mùa thu hoạch rộ. Dẫn chúng tôi đi thăm vườn cây trĩu quả đong đưa theo gió, anh Tùng hồ hởi cho biết: “Năm 2009, được sự tư vấn của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, tôi nhận thấy mô hình trồng bơ trái vụ cho hiệu quả kinh tế cao gấp 3-4 lần so với bơ chính vụ mà lại tốn ít chi phí, công chăm sóc nên tôi mạnh dạn phá bỏ 3 ha cà phê già cỗi để đầu tư trồng hơn 500 cây bơ trái vụ (bơ booth 7)”. Đến nay, vườn cây của gia đình anh đã bắt đầu cho thu hoạch lứa quả đầu tiên. Giống bơ này ra hoa vào tháng 1 đến tháng 3 hằng năm và cho thu hoạch vào tháng 10 đến tháng 12. Mặc dù cho thu hoạch trái vụ nhưng năng suất của bơ booth không thua kém bơ chính vụ. Đặc biệt, ưu điểm của loại bơ này là quả to và đều, trung bình khoảng 3-5 quả/kg, ruột vàng, giá trị dinh dưỡng cao. Thời gian từ khi thu hoạch quả đến khi quả chín khoảng 15 ngày, vỏ bơ dày nên thuận lợi cho vận chuyển, bảo quản sản phẩm. Hơn nữa, trồng bơ tương đối nhàn, không phụ thuộc nhiều vào công lao động, đến mùa thu hoạch, nếu không có người thuê để thu hái thì có thể bán sỉ cho tư thương (tư thương tự mua khoán vườn cây, tự thu hái theo dạng “lời ăn lỗ chịu”…)”.
Anh Bành Việt Tùng (thôn 4, xã Ea Kpam) - một trong những hộ đầu tiên trồng bơ booth đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. |
Nhận thấy mô hình trồng bơ booth của gia đình anh Tùng không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn dễ trồng, tiết kiệm công chăm sóc nên nhiều hộ dân trong và ngoài huyện đã đến tham quan, học tập. Đến nay cũng đã có thêm nhiều hộ nông dân vươn lên làm giàu từ loại cây trồng này. Chẳng hạn như gia đình anh Phạm Văn Bình (ở xã Ea Kpam), với 5 sào cà phê trồng xen 38 cây bơ, bình quân hằng năm thu nhập từ cây bơ trồng xen (chủ yếu giống bơ booth và bơ rải vụ chín sớm) gần 100 triệu đồng và trên 120 triệu đồng thu nhập từ cây cà phê (theo giá thị trường hiện nay). Còn hộ gia đình ông Ama Tim (xã Cuôr Đăng) trồng xen 8 cây bơ trong vườn, hằng năm thu nhập thêm trên 30 triệu đồng. Gia đình anh Lê Văn Lợi (ở thôn 6, xã Ea Kpam), có trên 5 sào cà phê, anh đã trồng xen cây bơ booth trái vụ và mỗi năm cũng đã cho tổng thu nhập gần 100 triệu đồng. Đến nay, toàn huyện Cư M’gar có khoảng 150 ha bơ, trong đó có trên 80 ha bơ trồng xen canh vườn cà phê, còn lại là bơ trồng thuần.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cư M’gar Phạm Quang Mười cho biết: "Bơ booth 7 do gia đình anh Bành Việt Tùng trồng là giống nhập ngoại, từng được Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam đưa vào trồng thử nghiệm. Loại cây này rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở vùng đất Cư M'gar. Bơ booth là loại cây dễ trồng, tiết kiệm công chăm sóc, kháng sâu bệnh tốt và cho năng suất, chất lượng cao. Mật độ trồng loại bơ này khoảng 6x6 mét, sau 3-4 năm là thu hoạch, bình quân mỗi cây có thể cho từ 200-300 kg quả/năm, với giá hiện tại là 50-60 nghìn đồng/kg, tính ra mỗi héc-ta bơ có thể cho thu nhập không dưới 100 triệu. Thời gian tới, ngành Nông nghiệp huyện sẽ chú trọng trong việc tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật phòng, trừ sâu bệnh và giúp người dân tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch…”.
Theo Viện Khoa học Kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên, việc đa canh trong vườn cà phê, trong đó có mô hình trồng xen bơ nhằm giúp cho các nông hộ tránh được nguy cơ thua lỗ trong trường hợp độc canh một loại cây trồng. Đặc biệt, đối với vùng Tây Nguyên, trồng xen các loại cây ăn trái trong vườn cà phê còn có tác dụng tốt đến việc điều hòa khí hậu vườn cây, tăng độ ẩm, giảm nhiệt độ cần thiết góp phần giữ gìn cân bằng môi trường sinh thái, giúp vườn cà phê sinh trưởng, phát triển bền vững, tăng thu nhập cho bà con nông dân trên một đơn vị diện tích canh tác.
Mô hình trồng bơ trái vụ đã mở ra một hướng làm giàu mới cho người nông dân trên địa bàn huyện Cư M'gar nói riêng, Dak Lak nói chung. Mô hình này rất cần được nhân rộng ở những nơi có điều kiện phù hợp nhằm tăng thu nhập, làm giàu một cách bền vững cho nông dân.
Thế Hùng
Ý kiến bạn đọc