Multimedia Đọc Báo in

Doanh nghiệp với "cuộc chiến" bảo vệ thương hiệu

09:50, 29/12/2015

Hàng giả, nhái xuất hiện ngày một tinh vi cộng với việc tin đồn thất thiệt đã làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp (DN) làm ăn chân chính, đẩy họ vào thế khó: khó về kinh doanh và khó bảo vệ thương hiệu. “Cuộc chiến” để lấy lại niềm tin với người tiêu dùng (NTD) này vô cùng gian nan với lực lượng chức năng lẫn DN.

Từ lâu, giò chả Lan Liễu đã được nhiều người biết đến bởi hương vị đặc trưng của nó không giống bất kỳ khoanh giò chả nào có mặt trên thị trường. Khoanh chả bò, chả lụa trắng mịn, thơm ngon chấm nước mắm hoặc muối tiêu đã trở thành món “khoái khẩu” với nhiều người. Hơn 20 năm trong nghề, bà Nguyễn Thị Lan - chủ cơ sở sản xuất nem, chả Lan Liễu, phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột) rất kỹ lưỡng từ khâu chọn thịt (loại thịt tươi đến mức còn nóng ấm) để cho ra những khoanh giò tròn, đều, dậy mùi thịt pha lẫn các loại gia vị thơm nồng. Đặc biệt, bà chú trọng đến chất lượng, độ an toàn của sản phẩm và tuyệt đối không sử dụng hàn the để bảo đảm sức khỏe NTD. Nhờ đó, sản phẩm đã định hình được tên tuổi, thị phần nhất định trên thị trường, dù giá bán ra bao giờ cũng cao hơn 10.000-15.000 đồng/kg so với sản phẩm cùng loại. Thế nhưng, từ chỗ cạnh tranh không lành mạnh, một số cơ sở khác đã cố tình tung tin đồn thất thiệt, gây ảnh hưởng đến uy tín của đơn vị. Bà Lan chia sẻ, sản phẩm do cơ sở sản xuất đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm và đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận, thế nhưng, tin đồn giò chả Lan Liễu được làm từ thịt thối đã khiến NTD lo ngại và quay lưng lại với sản phẩm khiến cơ sở bị thiệt hại đáng kể. Cũng từ sự việc trên, bà nghĩ nhiều hơn đến việc bảo vệ thương hiệu dài lâu. Theo bà, để sản phẩm của mình có chỗ đứng nhất định trong lòng NTD đã khó, bảo vệ nó khỏi vấn nạn hàng giả, nhái hoặc tin đồn thất thiệt lại càng khó hơn.
Một công đoạn sản xuất giò chả tại cơ sở giò chả Lan Liễu
Một công đoạn sản xuất giò chả tại cơ sở giò chả Lan Liễu

Tương tự, tình trạng hàng giả, nhái tung hoành trên thị trường gây cho Công ty sản xuất mũ bảo hiểm Nón Sơn nhiều thiệt hại, quan trọng hơn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu của công ty. Đại diện Nón Sơn cho hay, hằng năm công ty luôn chú trọng cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, thế nhưng, vẫn không tránh được tình trạng hàng giả, nhái. Chỉ vài tháng sau khi sản phẩm của công ty ra đời, thị trường lại xuất hiện nhan nhãn mũ bảo hiểm được giới thiệu là Nón Sơn nhưng chất lượng kém, điều này đã làm giảm niềm tin của NTD đối với sản phẩm Nón Sơn.

Ai cũng biết, thương hiệu và uy tín và điều mà DN phải mất bao nhiêu công sức, tiền của để gây dựng mới thành, thế nhưng, lại dễ dàng bị phá vỡ chỉ trong một thời gian ngắn. Điều này khiến nhiều DN làm ăn chân chính không khỏi thấy xót xa và lo ngại, NTD thì bị mất niềm tin vào sản phẩm.

Đối phó với vấn nạn trên, nhiều DN đã chủ động phối hợp với cơ quan chức năng để góp phần “dẹp loạn” nạn hàng giả, nhái, tung tin đồn thất thiệt, bảo vệ NTD và  lấy lại công bằng cho đơn vị của mình. Thời gian qua, Nón Sơn là một trong những DN đã tìm đến, gõ cửa nhiều cơ quan chức năng để lên án cho hành vi sai trái của các gian thương. Nhiều lần, DN này chủ động phối hợp với lực lượng QLTT tỉnh ngăn chặn, phát hiện và xử lý các cơ sở kinh doanh, sản xuất mũ bảo hiểm Nón Sơn giả trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.

Thế nhưng, trong vấn nạn này, không phải cuộc đấu tranh nào phần thắng cũng nghiêng về phía DN. Đại diện Nón Sơn cho hay, việc tăng cường quản lý và “dẹp loạn” các điểm kinh doanh MBH không bảo đảm chất lượng không chỉ làm “sạch” thị trường mà còn góp phần lấy lại thị trường cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Thế nhưng, chỉ dẹp được một thời gian rồi đâu lại vào đấy, mũ bảo hiểm nhái, kém chất lượng vẫn bán tràn lan ở các quầy hàng lưu đông, vỉa hè. Tương tự, nói về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Lan bày tỏ, càng ê chề hơn khi tin đồn thất thiệt kia đã từng xuất hiện vào dịp cận tết - thời điểm được cho là “ăn nên làm ra’ của DN. Dù sau  đó, nhờ sự can thiệp kịp thời của cơ quan chức năng đã kịp thời xua tan tin đồn, thế nhưng, cơ sở vẫn đón trọn một mùa tết… thất thu.

Dù đã có nhiều nỗ lực của lực lượng chức năng nhưng khó có thể ngăn chặn hết mọi ngả đường của hàng giả, hàng lậu, kém chất lượng; và trên thực tế, vấn nạn này vẫn tồn tại, gây không ít thách thức đối với DN lẫn cơ  quan chức năng. Bày tỏ quan ngại trước vấn đề này, một cán bộ Chi cục QLTT tỉnh cho rằng, hàng giả, nhái lưu thông trên thị trường ngày càng tinh vi, NTD sẽ khó có thể phân biệt được đâu là hàng thật, hàng chính hãng mà không có sự cung cấp thông tin từ chính DN. Thế nhưng, cũng có trường hợp DN từ chối hoặc chỉ cung cấp thông tin để nhận dạng một cách nhỏ giọt vì sợ gian thương “nhái” sản phẩm của mình. Chính điều này càng “dung dưỡng” cho hàng giả có thêm “đất sống”, gây khó khăn cho cơ quan chức năng.

 Trâm Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.