Multimedia Đọc Báo in

Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Ka: Hiệu quả từ việc tuyên truyền quản lý, bảo vệ rừng

09:49, 14/03/2015

Trong những năm qua, Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Ka luôn phải đối mặt với tình trạng người dân lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy. Để khắc phục vấn nạn này, đơn vị đã tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp ngăn chặn, trong đó chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, thay đổi nhận thức của người dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và bước đầu đã thu được những kết quả đáng mừng.

Còn đó những khó khăn

Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Ka (BTTN) có diện tích 20.575 ha thuộc địa giới hành chính các xã: Buôn Tría, Buôn Triết, Đăk Nuê, Nam Ka, Ea R’bin (huyện Lak) và xã Bình Hòa (huyện Krông Ana). Do địa bàn trải dài, với khoảng 25.000 người dân sinh sống vùng ven của Khu bảo tồn, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ và người dân di cư từ miền núi phía Bắc vào, đời sống còn nhiều khó khăn, thiếu đất sản xuất nên thường xuyên xảy ra việc lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy; khai thác củi đốt, gỗ xây dựng nhà trái phép ngày càng tăng. Những vấn nạn đó đã tạo nên một áp lực lớn cho Khu BTTN Nam Ka trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Chỉ tính riêng năm 2014, khu bảo tồn đã xảy ra 42 vụ lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép để làm rẫy, với tổng diện tích khoảng 5,7 ha; 19 vụ khai thác, vận chuyển và cất giấu lâm sản, đưa phương tiện cơ giới vào rừng trái pháp luật, săn bắn động vật rừng và tàng trữ súng săn trái phép. Theo ông Nguyễn Văn Nhật, Giám đốc khu bảo tồn, nguyên nhân của tình trạng phá rừng làm rẫy là do diện tích rẫy của người dân nằm giáp ranh với rừng lồ ô, tre nứa của đơn vị, nên thường vào mùa khô, có chủ rẫy đã lợi dụng khi phát dọn đã lấn chiếm đất rừng cơi nới diện tích rẫy của mình. Trước tình trạng đó, đơn vị đã tăng cường lực lượng tuần tra ở những điểm nóng, nếu phát hiện vi phạm, đơn vị sẽ lập biên bản, đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức cưỡng chế; đóng bảng cấm phát dọn ở vùng đất lấn chiếm để rừng tự tái sinh, phục hồi. Đối với những hành vi phá rừng làm rẫy có tổ chức, đủ điều kiện để khởi tố, đơn vị sẽ chuyển hồ sơ sang các cơ quan chức năng liên quan để xử lý. Trong năm 2014, đã có một vụ phá rừng làm rẫy, 6 người trong một gia đình bị truy tố, phạt tù.

Một buổi tuyên truyền về quản lý, bảo vệ rừng của Khu BTTN Nam Ka cho bà con buôn Plao Siêng (xã Ea R'bin, huyện Lak).
Một buổi tuyên truyền về quản lý, bảo vệ rừng của Khu BTTN Nam Ka cho bà con buôn Plao Siêng (xã Ea R'bin, huyện Lak).

Chú trọng công tác tuyên truyền

Để làm tốt công tác quản lý bảo vệ diện tích rừng, ngoài việc tăng cường tuần tra kiểm soát, khu bảo tồn luôn chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ rừng của người dân ven rừng. Trong số 52 cán bộ nhân viên hiện có, đơn vị đã bố trí 38 nhân viên về 8 trạm để tham gia trực tiếp vào công tác quản lý, bảo vệ rừng và kiêm nhiệm việc tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia quản lý, bảo vệ rừng. “Chúng tôi xác định “phòng hơn chống” nên thường xuyên quán triệt nhân viên phải gần gũi với dân trên địa bàn mình phụ trách, tranh thủ thời gian để gặp gỡ tâm sự với bà con, qua đó lồng ghép tuyên truyền pháp luật về bảo vệ rừng”- ông Nhật cho hay.

Bữa cơm trưa trên đường tuần tra của nhân viên kiểm lâm Khu BTTN Nam Ka.
Bữa cơm trưa trên đường tuần tra của nhân viên kiểm lâm Khu BTTN Nam Ka.

Theo thống kê trong năm 2014, Khu BTTN Nam Ka đã tiến hành 211 buổi tuyên truyền, với sự tham gia của gần 4.000 người dân. Trong đó, có 12 buổi tuyên truyền tập trung tại các xã có tình hình vi phạm pháp luật bảo vệ rừng diễn ra phức tạp. Cùng với đó, để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, những năm gần đây, Khu bảo tồn còn phối hợp với Ban Dân vận huyện Lak tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, phát động quần chúng bảo vệ rừng. Nhờ đó, ý thức của người dân từng bước được nâng cao, tình trạng vi phạm lâm luật, phá rừng làm rẫy dần được cải thiện. Già làng Ay Huyền, buôn Plao Siêng (xã Ea R’bin, huyện Lak) cho hay: “Nhờ cán bộ kiểm lâm mà đồng bào mình trong buôn hiểu thêm cái quý của rừng đối với đời sống; phá rừng là đi tù; già luôn nhắc nhở con cháu trong buôn không được phá cái rừng làm rẫy nữa; không nghe lời kẻ xấu vào rừng khai thác lâm sản. Bây giờ, bà con mình đã chấp hành tốt việc bảo vệ rừng rồi”. Mặt khác, để tạo sinh kế cho đồng bào sống gần rừng, những năm gần đây, đơn vị cũng tiến hành giao khoán quản lý, bảo vệ rừng cho 820 hộ, với diện tích hơn 14.000 ha, người nhận khoán có nhiệm vụ phối hợp với lực lượng kiểm lâm của Khu bảo tồn tuần tra bảo vệ trên diện tích rừng mình nhận khoán, và được chi trả tiền theo chính sách dịch vụ môi trường rừng. “Việc giao khoán rừng cho dân là gắn quyền lợi, nghĩa vụ của họ với rừng, nên bảo vệ rừng cũng là bảo vệ cho chính nguồn thu nhập, lợi ích của người nhận khoán, từ đó công tác bảo vệ rừng ngày càng hiệu quả hơn cũng là điều dễ hiểu” - ông Nhật nói.        

                                                                                                                            Vạn Tiếp


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.