Multimedia Đọc Báo in

Hiện đại hóa hành chính công để đẩy mạnh cải cách hành chính

08:59, 11/08/2015

Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), xây dựng Chính phủ điện tử là mục tiêu quan trọng nhằm hiện đại hóa hành chính từ đó đẩy mạnh công tác cải cách hành chính (CCHC). Trong những năm qua, ở Đắk Lắk công tác này của tỉnh cũng đã được quan tâm và chú trọng.

Là một doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm cà phê, lại mới được thành lập chưa đầy 5 năm, nên ông Lê Viết Vinh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cà phê Y5 (có trụ sở tại TP. Buôn Ma Thuột) thường xuyên cập nhật những văn bản pháp quy về chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Lắk nói riêng và cả nước nói chung để từ đó xây dựng chiến lược phát triển lâu dài cho Công ty. Nếu như trước đây ông Vinh thường mất nhiều thời gian để tìm kiếm nội dung các văn bản, thì giờ đây chỉ cần một cú nhấp chuột vào Cổng thông tin điện tử tỉnh Đắk Lắk, mọi thông tin cũng như các văn bản cần thiết đều được cập nhật đầy đủ. “Không chỉ dừng ở việc tìm kiếm thông tin trên mạng, trong thời gian qua, việc ngành Thuế tỉnh triển khai công tác kê khai thuế, áp dụng hóa đơn điện tử và ứng dụng chữ ký số, chứng thực số phục vụ hoạt động thu/nộp thuế qua mạng; Cục Hải quan tỉnh ứng dụng CNTT triển khai Hệ thống thông quan tự động, đơn giản hóa thủ tục hành chính… đã thực sự giúp chúng tôi rất nhiều trong công việc, tiết kiệm thời gian và chi phí khi thực hiện các thủ tục hành chính”, ông Vinh chia sẻ.

Cán bộ Cục Thuế tỉnh nhận hồ sơ kê khai thuế qua mạng.
Cán bộ Cục Thuế tỉnh nhận hồ sơ kê khai thuế qua mạng.

Để có được những tiện ích như trên, ông Trần Trung Hiển, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, trong những năm qua, UBND tỉnh, cùng với các ban ngành, địa phương đã tiến hành nhiều biện pháp nhằm xây dựng, phát triển hạ tầng và đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động. Hiện 100% sở, ban, ngành có mạng nội bộ (LAN); 15 huyện, thị, thành ủy có hệ thống mạng chuyên dụng kết nối với Tỉnh ủy và đến 105/184 xã, phường, thị trấn trong tỉnh; hệ thống giao ban điện tử đã triển khai kết nối giữa UBND tỉnh và 14 điểm họp tại các huyện, thị xã; 100% sở ngành tiếp tục duy trì sử dụng hệ thống thư điện tử và hệ thống điều hành trực tuyến; 24/25 sở, ban, ngành có trang thông tin điện tử. Tất cả dịch vụ công trực tuyến đều cung cấp ở mức độ 1, mức độ 2 để người sử dụng có thể tải mẫu, biểu. Cục Hải quan tỉnh triển khai Hệ thống thông quan điện tử với tỷ lệ thực hiện thành công đạt 99,9% (2.045/2.047 tờ khai), cùng kim ngạch trên 150 triệu USD. Cục Thuế tỉnh triển khai phần mềm ứng dụng quản lý hồ sơ. Sở Nội vụ đã nhập dữ liệu vào phần mềm quản lý công chức đối với 2.150 công chức. Sở Tài nguyên và Môi trường ứng dụng thống kê – kiểm kê đất đai (TK5). Sở Tài chính áp dụng phần mềm đấu giá quyền sử dụng đất… Với những kết quả trên, chỉ số ứng dụng CNTT (ICT Index) do Bộ Thông tin – Truyền thông đánh giá năm 2014, Đắk Lắk đứng thứ 24/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. “Kết quả này cho thấy sự nỗ lực rất lớn của các cấp, ngành địa phương trong việc thực hiện công tác hiện đại hóa hành chính. Hiện các sở ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý, điều hành từ đó nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính”, ông Hiển cho biết.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa UBND thị xã Buôn Hồ.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa UBND thị xã Buôn Hồ.

Bên cạnh những ưu thế vượt trội của CNTT trong việc hiện đại hóa nền hành chính công, từ đó ứng dụng vào công tác CCHC thì nhược điểm của nó chính là nguy cơ mất an toàn,an ninh mạng; tiềm ẩn nhiều rủi ro bị đánh cắp thông tin trên các trang web điện tử. Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Thông tin và Truyền thông, ngay trong tháng 5-2015 vừa qua, đã có hàng trăm website của Việt Nam bị hacker tấn công, trong đó có những trang của cơ quan chính phủ (đuôi miền là gov.vn) và của giáo dục (edu.vn). Trước đó, vào tháng 5-2014, hơn 200 trang web của Việt Nam bị các hacker tấn công; tháng 9-2014, khoảng 450 website của Việt Nam tiếp tục bị tin tặc làm tê liệt. Gần đây nhất là nguy cơ tiềm ẩn của mã độc Ransomware xâm nhập vào hệ thống mật mã để mã hóa dữ liệu thuộc về một cá nhân và đòi tiền chuộc thì mới khôi phục lại… Anh Vũ Khắc Trường, phụ trách công nghệ thông tin của một ngân hàng trên địa bàn cho hay, việc các hacker đánh cắp được thông tin sẽ gây thiệt hại không nhỏ đến doanh nghiệp và người dân, ví dụ như lấy thông tin để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, bán thông tin của doanh nghiệp cho các đối thủ cạnh tranh không lành mạnh… Do đó, để nâng cao khả năng bảo mật, cũng theo ông Trần Trung Hiển, trong thời gian tới, Sở Thông tin – Truyền thông sẽ tập trung triển khai phổ biến, cập nhật kiến thức và nâng cao nhận thức trong cán bộ lãnh đạo, quản lý về công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng trong tình hình mới; tập huấn chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ CNTT trong các cơ quan, đơn vị nhằm phát hiện mã độc trên hệ thống mạng LAN (nội bộ), máy chủ nội bộ, máy tính cá nhân; huấn luyện phương pháp điều tra và kỹ năng phối hợp trong công tác bảo mật thông tin cho cán bộ quản lý, phụ trách công tác an toàn thông tin; tăng cường hoạt động kiểm tra công tác an toàn, an ninh thông tin tại các cơ quan, đơn vị và xây dựng giải pháp khắc phục sự cố về mất an toàn…

Hoàng Gia


Ý kiến bạn đọc