Multimedia Đọc Báo in

Thiếu hệ thống thoát nước, dân gồng mình chống lũ

09:30, 22/09/2015

Để hạn chế thiệt hại nặng do lũ cục bộ cuốn qua vườn cây, hàng chục hộ dân thôn Kim Châu (xã Dray Bhăng, huyện Cư Kuin) đã phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng đắp bờ bao ngăn nước.

Theo thống kê của UBND xã Dray Bhăng, ở trận lũ cục bộ vào ngày 1-9 vừa qua đã gây thiệt hại tương đối nặng đối với 30ha cây lâu năm của 30 hộ ở thôn Kim Châu và làm vỡ hơn 12m cống thoát lũ của thôn Lô 13 ảnh hưởng đến một số diện tích cây trồng ở đây.
Gia đình ông Phạm Văn Đoán thuê máy múc đắp bờ bao.
Gia đình ông Phạm Văn Đoán thuê máy múc đắp bờ bao.

Có mặt tại thôn Kim Châu, chúng tôi chứng kiến hàng chục hộ dân đang đổ đất tạo thành một bức tường chắn chạy dài khoảng 1km chạy dọc theo tỉnh lộ 10 (đoạn đi qua UBND xã Dray Bhăng) để ngăn nước tràn vào vườn cây. Ông Phạm Văn Đoán cho biết, gia đình ông có hơn 1ha sầu riêng và tiêu bị ảnh hưởng bởi trận lũ vừa qua, và đây không phải là lần duy nhất mà gia đình ông phải gánh chịu thiệt hại do lũ: vào thời điểm này của năm 2014, một trận mưa lớn khiến nước từ ngoài đường quét qua vườn khiến gần 1.000 trụ tiêu của gia đình ông bị chết, trong đó có 200 trụ đang cho thu hoạch. Để hạn chế thiệt hại cho vườn cây, ông đã phải bỏ ra hơn 50 triệu đồng mua đất đắp một bờ bao cao hơn 2m, rộng 4m, dài 100m chạy song song với tỉnh lộ 10 để ngăn nước. Tuy nhiên, trận mưa mới đây nước lớn lại làm vỡ bờ bao cuốn trôi hàng trăm gốc tiêu mới xuống giống, ông lại phải bỏ ra 10 triệu đồng để mua đất gia cố lại. Đưa chúng tôi đi tham quan khu vườn, ông Đoán buồn rầu nói: “Dù chấp nhận tốn kém đắp bờ bao, nhưng do nước chảy xiết nên nước vẫn tràn vào vườn gây thiệt hại, không chỉ có tiêu chết, hàng chục gốc sầu riêng cũng đang rụng lá và chết dần. Nếu chính quyền địa phương không có biện pháp khắc phục tình trạng này thì khó mà trồng được cây gì ở mảnh đất này!”. Kế bên rẫy của gia đình ông Đoán, 5 anh em nhà ông Nguyễn Trung Hiếu cũng đang hì hục cho đất vào bao để đắp một đoạn bờ bao dài hơn 30m, những đoạn nước chảy xiết, ông phải dùng cây lớn làm cọc đóng xuống để giữ đất. “Có hôm buổi tối trời mưa to  mấy anh em phải đội mưa ra xem bờ bao có bị vỡ không mà gia cố. Ở khu vực này chẳng có sông suối mà cứ mưa lớn lũ lại về, cực khổ lắm!”, ông Hiếu rầu rĩ. Cách đó không xa, rẫy của bà Bùi Thị Tin cũng chịu thiệt hại nặng bởi những trận lũ bất thường trong thời gian vừa qua. Trận lũ năm ngoái đã làm chết 400 trụ tiêu 5 năm tuổi gây thiệt hại cho gia đình bà hàng trăm triệu đồng. Năm nay vừa trồng lại tiêu mới thì lại bị lũ cuốn bật hết cả gốc. Không chỉ vậy, nước lũ còn cuốn hết phân bón, đất mùn khiến cây trồng còi cọc kém phát triển. Bà nói như khóc: “Bao nhiêu công sức, tiền của bỏ ra giờ chẳng thu được gì, cứ đà này rồi không biết trồng cây gì để chống chọi lại được với lũ đây?”. 

Ông Nguyễn Văn Khôi, Trưởng phòng NN-PTNT huyện cho biết, nguyên ngân gây ra lũ là do nước mưa dồn từ 750 ha cao su  của Chi nhánh nông trường cao su 19/8 (thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk) đang được tái canh nên hệ thống bờ bao ngăn nước chưa bảo đảm khiến nước ồ ạt đổ từ đây đổ về phía trung tâm hành chính của huyện (mặc dù đã đưa vào sử dụng) nhưng ở đây chưa xây dựng hệ thống thoát nước nên nước tràn vào vườn cây gây thiệt hại đối với các hộ dân. Để khắc phục tình trạng này, UBND huyện đã có công văn đề nghị Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk triển khai việc gia cố, đắp cao các bờ lô cao su, xử lý các cống dọc bờ lô hướng về trung tâm hành chính huyện để hạn chế lượng nước đổ về nơi đây gây ảnh hưởng đến đời sống, cây trồng của người dân. Ngoài ra, UBND huyện cũng yêu cầu các phòng ban chức năng của huyện tiến hành khơi thông cống rãnh dọc tỉnh lộ 10 để cho nước thoát nhanh hơn; đề nghị UBND tỉnh sớm bố trí vốn để triển khai dự án thoát nước khu trung tâm hành chính huyện…

Vạn Tiếp


Ý kiến bạn đọc